Hàn Quốc đã xây dựng hàng chục cơ sở tại khu nghỉ mát núi Kim Cương, Triều Tiên để phục vụ du lịch của người dân nước này trong thời kỳ gắn kết cao độ giữa hai quốc gia láng giềng vào những năm 1990. Tuy nhiên, năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mô tả các cơ sở của Hàn Quốc ở đó là "tồi tàn" và ra lệnh phá hủy chúng sau nhiều tháng bày tỏ phẫn nộ về việc Seoul không sẵn sàng chống lại các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để khôi phục các tour du lịch.

Trong bức ảnh do chính phủ Triều Tiên công bố tháng 11/2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un (áo trắng) đang đứng trước khách sạn nổi Haegumgang của Hàn Quốc trong một chuyến thăm khu nghỉ mát núi Kim Cương. Ảnh: KCNA

Theo AP, Bình Nhưỡng đã trì hoãn việc phá dỡ khách sạn nổi Haegumgang của Hàn Quốc tại khu nghỉ mát núi Kim Cương vào năm 2020 như một biện pháp phòng ngừa Covid-19. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 8/4 cho hay, chính quyền ông Kim đang xúc tiến quá trình này.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cha Deok-cheol nói, hiện không rõ phía Triều Tiên có đang cho phá bỏ các cơ sở khác tại khu nghỉ mát ven biển nói trên hay không. Theo ông Cha, Seoul "rất lấy làm tiếc về việc Triều Tiên đơn phương phá dỡ khách sạn", đồng thời kêu gọi nước láng giềng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng về tài sản của Hàn Quốc tại địa điểm này.

Các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy công việc phá dỡ khách sạn Haegumgang đã được tiến hành nhiều tuần qua. Ông Cha cho hay, Seoul đã sử dụng các kênh liên lạc liên Triều để yêu cầu Bình Nhưỡng giải thích và thương lượng về vấn đề này, nhưng nhà chức trách Triều Tiên đã phớt lờ yêu cầu.

Việc phá dỡ diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng vì các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Hôm 24/3, quốc gia Đông Bắc Á này đã thực hiện vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên kể từ năm 2017, khi ông Kim khôi phục chính sách "bên miệng hố chiến tranh" nhằm buộc Mỹ và các đồng minh phải công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng.

Không chỉ là biểu tượng quan trọng cho sự hợp tác liên Triều, các tour du lịch từ Hàn Quốc đến núi Kim cương còn đem về nguồn tiền mặt quý giá cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn của Triều Tiên. Song, khu nghỉ dưỡng này bị bỏ không từ tháng 7/2008, sau vụ du khách Hàn Quốc Park Wang-ja, 53 tuổi bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết do đi lạc vào khu vực quân sự.

Hàn Quốc không thể tái khởi động các tour du lịch tới núi Kim cương hay bất kỳ hoạt động kinh tế lớn liên Triều nào khác do các lệnh trừng phạt tăng cường của Liên Hợp Quốc từ năm 2016, thời điểm Triều Tiên bắt đầu đẩy mạnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Trong các nỗ lực ngoại giao chớp nhoáng năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp ông Kim 3 lần và cam kết sẽ tái khởi động các tour tham quan tới khu nghỉ mát nói trên, đồng thời bày tỏ lạc quan về khả năng chấm dứt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã đình chỉ hợp tác với Seoul sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ sụp đổ năm 2019 và Seoul không thể thuyết phục Washington nhượng bộ.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Triều Tiên dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công

Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo Jong, nói rằng nếu Hàn Quốc chọn đối đầu quân sự thì lực lượng hạt nhân nước này sẽ tấn công.