Xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đang phục hồi trong điều kiện “bình thường mới”, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp trong tháng 10 vừa qua đều lấy lại đà tăng trưởng sau khoảng thời gian tháng 8 và 9 năm 2021 chững lại vì dịch Covid-19.

Tính chung kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thuỷ sản trong 10 tháng năm 2021 tiếp đà tăng trưởng mạnh, đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Chỉ có nhóm hàng thuỷ sản có giá trị xuất khẩu nhẹ ở mức 0,8%, đạt 6,9 tỷ USD.

{keywords}
Xuất khẩu và các sản phẩm gỗ tăng mạnh (ảnh: HNM)

Báo cáo cũng chỉ rõ, dù thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động vì đại dịch, song nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng ở mức hai con số. Ví như, xuất khẩu cao su tăng 46,5%, xuất khẩu hồ tiêu tăng 44,2%, sản phẩm gỗ tăng 20,6%, nhóm sản phẩm thủ công tăng 42,6%, hạt điều, sắn và các sản phẩm sắn cũng tăng lần lượt là 13,5% và 21,2%...

Hai nhóm hàng xuất siêu nhiều nhất là lâm sản đạt 10,28 tỷ USD và thuỷ sản đạt 5,27 tỷ USD.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là 4 khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam trong 10 tháng qua, kim ngạch lần lượt là 10,8 tỷ USD, 7,5 tỷ USD, 2,6 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.

Ngoài những con số thống kê trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại vai trò của ngành này như một trụ đỡ khi nền kinh tế chao đảo. Ông cho rằng, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh.

Từ câu chuyện đại dịch vừa qua, có thể thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn, trên từng mảnh vườn, cái ao,... vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD, thậm chí có thể vượt kế hoạch.

Doanh nghiệp tăng tốc, tận dụng “mùa vàng”

Dù còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, nhưng Bộ trưởng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lần này, cùng với sự chủ động của các địa phương, đây là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin, tái khởi động lại.  

Thị trường quý 4/2021 mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, nhất là vào thời điểm Noel ở các quốc gia phương Tây và Tết cổ truyền Trung Quốc. Hơn nữa, tại châu Âu hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã chọn nhập khẩu nông sản Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu của Thái Lan, Nam Mỹ hay châu Phi như trước.

{keywords}
Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để kịp cho mùa thị trường cuối năm (ảnh: TL)

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhận định, tuy còn nhiều trở ngại về nguồn lao động, chi phí logistics, điều kiện đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn,... nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Theo ông Hùng, quý IV là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất năm, bởi nhu cầu tiêu dùng thủy sản rất cao tại một số thị trường như Mỹ, EU. Thế nên, hai tháng còn lại được cho là thời gian vàng để các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, cho biết, hiện việc vận chuyển đã được thuận lợi, các cảng xuất nhập khẩu cũng mở trở lại. Doanh nghiệp của ông đang đẩy mạnh sản xuất, bởi thị trường đang rất cần các mặt hàng thủy sản.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta xuất khẩu tôm sang 6 thị trường chính gồm: Mỹ; Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU và Anh. Doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh sản xuất, nâng công suất lên 100% để có sản phẩm trả đơn hàng cho các đối tác.

Ở mảng chế biến gỗ, sau thời gian chững lại vì giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng đang hối hả sản xuất, đáp ứng đơn hàng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, cuối năm thị trường mua sắm sôi động, cũng là “mùa vàng” của doanh nghiệp ngành gỗ. Công ty ông hiện đã đủ nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất, giờ chỉ cần đủ lao động là có thể đáp ứng được các đơn hàng trong năm nay.

Với tốc độ phục hồi mạnh mẽ, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định ngành gỗ và lâm sản có thể đạt mục tiêu kim ngạch 14,5 tỷ USD và sẽ cán đích 15 tỷ USD.

Tâm An

Vượt xa Trung Quốc, Mỹ trở thành bạn hàng lớn nhất Việt Nam

Vượt xa Trung Quốc, Mỹ trở thành bạn hàng lớn nhất Việt Nam

Vượt qua cả Trung Quốc và Campuchia, Mỹ trở thành bạn hàng lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt trong 10 tháng năm 2021.