Sở hữu vùng nguyên liệu trồng điều liên kết lên tới gần 800ha theo hướng bền vững ở Bình Phước và các vùng lân cận, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Green Journey mới đây đã khởi động Dự án Hạt điều xanh (Green Cashew).
Với định hướng góp phần phần phát triển xanh và bền vững cho ngành điều, Dự án Hạt điều xanh đặt ra mục tiêu tập trung hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, gắn liền với giảm phát thải carbon; đồng thời phối hợp với các bên tiến hành đánh giá, đo lường tín chỉ carbon từ cây điều.
Ngoài ra, việc hình thành nhà máy hạt điều xanh tại Bình Phước không chỉ là nơi phát triển ngành điều lên tầm cao mới mà còn đóng góp vào sự phát triển chung trong xu hướng chuyển đổi xanh nền nông nghiệp Việt Nam.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí carbon (CO2) hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Đây là mặt hàng mới ở nước ta, song thị trường tín chỉ carbon trên thế giới lại rất sôi động, tốc độ tăng trưởng nhanh.
Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ở nước ta cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất hiện nay khi có thể tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Trong đó, hàng loạt cây trồng có thể tạo ra khối lượng tín chỉ lớn như lúa gạo, cà phê, điều...
Theo tính toán, cây điều tạo ra giá trị tín chỉ carbon rất cao. Bình quân mỗi cây điều có thể hấp thụ 400kg carbon trong cả vòng đời. Nếu được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế thì cứ 2,5 cây điều sẽ tạo ra một tín chỉ carbon.
Bình quân 1ha điều trồng được khoảng 200 cây, tương ứng với việc tạo ra 80 tín chỉ carbon. Tạm tính với đơn giá 5 USD/tấn ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon trong năm 2023, giá trị thương mại về tín chỉ carbon của ngành điều là rất lớn, lên tới hàng chục triệu tín chỉ carbon.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, phát triển vùng trồng cây điều để tạo tín chỉ carbon và tái cơ cấu ngành điều theo hướng xanh đang là mục tiêu của tỉnh.
Hiện, diện tích trồng điều của nước ta là 320.000ha, mà Bình Phước là “thủ phủ” trồng điều lớn nhất, chiếm 50% diện tích cây trồng này. Từ năm 2022, tỉnh đã triển khai chương trình trồng điều tạo chứng chỉ carbon với mục tiêu phát triển vùng trồng điều bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Nếu thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân trồng điều. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến hạt điều xuất khẩu”, ông Phương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc phát triển Dự án giảm phát thải trong nông nghiệp (AgriCarbon), tiềm năng khổng lồ từ tín chỉ carbon sẽ giúp nông dân trồng điều có thêm nguồn lợi lớn.
Cùng với đó, các biện pháp giảm phát thải carbon trong quy trình chế biến hạt điều không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ông nhấn mạnh.
Việt Nam giữ vị thế số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân trong suốt 2 thập kỷ qua. Năm ngoái, xuất khẩu điều cán đích với 644 nghìn tấn, thu về 3,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022. Mục tiêu năm nay ngành điều sẽ thu về khoảng 3,8 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản ưu tiên cho các sản phẩm xanh, bền vững, thậm chí châu Âu còn áp dụng các tiêu chí xanh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Do đó, khi ngành điều Việt Nam chuyển sang con đường sản xuất xanh và phát triển bền vững sẽ góp phần giảm phát thải, đồng thời là lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.