Mới đây, 8 nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) đã liên kết với các doanh nghiệp thực hiện canh tác 71ha giống lúa Nhật theo quy trình kỹ thuật ướt khô xen kẽ.

Theo đó, toàn bộ quy trình trồng lúa được doanh nghiệp hỗ trợ theo dõi, quản lý. Nông dân khi tham gia thực hiện theo đúng khuyến cáo về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là quy trình rút nước trên đồng ruộng.

Ông Chung Tấn Em, một nông dân tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải này, cho biết, thời điểm đầu vụ do mưa nhiều, ông khá lo ngại lúa bị thất thoát. Đến cuối vụ, kết quả thu hoạch khả quan, năng suất đạt trung bình khoảng 7,6 tấn/ha, cao hơn mức bình quân vùng là 7,1 tấn/ha canh tác theo truyền thống.

trong lua giam phat thai
Nông dân ở Kiên Giang liên kết trồng lúa giảm phát thải carbon được thưởng lớn sau vụ thu hoạch đầu tiên. Ảnh: KK

Ngoài ra, 29ha lúa của ông Em đã giảm được lượng phát thải khoảng 116 tấn CO2. Thế nên, ngoài thu lợi nhuận cao từ cây lúa, ông còn nhận được khoản tiền thưởng 43 triệu đồng từ doanh nghiệp liên kết trồng lúa giảm phát thải.

Ở mô hình liên kết trồng lúa giảm phát thải này, ngay vụ đầu tiên, năng suất lúa trung bình đạt 7,6 tấn/ha, cao hơn 7,04% so với mức bình quân vùng là 7,1 tấn/ha ngoài mô hình. Chi phí đầu tư theo mô hình khoảng 28,5 triệu đồng/ha, thấp hơn gần 10,4% so với chi phí trung bình trong vùng là 31,8 triệu đồng/ha. 

Với kết quả này, bà con nông dân có thêm động lực để tiếp tục trồng lúa giảm phát thải khi nhận được mức tiền thưởng từ 2,6-43 triệu đồng, tùy theo diện tích canh tác và mức độ giảm phát thải từ doanh nghiệp liên kết.

Trước đó, tại Cần Thơ, sau khi hoàn thành thu hoạch, 30 nông dân đã được thưởng tiền mặt khi trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính theo gói canh tác “1 phải, 5 giảm”. Tổng số tiền thưởng các hộ dân nhận được là trên 20 triệu đồng.

Giữa tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp liên kết đã mua gần 17 tấn giảm khí CO2 từ mô hình trồng lúa giảm phát thải của nông dân ở xã Bình Hoà (Krông Ana, Đắk Lắk). Mỗi 1 tấn giảm carbon từ trồng lúa này được mua với giá 20USD.

Ở nước ta, lúa chất lượng cao và giảm phát thải đang được triển khai thí điểm tại vùng ĐBSCL. Những vụ lúa thí điểm đầu tiên tại nhiều mô hình đã cho thu hoạch, song chưa bán được tín chỉ carbon.

Việc triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) hỗ trợ Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đang được họp bàn.