![]() |
Chia sẻ thông tin về việc xây dựng chính sách khuyến khích xây dựng điện toán đám mây trong cuộc họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước khối các cơ quan Trung ương vừa được tổ chức, ông Nguyễn Quang Hưng, đại diện Cục CNTT (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện nay, ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chính là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng và tiện ích các dịch vụ ngân hàng điện tử; Đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục cho hệ thống CNTT của các ngân hàng đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT trong hoạt động ngân hàng.
Một trong các chỉ tiêu quan trọng để đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục cho hệ thống CNTT của các tổ chức tín dụng là định hướng triển khai các hệ thống CNTT theo mô hình tập trung và ứng dụng xu hướng phát triển công nghệ điện toán đám mây.
Nguyên nhân ngành ngân hàng lựa chọn điện toán đám mây bởi công nghệ này cắt giảm chi phí đầu tư, thời gian triển khai các hệ thống CNTT và đơn giản hóa việc quản trị hạ tầng CNTT.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Quang Hưng, việc lựa chọn nền tảng này cũng gặp nhiều khó khăn nhất là về vấn đề an ninh, bảo mật bởi ngân hàng là ngành đòi hỏi yêu cầu cao về an toàn, bảo mật.
Cụ thể theo ông Hưng, do đặc tính chia sẻ tài nguyên và cung cấp các tài nguyên tính toán dưới đạng dịch vụ qua môi trường mạng mà khó khăn nhất khi ứng dụng nền tảng này là những rủi ro trong việc kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin mạng và bảo vệ dữ liệu.
Việc sử dụng dịch vụ qua môi trường mạng cũng làm tăng nguy cơ bị tấn công, tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin/dữ liệu. Do đó, để đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, ổn định cho mạng lưới hệ thống dịch vụ ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây đòi hỏi những bước đi thận trọng và tuân thủ các quy trình để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, một trong những vấn đề khi triển khai điện toán đám mây là việc mất kiểm soát khi xảy ra mất kết nối mạng hoặc các sự cố phát sinh từ nhà cung cấp dịch vụ.Đồng thời, hành lang pháp lý liên quan đến điện toán đám mây tại Việt Nam lại chưa đủ rõ ràng. Chẳng hạn như chưa có quy định về việc quản lý các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đối với chính phủ hay đảm bảo quyền lợi cho khachs hàng sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Với đặc thù riêng trong việc lưu trữ, xử lý nhiều thông tin có tính bảo mật cao nên hiện tại, ngành ngân hàng sử dụng mô hình dịch vụ điện toán đám mây lai.
Theo số liệu khảo sát, quý I/2016, có 25% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã từng bước triển khai công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây cho hạ tầng CNTT. Trong đó, một số ngân hàng đã triển khai đối với dịch vụ thư điện tử, quản lý hệ thống khách hàng, phân tích dữ liệu nghiệp vụ,…
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng quy chế nhằm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc khai thác nền tảng này nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu khắt khe trong hoạt động chuyên môn.Theo kế hoạch quy chế sẽ được ban hành vào tháng này.