- Trao đổi với VietNamNet sáng 1/2, phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thanh Huyền giải thích việc trẻ dưới 5 tuổi không học trường quốc tế là hợp với thực tiễn.

Dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế

Chương trình mẫu giáo tại Trường quốc tế ACG dành cho học sinh 3 và 4
tuổi. (Ảnh: ACG)

Bộ GD-ĐT vừa triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định (NĐ) 73 của Chính phủ “Quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục” có hiệu lực từ tháng 11/2012. Tuy nhiên quy định: "Đối với những cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài không được tiếp nhận HS Việt Nam không đủ 5 tuổi" vào thực tế đang có ý kiến trái chiều.

Bà Nguyễn Thanh Huyền giải thích: Tại biểu cam kết WTO đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, VN không cam kết gì nhiều. Trong 4 phương thức cung cấp dịch vụ giáo dục, VN chỉ cam kết đào tạo giáo dục bậc cao, chưa mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục phổ thông. VN chỉ mở cửa theo lộ trình, trên cơ sở xem xét đầy đủ mọi phương diện.

Việc mở trường quy định khoản 2, 3 Điều 21 của NĐ là dành cho con em người nước ngoài học ở các trường quốc tế. VN kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại VN nên cũng cần mở trường cho con em họ học tập, trong điều kiện các cháu không học tập được tại các trường phổ thông của VN vì trở ngại ngôn ngữ.

Thực tế có một bộ phận nhỏ người VN có nhu cầu cho con học các trường quốc tế nên Nghị định 06 cũng đã cho phép học sinh VN được học ở bậc THPT tại các trường này song không quy định tỉ lệ.

Nghị định 73, về mặt pháp lý đã mở hơn khi cho phép học sinh học ở bậc thấp hơn là tiểu học và THCS vào học tại các trường dành cho người nước ngoài. Về bản chất, đây là trường dành cho người nước ngoài, nên chỉ cho phép một bộ phận học sinh người VN.

Một số trường quốc tế với 20 thậm chí 40 học sinh thuộc các quốc tịch khác nhau làm rất tốt việc điều hòa học sinh đến từ các quốc gia khác nhau.

Hơn nữa, phụ huynh và xã hội cũng cần hiểu rõ Nghị định 73 quy định việc hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, không đề cập tới trường dân lập, tư thục mang tên quốc tế vì là vốn trong nước.

- Bà có nhận định thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng, việc hạn chế học sinh VN vào các trường quốc tế sẽ khiến nhiều phụ huynh gửi con ra nước ngoài học. Như vậy sẽ khiến ta mất đi một nguồn ngoại tệ lớn, thưa bà?

Tôi hiểu và thông cảm với nguyện vọng của phụ huynh. Tuy nhiên thực tế chuyện du học phần lớn là sau phổ thông, đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Hiện con số này khoảng 100.000 người.

Tuy nhiên số học sinh phổ thông đi nước ngoài không nhiều. Khảo sát chỉ có ở Singapore là nhiều nhất với hàng ngàn em.

Muốn đi du học, thủ tục bảo lãnh, tiếp nhận trẻ dưới 18 tuổi tại mỗi nước vô cùng ngặt nghèo. Không nhiều gia đình muốn cho các cháu ra nước ngoài học ở lứa tuổi này.

Nếu đặt lên bàn cân chuyện tiết kiệm ngân sách, ngoại tệ với trách nhiệm bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của con người Việt Nam thì cái nào cần hơn? Ngay tại Nghị định 73  ngoài quy định tỉ lệ học sinh VN vào các trường quốc tế chúng tôi cũng quy định các trường phải dạy các môn gì, kèm theo về tiếng Việt, văn học, lịch sử VN.

- Số khác cũng cho rằng việc trẻ dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế có phải đánh mất tự do phụ huynh muốn cho con học tại đây. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?  

Xin nhắc lại ở đây chúng ta chỉ quy định quản lí các trường 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Số lượng trường như vậy ở VN hiện khoảng 30.

Quy định trẻ dưới 5 tuổi không học trường quốc tế không ngoài mục đích nhằm cho trẻ vững vàng tiếng Việt. Thực tế các cháu 2- 3 tuổi còn ngọng. Ban soạn thảo cũng đã bàn kỹ, nếu cho trẻ dưới 5 tuổi đến trường Tây khi chưa thạo tiếng Việt sẽ dẫn đến hậu quả là các em có thể nói tiếng nước ngoài thay vì tiếng mẹ đẻ.

- Nhưng có chuyên gia lại cho rằng ở tuổi tập đọc, tập viết là thời gian trẻ tiếp thu ngoại ngữ tốt nhất. Quy định này có làm hạn chế khả năng học ngoại ngữ của trẻ không thưa bà?

Nếu có nhu cầu phụ huynh có thể cho các cháu ra học ở các trung tâm. Chúng ta không vì nhu cầu của một số ít mà phải giải quyết vấn đề mang tính hệ thống.

- Xin cảm ơn bà!

  • Văn Chung (thực hiện)