Khủng hoảng lần này ở bán đảo Triều Tiên không chỉ nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng
trước đây, mà còn thể hiện sự thay đổi về chất trên nhiều phương diện.
Bài viết của tác giả Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Đại học Quốc gia Singapore.
Dù là chủ động khiêu khích hay bị “dẫn dắt” như Triều Tiên lên tiếng, việc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong Hàn Quốc đã đổ thêm dầu vào cục diện vốn đã tiềm ẩn đầy nguy cơ khủng hoảng của Đông Á. Mặc dù trong nhiều năm qua, khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tiếp diễn liên tục, nhưng từ những gì diễn ra lần này có thể thấy, khủng hoảng không chỉ nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây, mà còn thể hiện sự thay đổi về chất trên nhiều phương diện.
Đối với Triều Tiên, cuộc khủng hoảng lần này không khác gì so với những cuộc trước, nhưng đối với quan hệ Trung - Mỹ, tình hình đã khác nhiều. Hành vi của Triều Tiên đã kéo theo sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Chỉ cần hai cường quốc này đạt được nhận thức chung về vấn đề Triều Tiên và có thiện chí cùng duy trì sự ổn định trên bán đảo, thì dù cho Triều Tiên có hành động thế nào, cục diện Đông Á cũng không thể mất kiểm soát.
Nhưng một khi hai nước Trung - Mỹ không đạt được nhận thức chung, không thể hợp tác hành động, hoặc mỗi nước tự hành động theo cách của mình thì không những cục diện Đông Á sẽ mất điểm nâng đỡ ổn định, mà còn mất cân bằng. Dù xét từ góc độ nào đi chăng nữa, cục diện Đông Á đang đứng trước nguy cơ mất ổn định.
Thay đổi về đàm phán sáu bên
Trước hết, quan điểm của các bên về đàm phán sáu bên đã có thay đổi lớn. Đàm phán sáu bên cho đến nay vẫn là khuôn khổ chủ yếu thảo luận vấn đề bán đảo Triều Tiên. Dù là hội đàm đa phương hay song phương (Mỹ và Triều Tiên) đều tiến hành trong khuôn khổ này. Trung Quốc là nước khởi xướng và thành lập cơ chế đàm phán sáu bên. Cũng giống như khi sắp nổ ra những cuộc khủng hoảng lần trước, lần này Trung Quốc cũng cố gắng muốn ổn định cục diện thông qua đàm phán này.
Ảnh: Reuters
Đối với Mỹ, đàm phán sáu bên không những không thể ràng buộc hành động của Triều Tiên, mà còn làm cho Triều Tiên được đằng chân lân đằng đầu. Nếu Trung Quốc coi Triều Tiên là vấn đề của Mỹ thì Mỹ coi Trung Quốc là then chốt trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Do đó, mỗi khi khủng hoảng sắp nổ ra, Mỹ (cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc) đều yêu cầu Trung Quốc giữ vai trò quan trọng hơn, phát huy tác dụng lớn hơn.
Trên thực tế, Mỹ đã không còn nhẫn nại nổi với Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, nước này đã nếm đủ mọi quả đắng từ Mỹ: trừng phạt kinh tế, diễn tập quân sự và uy hiếp… Nay chỉ còn sự can thiệp về quân sự nữa mà thôi. Nhưng sự can dự của Mỹ có thể dẫn tới tai họa khôn lường, vì vấn đề Triều Tiên có liên quan tới nhiều nước lớn như Trung Quốc, Nga... Trong điều kiện can thiệp quân sự không phải là biện pháp khả thi, Mỹ chỉ có thể yêu cầu Trung Quốc phải hành động.
Trung Quốc cũng rất lo lắng về vấn đề Triều Tiên. Mặc dù một số giới sĩ Mỹ chỉ trích Trung Quốc không làm hết sức mình, nhưng xét từ phía Trung Quốc mà nói, Trung Quốc đã làm hết sức mình. Với tư cách là một nước lớn mới nổi, Trung Quốc không muốn lặp lại cách giải quyết các vấn đề quốc tế mà Mỹ và phương Tây thường sử dụng, đó là trừng phạt kinh tế và hành động quân sự, vì Trung Quốc biết dù trừng phạt kinh tế hay các hành động quân sự đều rất khó giải quyết vấn đề, chỉ làm phức tạp hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc làm ngơ trước vấn đề này. Bắc Kinh cũng đang cố gắng tìm các biện pháp khác, chỉ có điều chưa có kết quả. Điều này thể hiện rõ nhất trong vấn đề Triều Tiên, đàm phán sáu bên là kết quả sự cố gắng của Trung Quốc. Hiện nay, các nước Mỹ, Nhật, Hàn đã không còn mặn mà với đàm phán sáu bên, do đó Trung Quốc cũng rất lo lắng cục diện bán đảo sẽ tiếp diễn thế nào. Trong cuộc khủng hoảng lần này, các nhà lãnh đạo đứng đầu hai nước Trung - Mỹ đã điện thoại trao đổi về vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc bày tỏ rõ sự lo lắng, hy vọng Mỹ đừng đổ thêm dầu vào lửa.
Khả năng chiến tranh lạnh mới ở Đông Á?
Do ảnh hưởng của Trung Quốc ở Triều Tiên có hạn, hơn nữa, ai có thể đoán chắc Triều Tiên còn có những hành động khó kiểm soát nào nữa không. Vậy, cục diện Đông Á sẽ phát triển theo hướng nào? Trước hết phải xem sự lựa chọn của Mỹ. Một mặt, Mỹ gây sức ép với Trung Quốc, mong muốn nước này gánh vác trách nhiệm. Nếu như vậy thì còn có thể chấp nhận được, vì nó chứng tỏ, hai nước Trung - Mỹ tiếp tục hợp tác trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Nhưng một xu hướng khác được quan tâm hơn, đó là Mỹ, Nhật, Hàn tăng cường liên minh, dùng phương thức chiến tranh lạnh để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời kiềm chế Trung Quốc. Mỹ, Nhật, Hàn đã bắt đầu hành động theo hướng khác, thương thảo và nghiên cứu cách đối phó với Triều Tiên ngoài khung đàm phán sáu bên. Trung Quốc và các nước khác bị đẩy ra bên ngoài. Cách làm này vừa gây sức ép với Trung Quốc, cũng là sự lựa chọn của các nước này trong thời gian tới.
Cục diện chiến tranh lạnh ở Đông Á cũng không ngoài sức tưởng tượng. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Đông Á bị phân chia làm hai chiến tuyến. Cục diện này chỉ kết thúc sau khi Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách mở cửa. Điều này chứng tỏ, cục diện một Đông Á chỉ tồn tại từ hơn 30 năm qua. Hơn nữa, cục diện này được thực hiện trên cơ sở sự trao đổi về kinh tế; còn về chính trị và chiến lược, cục diện một Đông Á chưa bao giờ xuất hiện. Nói cách khác, di sản của chiến tranh lạnh chưa bao giờ chấm dứt, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là đồng minh về mặt chính trị và chiến lược của Mỹ. Điều này chứng tỏ, cơ sở chiến lược để các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc trở về cục diện chiến tranh lạnh đã được cơ chế hóa.
Vậy về mặt kinh tế thì sao? Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Xô - Mỹ, sự đối địch giữa hai bên thể hiện trong lĩnh vực quân sự và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, không có quan hệ và dựa dẫm lẫn nhau về kinh tế và xã hội. Đối với Đông Á, một vấn đề cơ bản chính là sự dựa dẫm lẫn nhau về kinh tế có thể cản trở sự xuất hiện của cục diện chiến tranh lạnh không? Ở đây có thể có hai kịch bản xảy ra. Kịch bản thứ nhất chính là chiến tranh lạnh kiểu mới, nghĩa là về kinh tế vẫn có mối liên hệ và dựa dẫm lẫn nhau, nhưng về chiến lược và chính trị xuất hiện cục diện đối địch nghiêm trọng. Kịch bản thứ hai là sự trao đổi và dựa dẫm về kinh tế dần dần giảm bớt, cuối cùng dẫn đến chiến tranh lạnh Đông Á theo kiểu chiến tranh lạnh Xô - Mỹ.
Mỹ đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước châu Á (gồm cả Đông Nam Á), các cơ chế tự do thương mại đang trong quá trình đàm phán và thực thi. Những liên hệ về kinh tế này tạo điều kiện mang tính cơ chế cho việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa một số nước châu Á với Mỹ, đồng thời cũng giảm bớt tổn thất trong việc giảm thiểu quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Cục diện cuối cùng có thể giống cục diện kinh tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh Xô - Mỹ, tức là hình thành một khối kinh tế thương mại đóng cửa lấy phương Tây làm trung tâm đối trọng với Trung Quốc và một số quốc gia khác. Trên thực tế, kịch bản thứ nhất không ổn định, cuối cùng cũng có thể tiến triển theo kịch bản thứ hai.
Vai trò Trung Quốc
Đông Á có thể diễn biến thành hai Đông Á không, hoặc có thể bị phân chia thành hai phần không, quyết định ở sự lựa chọn của Trung Quốc. Thậm chí có thể nói, sự lựa chọn của Trung Quốc còn quan trọng của Mỹ. Sở dĩ kinh tế Đông Á thống nhất được tới trình độ hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là do sự lựa chọn của Trung Quốc.
Đương nhiên Trung Quốc cũng phải xét xem có cần thiết vì vấn đề Triều Tiên để từ một G2 tiềm năng cuối cùng biến thành cục diện chiến tranh lạnh Trung - Mỹ hay không, như vậy có đáng không. Ngoài đàm phán sáu bên, những phương thức khác cũng có thể thực hiện. Mặc dù xét từ góc độ địa chính trị, Trung Quốc không thể cũng không có khả năng bỏ mặc Triều Tiên, nhưng có khả năng thay đổi hành động của họ. Những hành động của Triều Tiên ngày nay là sản vật của các nhân tố như: sự cô lập quốc tế, cảm giác mất an toàn, xã hội mất ổn định… Mà những vấn đề này không phải không có cách giải quyết. Sự mất an toàn của Tiều Tiên chủ yếu thể hiện ở mất an ninh quốc gia và mất an toàn về chính quyền (bị thế lực bên ngoài đe dọa hoặc quyền lực nội bộ đe dọa). Nếu Trung Quốc và các nước có liên quan không thể bảo đảm an ninh cho Triều Tiên trên những phương diện này, hành động phi lí tính của Triều Tiên vẫn có thể tiếp diễn.
Trên thực tế, trừ sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Triều Tiên, việc bảo đảm an ninh trên các phương diện khác không khó, bản thân Trung Quốc hoặc Trung Quốc và các nước khác (gồm cả Nga) có thể bảo đảm được cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng có thể gây sức ép với Triều Tiên, yêu cầu nước này tiến hành cải cách mở cửa, về ngoại giao thông qua thay đổi hành động của mình hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Về phương diện này, bản thân Trung Quốc có kinh nghiệm phong phú. Lãnh đạo Triều Tiên cũng luôn đánh giá cao kinh nghiệm cải cách mở cửa của Tung Quốc. Đối với Trung Quốc, một Triều Tiên tương đối lớn mạnh phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Nhưng sự lớn mạnh của Triều Tiên không thể thực hiện được thông qua phát triển vũ khí hạt nhân và khiêu khích quân sự như hiện nay, mà phải thông qua cải cách mở cửa.
Nếu Trung Quốc lựa chọn như trên, thì có thể tránh được chiến tranh lạnh ở Đông Á. Rõ ràng, sự lựa chọn này cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Có một điểm rất rõ ràng, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vai trò bị động như hiện nay thì Đông Á rất có thể xảy ra chiến tranh lạnh. Đây không phải là vấn đề Trung Quốc thích hay không, mong muốn hay không, mà do thực trạng chính trị quốc tế dẫn dắt. Một khi Mỹ mất hết niềm tin vào Trung Quốc, ắt sẽ lựa chọn phương pháp “chiến tranh lạnh” để đổi lấy sự ổn định ở Đông Á, cho dù đó là sự ổn định đầy rẫy nguy hiểm (giống như chiến tranh lạnh Xô - Mỹ). Sự “cố ý” của Mỹ đối với Trung Quốc cũng thúc đẩy Trung Quốc trả miếng với Mỹ. Một khi hai nước Trung Mỹ coi nhau là kẻ thù, chiến tranh lạnh Đông Á sẽ trở thành tất yếu.
Chiến tranh lạnh đương nhiên không phải là ngày tận thế của chiến lược quốc tế của Trung Quốc. Nếu Đông Á phân chia thành hai phần, Trung Quốc mất đi không gian phía Đông, sẽ có thể phát triển về hướng Tây. Kịch bản này không những có thể xảy ra mà đã bắt đầu xảy ra, tức là Trung Quốc đã phát triển quan hệ với các quốc gia Ả-rập phía Tây. Tuy nhiên, chiến tranh lạnh mới rất bất lợi đối với Trung Quốc.
Trong tương lai gần, dù là về sức mạnh cứng hay sức mạnh mềm, Trung Quốc khó mà so sánh với Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng ở ngay cạnh Trung Quốc như các nước ASEAN đã phát triển tới mức độ tương đối chặt chẽ, mà điều này Trung Quốc chưa đạt được. Quan hệ quốc tế của Mỹ rất toàn diện, bao gồm cả chính trị, kinh tế và quân sự…, nhưng với Trung Quốc mới chỉ lấy kinh tế làm nòng cốt. Điều quan trọng hơn nữa là, một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể khiến chiến lược ngoại giao của Trung Quốc phải có sự điều chỉnh lại từ đầu. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, thậm chí từ những năm 70 thế kỷ trước, khi Trung - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc lựa chọn con đường lấy các nước phương Tây làm nòng cốt hòa nhập vào quỹ đạo cộng đồng quốc tế.
Những thành tựu mà Trung Quốc đạt được ngày nay và cục diện ngoại giao của Trung Quốc cũng là kết quả của sự lựa chọn này. Nếu chiến tranh lạnh mới xảy ra, cục diện ngoại giao mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ khác hoàn toàn với chiến lược ngoại giao hiện nay. Không nói đến các nhân tố khác, chỉ giả dụ nếu Mỹ thù địch với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với muôn vàn vấn đề ngoại giao hóc búa, cũng như sức ép ngoại giao mà Liên Xô phải chịu trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đến nay, mặc dù hai nước Trung Mỹ cũng thường xuyên xảy ra xung đột, nhưng cục diện lớn hợp tác vẫn không thay đổi. Trong khi đó chiến tranh lạnh đồng nghĩa với cục diện lớn hợp tác hoàn toàn biến mất.
Dù thế nào đi nữa, hiện nay cục diện Đông Á vẫn đang đứng trước bước ngoặt lớn, tất cả các nước gồm cả hai nước Trung - Mỹ đều phải tìm cho được một điểm cân bằng. Điều khó có thể tưởng tượng là, cốt lõi của vấn đề là Triều Tiên - một quốc gia không lấy gì làm quan trọng trên bản đồ chính trị quốc tế - lại luôn chủ đạo mối quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất thế giới. Đối với Trung Quốc, phải có sự lựa chọn và quyết định dứt khoát về vấn đề này. Trong lịch sử, mấy lần thay đổi to lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia của Trung Quốc đều có liên quan chặt chẽ tới cục diện bán đảo Triều Tiên. Ngày nay rõ ràng nếu Trung Quốc vẫn giữ chính sách cũ về vấn đề này, ắt sẽ dẫn đến tác dụng ngược, dẫn đến hậu quả Trung Quốc không mong đợi.
-
Tuệ Lâm (Theo Lianhe zaobao)