Chẳng qua không đủ chiều cao…
Nhớ lại thuở bắt đầu đến với âm nhạc, điều gì thôi thúc Tấn phải trở thành ca sĩ?
Khán giả quen thuộc với một Trọng Tấn chuyên nhạc đỏ, nhưng anh thực sự đa năng hơn thế |
Ban đầu tôi không thực sự nghĩ mình sẽ là nghệ sĩ. Khi còn học cấp 3 chỉ nghĩ thôi thì theo một nghề gì đó ổn định, dễ xin việc. Nhiều lúc vắt tay lên trán nghĩ ngợi sau 3 năm nữa, mình làm gì kiếm sống. Lúc đó cũng đàn hát khá nổi ở trường, tham gia các hoạt động của tỉnh, nhưng âm nhạc vẫn nằm ngoài định hướng. Ưu tiên số một vẫn là sĩ quan lục quân. Nhưng rất tiếc sơ tuyển bị loại vì vóc dáng khiêm tốn. Thích vẽ và biết vẽ trước khi biết nhạc nên định theo kiến trúc. Nhưng suy đi tính lại cũng không đủ điều kiện vì giấy, bút, học phí cho 5 năm học chắc chắn gia đình không kham nổi. Một trường dự bị dù không thích nữa là tài chính kế toán.
Bước ngoặt là lần một anh bạn học Nhạc viện Hà Nội về Thanh Hóa chơi với bạn của Tấn. Người bạn gọi Tấn sang đàn hát thì anh kia bảo: “Ôi giời hát thế này sao không thi Nhạc viện!”. Lúc đó Tấn mới biết có một trường như thế và điểm sáng nhất khiến mình chú ý ngay là học Trung cấp Nhạc viện không phải mất tiền. Đó là động lực lớn nhất khiến Tấn, thôi, tặc lưỡi theo âm nhạc.
Trước khi vào Nhạc viện, Tấn hay hát nhạc gì?
Đủ loại nhưng nhiều nhất là nhạc vàng, bolero. Nhà cũng không có điều kiện để nghe mà toàn nghe bị động qua hàng xóm, những Chế Linh, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan rồi gần hơn là Ngọc Sơn... Với một thanh niên mới lớn chả có định kiến hay định hướng gì, có gì nghe nấy. Đôi lúc cũng nghe đài, đặc biệt thời đó thích Thanh Lam, rồi Mỹ Linh, Tấn Minh. Cho đến lúc vào trường mới biết được học gì. Chèo, chầu văn, xẩm… về sau khi làm âm nhạc rồi mới nghe và cảm được. Ngày xưa chỉ thích và hát cải lương thôi. Cũng là do các nhà hàng xóm hay mở cải lương.
Thời gian gầy đây, cái mà ngày xưa gọi là nhạc vàng trở lại mạnh mẽ. Tại sao Tấn lại không nhân dịp này trở về sở trường khi xưa?
Đương nhiên dòng nhạc nào cũng có cái hay riêng, đời sống, lịch sử, khán giả riêng. Cái hay nhất Tấn thấy nó bắt nguồn từ những làn điệu của ông cha mình. Với Tấn bolero giờ là kỷ niệm, vẫn nghêu ngao với bạn bè. Mình đã yêu, đã để nó trong tim. Giống như mình đã đi một con đường khác, không thể quay trở lại, mà để dạo chơi với nó thì hay hơn. Chỉ có tập trung vào một con đường thì mới có thể làm tốt.
Kinh doanh cho vui
Có thể nói các mục tiêu lớn trong đời người Tấn đều đã viên mãn. Có đến mức… hoang mang không biết làm gì tiếp theo, vì đã có tất cả?
Từ viên mãn giống như để dành cho một cái đích nào đó, nhưng Tấn có cái tính: đến chặng nào sẽ thưởng ngoạn chặng đấy. Kể cả từ thời sinh viên đi thuê nhà trọ 9-10m2 vẫn cảm thấy viên mãn.
Trăn trở nhất là lúc chuẩn bị bước vào đời khi còn ở Thanh Hóa với các loại câu hỏi. Khi bắt đầu đứng trên sân khấu, kiếm được tiền tự lo cuộc sống là cảm thấy thoải mái, vui vẻ rồi. Đến giờ cũng đã có được những gì cơ bản của đời người. Cuộc sống công việc tương đối thành công.
Có khi còn hơn đại gia ấy chứ?!
Cũng có thể, mình có nhiều thời gian hơn. Họ muốn dành nhiều thời gian hơn để thưởng ngoạn cuộc sống có khi cũng không được. Mình cũng chơi với rất nhiều doanh nhân và thấy bước đường thành công của họ không đơn giản như nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ dù sao cũng là đời đáng sống. Tấn hài lòng vì mình đã sống một cuộc đời nghệ sĩ. Nó dễ thở hơn. Tiệm cận trái tim nhiều hơn. Ít phải va đến những đối kháng xã hội, những cái phải chan chát, toan tính, dè chừng. Tại vì có lúc Tấn cũng có bước chân sang bên đó một chút nên cũng có nhận ra một vài điều.
Ban đầu để gây dựng một dự án kinh doanh cũng tất bật. Khi sắp xếp công việc chạy tốt rồi mình lại trở lại với “cái chân” nghệ thuật. Đời sống thật sự của gia đình mình vẫn là nghệ thuật. Tấn không bao giờ rời xa hay đi lệch hướng. Biết và có thể làm một chút kinh doanh để cho vui, con người mình cũng cảm thấy linh hoạt với xã hội hơn chút. Qua đó cũng biết trân trọng những gì mình có hơn.
Lại có người cho rằng Tấn chỉ cho mượn danh để làm ăn chứ thực ra chẳng phải làm gì?
Nếu Tấn không thật sự biết, thật sự làm thì sẽ không làm. Trước khi quyết định rủ mọi người làm nhà hàng, cũng đã có 3-4 lời mời đúng là chỉ cần đứng danh, Tấn sẽ được hưởng % rất lớn. Nhưng mình không có cái máu theo kiểu thấy thích quá lao ra luôn. Không quá cẩn trọng nhưng đều lật lại vấn đề, xem xét trước khi làm. Mình chỉ thấy nếu mình không đứng trong câu chuyện đó thì tham dự làm gì?! Nếu mình không làm, không thích thú, đam mê thì cái % đó có quan trọng đến mức mình phải bán cái danh của mình?!
Có vẻ như Trọng Tấn bằng lòng với việc từ giờ đến… hết đời chỉ trung thành với dòng nhạc đỏ, trong khi có thể thừa tiềm lực đầu tư những dự án với dàn nhạc giao hưởng, đẩy mạnh sang dòng bán cổ điển cũng không xa lạ với con đường Tấn đang đi?
Xu hướng âm nhạc giao thoa rất hay. Các nghệ sĩ ở Việt cũng đã bắt đầu làm. Các liveshow tôi vẫn làm theo hướng đó, chỉ chưa làm hẳn với dàn nhạc giao hưởng. Nhạc đỏ không phải chỉ có tráng ca, hào hùng trong đó vẫn nhiều bản trữ tình, ballad có thể làm thành bán cổ điển. Giờ đã có thời gian điều kiện hơn để nghĩ đến những chương trình như vậy. Màu bán cổ điển Tấn rất thích và hợp. Mình được đào tạo chính quy trong dòng đó, cũng từng hát và thích những aria nổi tiếng có tính đương đại.
Giờ có mạng xã hội, nhiều người được tiếp cận với các tác phẩm thanh nhạc lớn của thế giới, trước kia ít. Đường đi của nghệ sĩ thành công hay không cũng dựa vào số đông khán giả. Đó cũng là một yếu tố quyết định anh làm nghề thế nào, đi theo hướng nào. Nếu Tấn hát Tiếng đàn bầu mà không được công chúng đón nhận đông đảo như vậy thì có lẽ Tấn đã chọn một dòng nhạc nào khác rồi. Việc được công chúng đón nhận, yêu, vun đắp, hưởng ứng là động lực rất lớn cho mình làm nghệ thuật. Nó mang lại cho nghệ sĩ tất cả: đời sống, sự nghiệp, những thành công tiếp nối…
Mọi người cứ bảo sao Tấn cứ trung thành với một dòng nhạc, thì thực ra (cũng do) mọi người vẫn mời Tấn hát những ca khúc rất quen thuộc như Việt Nam quê hương tôi, Đường chúng ta đi, Gửi em chiếc nón bài thơ, Hát về cây lúa hôm nay... Thỉnh thoảng có phá cách hát pop, nhạc xưa… Nhưng hình ảnh của Tấn trong mọi người như đã được đóng đinh.
Vậy nên có làm chương trình giao thoa, kết hợp dàn nhạc giao hưởng thì chắc chắn vẫn phải có những ca khúc “chính thống”. Mình không thể biến hình thành mới toanh trên sân khấu lớn, vẫn phải có những món ăn quen thuộc nhưng được làm mới. Tấn cũng đang lựa chọn một vài nhạc sĩ ở Việt Nam để cùng làm một đĩa nhạc bán cổ điển. Hai năm vừa qua luấn quấn với việc xây nhà, giờ thì ổn rồi, sẽ lại tiếp tục. Năm sau sẽ có sản phẩm.
Người bạn đời
Ca sĩ Trọng Tấn và người bạn đời học cùng trường cấp 3 |
“Phía sau người đàn ông thành đạt, luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Tấn có thể miêu tả người phụ nữ của mình?
Đi với nhau từ thời học sinh, viết thư ngăn bàn cho đến hôm nay, chia sẻ với nhau đủ mọi mùi vị đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống theo đúng nghĩa bạn đời. Chúng mình dắt tay đi cùng hàng ngày, vợ mình là một phần cuộc sống. Nếu miêu tả chỉ được cái bề ngoài. Bất kỳ ai miêu tả về người bạn đời của mình, tôi nghĩ cũng sẽ khó chính xác. Hoặc sẽ chỉ là hoa mỹ, không thật. Người ta chỉ có thể sống, trải nghiệm, biết điều đó từ bên trong.
Chỉ biết rằng có được một người vợ như vậy cũng là may mắn của một nghệ sĩ. Có chặng bận, căng thẳng Hoa đều chia sẻ được, còn làm rất tốt. Tấn rất yên tâm về hậu phương của mình. Cô ấy có gu thẩm mỹ về mọi thứ, đâm ra khi đi hát, Tấn không phải lo mặc gì…
Đương nhiên không phải nhà nào cũng có thể hòa vào nhau. Có những nhà vẫn sống với nhau, nhưng có hướng đi riêng, tài chính riêng, quyền quyết định riêng… Và có thể họ vẫn cảm thấy hài lòng vì cả hai đều chấp nhận. Nhưng với Tấn sự hòa vào là quan trọng. Thực sự đến chặng này, chúng mình đã trở thành bạn đời đúng như các cụ vẫn nói. Để chia sẻ được nhiều nhất, vợ chồng phải là bạn.
Có khi nào Tấn nghĩ vẩn vơ giá kể mình có dịp để thử với một ai khác để càng thêm chắc chắn về lựa chọn duy nhất của đời mình?!
(Cười) Nếu xã hội cho lựa chọn, có khi không phải Tấn mà chắc tất cả các ông đều thử. Đấy không phải câu chuyện thực tế.
Nếu bây giờ có người hâm mộ đầu tư 1-2 tỷ cho Tấn ra đĩa bolero thì sao?!
Cũng còn tùy lời đề nghị đó theo hướng nào. Nếu chỉ xuất phát từ tình yêu thì OK, sẵn sàng.
Trọng Tấn vừa hoàn tất thêm một việc lớn trong đời là xây được ngôi nhà cho mình, còn nhà cho bố mẹ ở quê xong lâu rồi. Giờ là lúc anh bắt tay vào các dự án lớn cho riêng mình.
(Theo Tiền Phong)
Trọng Tấn: Thanh Lam rất hút đàn ông
Đứng chung sân khấu với ca sĩ Thanh Lam nhiều lần và cả ngoài đời, Trọng Tấn cũng vô cùng thân thiết với đàn chị nên rất hiểu nhau.