Huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đang tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến thời điểm này, cả 21/21 xã, thị trấn của huyện đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn nâng cao.
Thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 24/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trực Ninh phấn đấu năm 2023, toàn huyện có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện hoàn thiện thực địa để sang năm 2024 đề nghị UBND tỉnh công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cùng với việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 102-KH/UBND ngày 31/8/2021 về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trực Ninh tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới làm một tiêu chí để đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp.
Chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể, thực chất kết quả thực hiện theo Bộ Tiêu chí ban hành tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình OCOP để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo thêm nguồn lực xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế.
Thúc đẩy tích tụ ruộng đất để xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp…
Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Chú trọng xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thông mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới thông minh…
Quỳnh Nga