- Ông Trịnh Xuân Thanh sinh ra trong gia đình đáng quý, gây ra hậu quả cũng phải chịu trách nhiệm, không nên bỏ trốn - Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí bên hành lang QH sáng nay.
Thứ trưởng Vương nói: Nguyên tắc của điều tra là bí mật tới phút cuối.
Sau vụ Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, phải hết sức chú ý bởi trong bối cảnh hiện nay công tác điều tra các vụ án kinh tế là rất khó khăn. Phải thực hiện dân chủ, công dân nào cũng có quyền cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực qua lại rất thuận lợi.
XEM CLIP:
Có dư luận nói có tài khoản nước ngoài, thẻ xanh, một số người có thẻ APEC có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên cũng đặt ra chuyện hết sức khó khăn.
Còn quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai, xuất nhập cảnh qua biên giới, sân bay. Biên giới lại rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa, nên lợi dụng đi lại rất dễ dàng.
Công an không lấy tài liệu trên mạng làm tài liệu điều tra
Đối với những đối tượng thuộc tầm ngắm thì mình ngăn chặn thế nào?
Mình ngăn thế nào được. Bộ luật Hình sự nêu chỉ có tội khi tòa án có bản án, bản án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo VKS phê chuẩn nên rất khó để điều tra.
Quản lý công dân qua hộ khẩu thì rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ này lại tạm trú chỗ khác, đi làm đi ăn thế này thế khác. Bối cảnh như thế nên lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ được.
Còn đối tượng này đa phần cán bộ công chức, viên chức, đảng viên làm sao mà tiến hành biện pháp quản lý như nhà báo nêu được.
Vụ Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... thì việc ngăn chặn bỏ trốn gặp khó khăn?
Nói về rào cản có nhiều cái rất khó, ngay như luật pháp của VN và các nước cũng có quy định khác nhau.
Đối với VN, đây là tội danh vi phạm về bộ luật Hình sự nhưng ở nước khác lại quy định khác, nên tương trợ tư pháp hình sự của VN với các nước cũng khác nhau, trừ một số nước có tương trợ tư pháp còn thuận lợi nhưng họ cũng phải bảo vệ quyền con người nên phối hợp cũng có cái khó.
Trong công tác quản lý về xuất nhập cảnh cũng còn những bất cập.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an |
Tội phạm kinh tế có quá trình điều tra dài nhưng quá trình ấy không có biện pháp?
Giang Kim Đạt là trường hợp điển hình, nhưng khi trốn thì lực lượng công an tiến hành biện pháp truy tìm, bắt Giang Kim Đạt không phải dễ dàng gì, đã đi qua vài ba nước, bắt ở nước giáp ranh với mình.
Vậy Trịnh Xuân Thanh đi qua nước nào thì ta cũng phải nắm được?
Nếu nói với các nhà báo thế này thì tôi thành tiết lộ bí mật điều tra mất.
Thông tin về Trịnh Xuân Thanh có gì mới khi trên mạng cùng xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới ông này?
Về mặt chứng cứ, công an không lấy tài liệu trên mạng làm tài liệu điều tra. Đó là thông tin tham khảo để phục vụ nhiệm vụ.
Khó mà lẩn trốn
Phải chăng việc bắt giữ khó khăn?
Tất nhiên khó khăn, việc bắt đối tượng ở nước ngoài đâu có dễ. Quan hệ VN và Đức tương đối tốt. Nói chung với các nước, trong lĩnh vực thực thi pháp luật cơ bản là tốt.
Quan điểm với tội phạm nghiêm trọng, dù có tốn thời gian vẫn phải dẫn độ về phải không, thưa ông?
Tôi xin nói rằng bộ luật Hình sự quy định rất rõ, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu của lệnh truy nã, bỏ trốn vô thời hiệu, không có thời gian kết thúc, truy đến cùng.
Đối với Trịnh Xuân Thanh, đây là trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu. Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu.
Ông Trịnh Xuân Thanh sinh ra trong gia đình đáng quý, có truyền thống, gây ra hậu quả như vậy cũng phải chịu trách nhiệm chứ không nên bỏ trốn. Bản thân cũng có quan hệ với gia đình, con cái, anh em.
Luật pháp VN lượng khoan hồng rất lớn, quan điểm của con người VN rất nhân đạo, truyền thống dân tộc đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Tôi nói là khó mà lẩn trốn được.
XEM CLIP:
Vụ Trịnh Xuân Thanh có thể đóng vụ án để đưa ra khởi tố sớm?
Tùy theo nội dung vụ án, tùy chứng cớ, tội tới đâu, mức độ tới đâu, điều tra tới đâu xử tới đây, còn có thể xem xét tiếp. Đây là vụ án trọng điểm cần làm thấu đáo, có đúng 3.300 tỷ đồng không, cá nhân các đối tượng có sai phạm như thế nào, trước mắt là cố ý làm trái rồi, nhưng có tham ô, tư lợi không phải làm rõ.
Đối với những người vừa bị khởi tố có phong tỏa tài sản?
Theo quy định, phải kiểm tra, phong tỏa, có thể tài sản của họ có thể có liên đới. Tài sản ở nước ngoài phải xác minh.
Vừa qua một số báo phản ánh về biệt thự có liên quan tới Trịnh Xuân Thanh tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), ông có thể cho biết thêm?
Cơ quan điều tra đang làm, phân tích rõ, bởi tài sản chung riêng hoặc bán đi rồi không thể kê biên được, chỉ kê biên tài sản của họ hoặc liên đới vụ án, chứ không thể kê biên lung tung được. Phải sòng phẳng như thế.
Liên quan việc ông Vũ Đình Duy - ủy viên HĐTV tập đoàn Hóa chất Việt Nam xin nghỉ ra nước ngoài chữa bệnh, Thứ trưởng Vương cho biết, ông chưa biết trường hợp cán bộ Bộ Công thương là thế nào. "Nhưng về nguyên tắc, cán bộ có bệnh thì phải đi chữa. Tôi chưa biết chính xác, Bộ Công an chưa nhận được thông báo gì hết", ông Vương nói. Theo ông, trước thời điểm có thể đề xuất một số biện pháp, nhưng việc chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm được. |
Hồng Nhì