Biết tôn vinh và giữ gìn thương hiệu “bia nhà” mọi lúc, mọi nơi để thương hiệu Việt không bao giờ bị lẫn khuất như anh bạn tôi tuy cực đoan một chút nhưng mà dễ thương!
Tôi có anh bạn làm trong ngành bia-rượu thương hiệu Việt. Là dân trong nghề, lại là dân nhậu thứ thiệt, anh rành rẽ về mọi loại bia. Nhưng điều đáng nói là anh có ý thức tôn vinh và giữ gìn thương hiệu “bia nhà” một cách đáng nể… Trong các cuộc nhậu với bạn bè, nếu hôm đó anh mời thì tuyệt nhiên không ai được uống một loại bia nào khác ngoài “bia nhà”; nếu người khác mời thì anh khuyến khích dùng “bia nhà” và bản thân chỉ uống mỗi loại đó, không có thì… nhịn.
Tôi cũng là dân nhậu, nhưng chỉ thích uống các loại bia có thương hiệu ngoại. Một phần vì tâm lý… “sính ngoại”, một phần vì muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình so với dân nhậu bình dân vốn ở phân khúc mà “bia nhà” chiếm ưu thế nhờ giá cả phù hợp.
Một lần anh bạn đến nhà chơi, trong tủ lạnh có sẵn bia ngoại nên tôi muốn mời anh cho tiện. Tôi bèn giở trò… “treo đầu dê, bán thịt chó”, mở mấy lon bia ngoại ra, đổ hết ra ca nhựa, cho đá vào, rồi mang ra đãi khách. Chỉ mới nhấp được nửa ngụm, anh đã bỏ ly bia xuống, nhăn mặt “ông lừa tôi”… rồi mỉm cười vẻ độ lượng “cho tôi ly trà đá”… Thấy bạn hơi cực đoan, tôi nói “ông vừa phải thôi, uống hoài bia nhà rồi, thỉnh thoảng uống một chút bia nhà khác có sao đâu?”. “Lúc này uống một chút có thể không sao, nhưng nếu ai cũng khuyên tôi như ông, ngày một ngày hai… đến một ngày mọi chuyện có thể khác”. Anh bạn tôi lại mỉm cười vẻ độ lượng: “Ông thích uống gì cũng được, nhưng tôi thì khác, nếu tôi không biết tôn vinh và giữ gìn thương hiệu bia nhà mọi lúc mọi nơi thì làm sao để khách hàng tin tưởng và chung thủy với mình?”…
Ý thức của anh bạn tôi về “bia nhà”, đứng về góc độ của người làm ra hàng hóa mà nói là… "chuẩn không cần chỉnh”, tuy cực đoan nhưng mà đúng!
Việt Nam được coi là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á (Ảnh minh họa) |
Trong sự hội nhập quốc tế ngày càng đa diện của nền kinh tế nước ta, không ít thương hiệu Việt đã trở nên nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu. Nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn để trống nhiều cơ hội. Trong khi đó, nhiều sản phẩm thương hiệu ngoại đã tận dụng mọi cơ hội để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Bia là một trong số đó.
Theo số liệu của Kirin (Nhật Bản) – tổ chức chuyên nghiên cứu và thống kê về ngành bia rượu toàn cầu - Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về sản xuất bia, với tổng sản lượng bia năm 2011 là 2.78 tỷ lít, được coi là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với mức tiêu thụ bình quân đầu người gần 30 lít/năm. Còn theo dự báo của cơ quan lập quy hoạch ngành rượu bia nước ta, đến năm 2015 Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm; đến năm 2025, mỗi người Việt Nam sẽ uống bình quân 60-70 lít bia/năm.
Có điều khác biệt so với nhiều nước khác, bia được sản xuất cho cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, bia Việt Nam chủ yếu để tiêu dùng nội địa. Vì vậy, nếu “bia ta” sản xuất không đủ sản lượng, hoặc chất lượng không bảo đảm, giá cả không cạnh tranh, thì trong số hàng tỉ lít bia được tiêu thụ hàng năm chắc chắc thị phần bia ngoại sẽ chiếm tỉ lệ ngày càng lớn... Trên thực tế, bia Việt Nam chất lượng không thua gì hàng ngoại nhưng ở một số địa phương, các thương hiệu bia Việt đã phải nhường sân cho thương hiệu bia ngoại vì tâm lý sính ngoại, “bụt chùa nhà không thiêng” của người tiêu dùng.
Không chỉ bia mà nhiều sản phẩm mang tính hướng nội khác cũng đứng trước nguy cơ bị thương hiệu ngoại lấn át ngay trên sân nhà. Bị lấn át chưa hẳn vì chất lượng kém mà chỉ vì tâm lý sính ngoại của người Việt! Các chiến dịch quảng bá “người Việt dùng hàng Việt” dù được chú trọng nhưng chưa mấy hiệu quả, có lẽ vì sự nhàm chán, cũ kỹ trong cách truyền thông chăng?
So với anh bạn tôi, tôi cũng có một kiểu cực đoan theo cách của mình. Đó là tuyệt đối không mua hàng, dùng hàng có xuất xứ từ một số nước có điều tiếng xấu về làm hàng kém chất lượng.
Tinh thần yêu nước không phải là điều gì cao xa, càng không phải chỉ dành riêng cho người nào, ngành nào, giới nào… Yêu nước thể hiện qua thái độ với hàng nội cũng vậy. Mỗi người, mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp trong xã hội tùy vào vị trí và nhận thức của mình để thể hiện tình cảm đó một cách phù hợp và thiết thực.
Biết tôn vinh và giữ gìn thương hiệu “bia nhà” mọi lúc, mọi nơi để thương hiệu Việt không bao giờ bị lẫn khuất như anh bạn tôi cũng là một cách như vậy.
Tuy cực đoan một chút nhưng mà dễ thương
(Theo Khám phá)