- Lời tòa soạn: Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm nay có một đặc biệt khác 4 lần trước đó: giải thưởng vì sự nghiệp văn hóa giáo dục được trao cho một người tự nhận là “không có tác phẩm hay công trình nghiên cứu nào”. Ông là Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An, năm nay ở tuổi 55, trong đó, có gần 20 năm gắn liền với những thăng trầm của đô thị cổ.

Nhà văn Nguyên Ngọc gọi Nguyễn Sự là “nhà văn hóa thực hành”. Thực hành, nghĩa là giải cùng những bài toán tinh vi và khó khăn ấy, nhưng không phải trên sách vở, mà trong không gian và thời gian cụ thể của đời sống, với những con người cụ thể hàng ngày. Nguyên Ngọc nói Nguyễn Sự đã giải bài toán Hội An thành công và đô thị này là "tác phẩm sống" của Nguyễn Sự.

Trong diễn từ đọc tại lễ nhận giải diễn ra sáng nay, 24/3, "nhà văn hóa thực hành" đã kể một câu chuyện nhỏ rất bình thường ở Hội An. Theo ông, câu chuyện “có thể giúp ta suy nghĩ thêm hình như không chỉ về Hội An, mà cả về văn hóa, cũng không chỉ văn hóa Hội An, mà là văn hóa nói chung.

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu câu chuyện của món chè đậu ván của Nguyễn Sự.


Ông Nguyễn Sự đọc diễn từ tại lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh diễn ra ngày 24/3 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng

Một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Hội An là món chè đậu ván của hai chị em nghèo, chỉ bán về đêm, khoảng từ chín, mười giờ, cho đến đúng khuya.

Người chị gánh gánh chè nhẹ tênh từ đầu phố thong thả đi xuống, người em gánh cũng nhẹ tênh từ cuối phố thong thả đi lên, tới lúc gặp nhau thì chè vừa hết, và cánh cửa cuối cùng của những ngôi nhà cổ phố Hội cũng vừa khép lại.

Chè đậu ván của hai bà đặc sắc ở chỗ nước thì trong veo không chút gợn mà ngọt thanh và dịu, còn các hạt đậu thì mịn bâng mà lại còn nguyên, không hề vỡ, thậm chí một vết rạn nhỏ cũng không. Bỏ vào miệng cứ thế mà tan ra lúc nào không hay nên tưởng cứ còn đó mãi trên lưỡi...

Bí quyết của món chè này, theo tôi được biết, là ở cách pha nước đường: hai bà dùng loại đường bát vốn quen thuộc ở các làng quê xứ Quảng, không biết quý vị đã biết thứ đường ấy chưa, nước mật trong chảo còn ở trạng thái thô nhất, chưa lọc chút tạp chất nào, đang sôi sùng sục, chín tới một độ nào đó thì được đổ ra những cái bát cũng thô như vậy, để cho nguội đi, đặc quánh lại, màu đen xỉn, hai bát đường úp vào nhau, quấn rơm và đem bán ở chợ, hoặc bán cả cặp, hoặc từng bát, cũng có khi chẻ ra từng góc bán cho các bà mẹ đi chợ mua quà về cho con. Loại đường quê mùa nhất, thô sơ nhất, nghèo hèn nhất, bình dân nhất, đứng ở bét bảng xếp hạng của họ nhà đường.

Đường ấy pha với đường phèn, tức là nghịch lý tốt cùng, đường phèn đứng đầu bảng chót vót, là kim cương của đường, là đường vua, quý phái, vương giả.

Chính sự pha trộn bất ngờ, tài tình và mầu nhiệm, mà cũng giản dị ấy của hai bà bán chè đêm Hội An đã tạo nên bí quyết của chè đậu ván kỳ diệu là đặc sản laia đời của thành phố chúng tôi.

Tất nhiên, hai chị em bà bán chè vô danh những đêm khuya phố Hội không hề nói, thậm chí chắc cũng không hề biết đến từ “bí quyết”, càng không nghĩ về triết lý chè của hai bà.

Bởi vì quả thật ở đây có một triết lý sâu xa, và cái triết lý ấy đã thấm đâu đó trong máu của hai bà, của mỗi con người Hội An.


Phố cổ Hội An
Tôi cho triết lý cơ bản, hay là bản lĩnh chủ yếu của Hội An là vậy, đã giúp thành phố chúng tôi trải qua bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn hào hôm nay của kinh tế thị trường đang hoang dã, vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, không đến mức ở những hàng sau, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng.

Đó là bản lĩnh kết hợp được một cách hoàn toàn, nhẹ nhàng như không, những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu. Kết hợp tuyệt đối và tuyệt vời đường tối hạ cấp với đường tối cao cấp để tạo nên tác phẩm chè đậu ván lạ lùng vừa bình dân vừa quý phái.

Vâng, văn hóa Hội An là vậy, văn hóa non nửa thiên niên kỷ nay cư dân Hội An đã kiên trì và tinh tế tạo được cho mình là vậy, bình dân mà quý phái, quý phái mà bình dân, giản dị mà sang, sang trong giản dị.

Người Hội An buôn bán năng nổ, nhà nghiên cứu Li Tana nói: Cách đây bốn thế kỷ, người dân Hội An đã sống chủ yếu bằng dịch vụ. Họ bặt thiệp và sành sỏi. Nhưng họ cũng thong dong, biết và thích sống chậm, lại thật thà (lại một kết hợp đối nghịch nữa: sành sỏi với thật thà).

Họ muốn giữ cho thành phố của mình yên tĩnh mà năng động. Ở đây nữa cũng lại có sự kết hợp tự nhiên giữa hai mặt như rất đối lập mà người Hội An biết hóa giải thành công: họ muốn có một không gian sống thư thái, an bình, đồng thời cũng lại biết trong thế giới quá sôi động ngày nay một không gian như vậy chính là sản phẩm hay nhất, có giá trị cao nhất họ có thể bán cho khách du lịch bốn phương.

Và họ giàu lên, bằng chính những đức tính tích lũy lâu dài và độc đáo của Hội An.

Có lẽ có thể nói một cách hơi lạ: văn hóa theo cách người Hội An tạo được trong mấy trăm năm qua, đối với họ là một lối sống, một hạnh phúc được sống như vậy, đồng thời cũng là một món hàng quý họ đem mời khách. Không có mâu thuẫn, xung khắc nào...

  • Nguyễn Sự