Trong 2h, các chuyên gia của Bộ Y tế đã giải đáp nhiều thắc mắc nóng về vấn đề an toàn cho trẻ khi tiêm phòng sởi - rubella.

Sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc, vấn đề chất lượng vắc xin và an toàn tiêm chủng vẫn là mối quan tâm của nhiều người dân.

Sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Dịch sởi diễn ra đầu năm 2014 đã xảy ra với tỉ lệ mắc rất cao.

Còn với rubella, vụ dịch năm 2005, 2011 đã khiến hàng ngàn phụ nữ mang thai mắc bệnh phải phá thai, hàng trăm đến hàng ngàn trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh. Giám sát trọng điểm tại một số bệnh viện ở TP Hà Nội và TP HCM của vụ dịch 2010-2011 cho thấy hơn hơn 80% trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh bị đa dị tật.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phối hợp sởi - rubella với quy mô lớn cho khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc là cơ hội giúp Việt Nam khống chế bền vững bệnh sởi, tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi bệnh rubella và các biến chứng nguy hiểm của hội chứng rubella bẩm sinh.

Sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có trên 7 triệu trẻ em đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong đợt 1, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chiến dịch này sẽ còn kéo dài tới hết tháng 2/2015.

Để đạt được những kết quả trên, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là sự hợp tác của người dân. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng vắc xin, an toàn tiêm chủng vẫn là mối quan tâm của nhiều người với những câu hỏi như: Tính an toàn của vắc xin? Quy mô tiêm chủng lớn sẽ triển khai như thế nào để đảm bảo an toàn tiêm chủng? Trẻ đã tiêm đủ mũi vắc xin sởi – rubella có bắt buộc phải tiêm nhắc trong chiến dịch này?...

Với mục đích tạo cầu nối để giải đáp những nội dung mà bạn đọc quan tâm, báo VietNamNet tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến trả lời những câu hỏi của bạn đọc về tiêm phòng sởi - rubella vào 9h30-11h ngày thứ 4, 26/11 với sự tham dự của các khách mời:

1. ThS Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý vắc xin và Xét nghiệm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

2. TS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

ss

ThS Nguyễn Xuân Tùng và TS Nguyễn Văn Cường tại tòa soạn VietNamNet

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Thu Hà , Nữ - 28 Tuổi
Nếu không tiêm vắc xin sởi - rubella của chương trình TCMR thì tôi có thể tiêm dịch vụ không?

TS Nguyễn Văn Cường: Tốt nhất trẻ cần được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí trong chiến dịch hiện đang được triển khai vì đây là cơ hội giúp trẻ sớm được bảo vệ phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Ngoài ra nếu vì bất cứ lý do gì trẻ không được tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch thì gia đình có thể cho trẻ tiêm vắc xin dịch vụ (phải trả tiền) càng sớm càng tốt.

ss

Toàn cảnh buổi giao lưu

Thảo My , Nữ - 34 Tuổi
Xin các bác sĩ cho biết vắc xin tiêm sởi - rubella có nguồn gốc từ đâu? Có đảm bảo tính an toàn không, thưa các BS?

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella là vắc xin sống giảm độc lực có tác dụng phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Vắc xin sởi - rubella hiện đang sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định đáp ứng các yêu cầu bao gồm tính an toàn của vắc xin từ năm 2000. Cho tới nay đã có khoảng 40 quốc gia đã sử dụng vắc xin này với hơn 600 triệu liều đã được sử dụng. 

Hạnh Phúc Nhỏ , Nữ - 24 Tuổi
Nếu bảo quản vắc xin sởi - rubella không đúng yêu cầu thì vắc xin này sẽ biến đổi như thế nào? Nếu tiêm cho trẻ vắc xin đó, tác hại như thế nào?
TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella cần được bảo quản ở 2 - 8oC. Nếu bảo quản vắc xin sởi và rubella không đúng yêu cầu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của vắc xin. Nếu tiêm vắc xin kém chất lượng đó cho trẻ thì khả năng phòng bệnh sau khi được tiêm vắc xin sẽ giảm.

Trên mỗi lọ vắc xin sởi - rubella đều có gắn chỉ thị nhiệt độ giúp cho việc nhận biết vắc xin có bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hay không điều này giúp cho cán bộ y tế trong quá trình sử dụng đảm bảo chất lượng vắc xin trước khi tiêm chủng. 

Thanh Loan , Nữ - 24 Tuổi
Trẻ nào được chống chỉ định hoặc hoãn tiêm vắc xin sởi – rubella?

TS Nguyễn Văn Cường: Trẻ mắc bệnh AIDS, trẻ có phản ứng với bất cứ thành phần nào của vắc xin, trẻ có phản ứng mạnh với liều tiêm chủng trước đó,... thuộc diện chống chỉ định. Những trẻ thuộc diện hoãn tiêm vắc xin sởi - rubella là trẻ đã tiêm vắc xin sởi, rubella, sởi - rubella hay sởi - quai bị - rubela (MMR) trong vòng một tháng,...

Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc để đưa ra chỉ định tiêm chủng, hoãn tiêm hay chống chỉ định.

Vũ Tuấn , Nam - 31 Tuổi

Vắc xin này có hiệu quả như thế nào với trẻ? Trẻ không tiêm sẽ có nguy cơ gì?

{keywords}

TS Nguyễn Văn Cường đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet

TS Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể phòng bệnh. Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella giúp cho trẻ phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Nếu không tiêm chủng trẻ sẽ không được bảo vệ phòng bệnh và có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Tuấn Tú , Nam - 37 Tuổi
Vì sao có sự nhầm lẫn khi tiêm vắc xin ở Đồng Tháp (chỉ tiêm nước cất mà không pha bột vắc xin). Liệu việc này còn xảy ra nữa hay không?

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella bao gồm 2 thành phần là vắc xin đông khô dang bột được đóng trong lọ riêng và dung môi dạng dung dịch được đóng trong một lọ khác. Khi sử dụng cần phải pha toàn bộ số dung môi trong lọ với vắc xin đông khô dạng bột.

Trong số hàng vạn điểm tiêm chủng trên toàn quốc sự việc chỉ tiêm dung môi của vắc xin cho trẻ ở Đồng Tháp là sự việc rất đáng tiếc. Sự việc này đã được rút kinh nghiệm chấn chỉnh trong công tác thực hành tiêm chủng.

Cho tới nay sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch gần 9 triệu trẻ đã được tiêm vắc xin sởi - rubella Đồng Tháp là nơi duy nhất xảy ra việc đó.

Minh Ngọc , Nữ - 29 Tuổi
Bao nhiêu tuổi thì không được tiêm vắc xin này nữa? Phụ nữ muốn có thai cần tiêm ở thời điểm nào là tốt nhất? Xin cảm ơn BS! 

TS Nguyễn Văn Cường: Lịch tiêm vắc xin sởi - rubella là lúc 12 tháng tuổi. Nếu chưa tiêm vắc xin theo lịch thì cần tiêm càng sớm càng tốt sau đó. Không có giới hạn tuổi không được tiêm đối với vắc xin này. Để phòng bệnh rubella cho mẹ và phòng hội chúng rubella bẩm sinh cho con người phụ nữ cần được tiêm vắc xin rubella càng sớm càng tốt trước khi mang thai.

Nguyễn Thu Hằng , Nữ - 31 Tuổi
Tôi có cháu gái được 30 tháng, cháu đã tiêm 1 mũi tổng hợp Sởi- Quai Bị - Rubella khi cháu được 13 tháng, khi có dịch sởi đầu năm 2014 chau đã tiêm mũi sởi đơn thứ 2, Theo lịch BS hẹn là đến năm 2017 cháu tiêm mũi tổng hợp nhắc lại, vậy khi có chương trình tiêm Sởi- Rubella thì cháu cần tiêm không, nếu tiêm được thì đến 2017 cháu có cần tiêm nhắc lại mũi Sởi- Quai bị- Rubella nữa không ạ?

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Tất cả các trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin Sởi - Rubellla trong thời gian chiến dịch không kể tiền sử tiêm chủng vắc-xin sởi, vắc-xin Rubella, vắc xin sởi -quai bị - Rubella trước đó. Đối với các trẻ đã được tiêm các loại vắc xin trên trong vòng 1 tháng đến khi tổ chức chiến dịch sẽ hoãn tiêm và được tiêm bù vào các tháng kế tiếp. 

Con của chị 30 tháng tuổi nằm trong độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch, chị hãy đưa con chị đi tiêm chủng để phòng bệnh cho cháu. Về nguyên tắc trẻ được tiêm 2 mũi vác xin sởi - Rubella theo đúng lịch thì có thể bảo vệ bị mắc 2 bệnh này tuy nhiên không có vắc xin nào là hiệu quả 100%. Đối với trường hợp con chị cũng có thể tiêm vắc xin sởi - quai bị - Rubella năm 2017 để duy trì đáp ứng miễn dịch. Việc tiêm nhắc lại vắc xin này không gây tác dụng phụ nào đến sức khỏe của trẻ.

Minh Phương , Nữ - 32 Tuổi
Cần lưu ý gì khi chăm sóc vết tiêm cho trẻ?

TS Nguyễn Văn Cường: Không chườm, đắp lên vị trí tiêm các thuốc hoặc bất cứ thứ gì kể cả thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Nếu gia đình không yên tâm về tình hình sức khỏe của con mình cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để trẻ được thăm khám và xử trí khi cần thiết.

Minh Trang , Nữ - 31 Tuổi
Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella thời điểm nào (độ tuổi nào) là hiệu quả và an toàn nhất?

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella cần được tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng được khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin và phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cần được tiêm chủng vắc xin sởi - rubella càng sớm càng tốt để phòng bệnh cho trẻ. Cũng như các vắc xin khác vắc xin sởi - rubella là vắc xin an toàn. Trẻ sẽ được khám sàng lọc trước khi được tiêm chủng để có chỉ định thích hợp.

Vũ Hoài , Nữ - 36 Tuổi
Sau khi tiêm, những biểu hiện nào của trẻ là đáng lo ngại? Khi nào cần đưa trẻ đến trạm y tế để xử lý kịp thời?

TS Nguyễn Văn Cường: Sau khi tiêm chủng trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà 24 giờ sau đó. Sau tiêm chủng trẻ có thể có những phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ (dưới 38,5°C), các phản ứng khác như nổi hạch, đau khớp nhẹ hiếm gặp.

Đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao trên 39°C; Co giật; Tím tái, khó thở; Phát ban; Có các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Nguyễn Thị Kiều Oanh , Nữ - 40 Tuổi
Tôi có con gái sinh năm 2000, lúc nhỏ cháu đã được tiêm vắc xin phòng sởi. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu nên tôi không nhớ cháu đã được tiêm mùi sởi - rubella chưa. Nên tôi xin được hỏi các Bác sĩ, con gái tôi có nên tiêm mũi sởi - rubella tại thời điểm này không?

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Theo chiến dịch được triển khai cho trẻ từ 1 -14 tuổi, cháu nhà chị cần phải đi tiêm trong đợt này, chị hãy đưa cháu đến điểm tiêm chủng để được khám sáng lọc trước khi tiêm chủng.

Nguyên Khải , Nam - 45 Tuổi

Vắc xin sởi - rubella có tỉ lệ phản ứng thế nào, có ca nào phản ứng nặng ở VN chưa, nếu có xin nêu rõ là do đâu, có liên quan đến vắc xin hay không?

ss

Ths. Nguyễn Xuân Tùng đang giải đáp thắc mắc

TS Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella có thể gặp các phản ứng thông thường như sốt nhẹ, đau tại vị trí tiêm,... Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin sởi - rubella là rất thấp khoảng 1/triệu mũi tiêm.

Trong tổng số khoảng 9 triệu trẻ được tiêm chủng trong chiến dịch cũng có một vài trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác sau tiêm chủng. Một vài trường hợp có phản ứng dị ứng mạnh với vắc xin sau tiêm chủng các trường hợp này đều được xử trí kịp thời và qua khỏi.

Phan Hải Yến , Nữ - 29 Tuổi
Nếu trẻ đã được tiêm chủng hai liều vắc xin sởi, có cần phải tiêm phòng vắc xin sởi - rubella nữa không?

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella giúp cơ thể phòng chống bệnh sởi và bệnh rubella. Nếu trẻ đã được tiêm hai liều vắc xin sởi thì vẫn cần được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí trong chiến dịch.

Tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ được tiêm 02 mũi vắc xin sởi sẽ giúp trẻ phòng bệnh rubella và phòng bệnh sởi tốt hơn.

Nguyen thuy Quynh , Nữ - 40 Tuổi
Con tôi sinh năm 2004, đã tiêm một mũi sởi. Cho tôi hỏi nếu tiêm vắc-xin sởi - rubella có an toàn không?

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Vắc-xin sởi- rubella là vắc xin dạng đông khô, phối hợp 2 kháng nguyên sống, giảm độc lực sởi và rubella, vắc-xin do Ấn Độ sản xuất, được tổ chức y tế giới tiền thẩm định được sử dụng trên 600 triệu liều ở 39 quốc gia với nhiều chiến dịch cho kết quả an toàn và hiệu quả cao. Vắc-xin này đã được Bộ Y tế kiểm định và cấp giấy phép lưu hành tại VN đảm bảo tính an toàn theo quy định. Các lô vắc-xin nhập khẩu trước khi sử dụng đều được kiểm định chất lượng lại viện kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế. Sau khoảng 2 tháng triển khai chiến dịch với hơn 9 triệu liều được sử dụng đã cho thấy vắc-xin an toàn, chủ yếu là phản ứng nhẹ tự khỏi và có lo lắng do tâm lỹ sợ tiêm của những trẻ lớn. 

Mai Phương Lan , Nữ - 28 Tuổi
Cần tiêm bao nhiêu mũi thì sẽ không mắc 2 bệnh này? Khả năng bảo vệ của vắc xin này có cao không, thưa các BS?

TS Nguyễn Văn Cường: Theo lịch tiêm chủng thường xuyên thì cần tiêm chủng tối thiểu 02 mũi vắc xin sởi - rubella.

Theo tổ chức Y tế thế giới nếu tiêm 02 mũi đúng lịch thì có khả năng bảo vệ phòng bệnh cho trẻ khoảng 90% - 95%. Việc tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ trong chiến dịch sẽ giúp cho việc phòng bệnh cho trẻ đã được tiêm 02 mũi vắc xin trước đó tốt hơn.

Trần Tố Quyên , Nữ - 36 Tuổi
Tính an toàn của vắc xin này ra sao, thưa các BS? Tôi nghe nói vắc xin có nguồn gốc Ấn Độ, được tài trợ miễn phí, nên tôi thấy không an tâm

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella hiện đang sử dụng tại Việt Nam do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định đáp ứng các yêu cầu bao gồm tính an toàn của vắc xin.

Vắc xin được WHO khuyến cáo các nước sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch. Vắc xin sởi - rubella sử dụng trong chiến dịch 2014 - 2015 tại Việt Nam được Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ thông qua việc cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch khoảng 9 triệu trẻ em đã được tiêm chủng vắc xin này.

Thanh Minh , Nam - 40 Tuổi
Xin hỏi chuyên gia, cho đến nay đã có bao nhiêu trẻ được tiêm phòng sởi -runella theo chương trình này? Có trường hợp nào xảy ra biến chứng nguy hiểm không? Làm cách nào để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin? Cảm ơn nhiều

TS Nguyễn Văn Cường: Sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong toàn quốc, đến nay đã có hơn 9 triệu trẻ được tiêm vắc xin này. Một vài trường hợp có phản ứng dị ứng mạnh với vắc xin sau tiêm chủng các trường hợp này đều được xử trí kịp thời và qua khỏi.

Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc để có chỉ định phù hợp. Gia đình trẻ cần thông báo cho cán bộ y tế biết về tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng của trẻ.

Mai Thanh , Nữ - 29 Tuổi
Con tôi 2 tuổi, đã có giấy mời tiêm chủng sởi – rubella của địa phương nhưng cháu không có mặt tại địa phương vì đang ở Hà Nội với bố mẹ. Vậy làm thế nào để được tiêm cho cháu ở Hà Nội? Tôi không thể thu xếp cho con về quê tiêm vắc xin đúng ngày trong giấy mời được. Xin các chuyên gia chỉ giúp.

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho tất cả các trẻ từ 1 -14 tuổi trên toàn quốc không phân biệt vùng miền, địa phương., có hộ khẩu thường trú hay tạm trú... Bộ y tế cung cấp đầy đủ vắc-xin cho tất cả các điểm tiêm chung đẩm bảo không để thiếu vắc-xin. Con của bạn có thể đến trạm y tế xã - phường mà bạn đang sống để đăng ký và tiêm vắc -xin sởi -rubella trong đợt này. 

Phan Mỹ Phương , Nữ - 35 Tuổi
So với các vắc xin khác, vắc xin này có “lành” không? Có vắc xin sởi - rubella dịch vụ không, thưa các BS? Nếu có thì chất lượng có khác gì vắc xin tiêm chủng mở rộng không?

TS Nguyễn Văn Cường: Vắc xin sởi - rubella được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi đạt tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới (WHO) bao gồm tiêu chuẩn về an toàn đây là vắc xin sởi - rubella duy nhất hiện nay được WHO khuyến cáo các nước sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch. Trong tiêm chủng dịch vụ (phải trả tiền) hiện chưa có vắc xin sởi - rubella.

Trần Hạnh Nguyên , Nữ - 39 Tuổi
Tôi có con gái 9 tuổi, được thông báo là sẽ tiêm vắc xin Sởi-Rubella tại trường nhưng tôi không rõ ở trường học có đủ điều kiện để thực hiện tiêm chủng theo quy định của BYT không? Các cháu cần chuẩn bị những gì? Tôi rất lo lắng, xin các BS giải đáp.

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella được triển khai cho trẻ từ 1 -14 tuổi trên phạm vi cả nước trong đó bao gồm 2 nhóm đối tượng chính là nhóm trẻ tại trường học (như nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, THCS) với hơn 10.000 điểm và tại cộng đồng.

Chính vì vậy Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn theo đúng các quy định cụ thể: điều kiện về cơ sở vật chất, có khu vực chờ, khám sàng lọc tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm, bố trí theo nguyên tắc 1 chiều; khu vực chờ phải tách biệt để trẻ không nhìn thấy bạn khác tiêm tránh tâm lý lo sợ và hội chứng tâm lý lan truyền. Đảm bảo đủ các điều kiện về trang thiết bị, vật tư tiêm chủng, đặc biệt là hộp thuốc chống sốc.

Tại mỗi điểm tiêm chủng tại trường học đã bố trí cán bộ y tế được tập huấn về tiêm chủng có kỹ thuật thuần thục tham gia tiêm chủng. Ngoài ra có sự huy động giáo viên, cán bộ y tế nhà trường, cộng tác viên... hỗ trợ cho buổi tiêm như hướng dẫn, sắp xếp, ghi chép danh sách. Như vậy việc sắp xếp điểm tiêm chủng trường học đã được ngành y tế và các nhà trường phối hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng theo đúng các quy định và quy trình an toàn. Các bậc phụ huynh có thể yên tâm hưởng ứng, đưa con em đến các điểm tiêm chủng tại trường học.

Các bậc phụ huynh hãy cho trẻ ăn no trước khi đến trường hoặc trước khi tiêm 30 phút để trẻ khỏi bị đói và hạ đường huyết. các phụ huynh cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng trong vòng 24h để phát hiệm sớm những trường hợp phản ứng sau tiêm.

Bùi Đức Hạnh , Nam - 60 Tuổi
Cháu nhà tôi đã tiêm vắc xin ngừa Sởi - Rubella và quai bị cách đây 3 năm, sau khi tiêm 1 tháng cháu bị sởi. Ngày 21/11/2014 cháu bị sốt do viêm họng, vậy tiêm ngừa có được không?, cháu đã bị sởi rồi liệu còn bị nữa không? Cám ơn bác sỹ nhiều.

TS Nguyễn Văn Cường: Cháu mới được tiêm 1 mũi sởi - Rubella - quai bị cách đây 3 năm thì cháu cần được tiêm vắc xin sởi và rubella trong chiến dịch cho trẻ từ 1 – 14 tuổi nếu nằm trong độ tuổi. Cháu sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc trước khi tiêm chủng và sẽ có chỉ định thích hợp.

Nếu cháu chắc chắn đã bị mắc bệnh sởi thì cháu sẽ không bị bệnh sởi nữa, tuy nhiên việc tiêm vắc xin sởi và rubella sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của cháu mà sẽ giúp cháu phòng bệnh tốt hơn. 

Nguyễn Thị Vân Anh , Nữ - 31 Tuổi
Chào TS Nguyễn Văn Cường, em xin được đặt câu hỏi như sau: Bé thứ 2 nhà em được gần 7 tháng nhưng cháu mới chỉ tiêm được một mũi phòng Lao từ tháng thứ nhất. 3 mũi tổng hợp 5 trong 1 cháu chưa được tiêm vì đến ngày tiêm phòng là cháu bị ốm, sổ mũi. 7 tháng cháu có tiêm 5 trong 1 được hay không ạ.

TS Nguyễn Văn Cường: Cháu đã gần 7 tháng tuổi mà mới chỉ được tiêm vắc xin phòng lao thì cháu cần phải tiêm chủng 1 số loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng: vắc xin bại liệt, vắc xin viêm gan B, vắc xin phối hợp 5 trong 1 trước 12 tháng tuổi tại các cơ sở y tế.

Gia đình cần đưa cháu đến trạm y tế địa phương càng sớm càng tốt để cháu được tiêm chủng miễn phí các loại vắc xin trên. Trước khi tiêm chủng cháu sẽ được các cán bộ y tế thăm khám và chỉ định tiêm chủng thích hợp. 

Thanh Thảo , Nữ - 28 tuổi
Vừa qua đã xảy ra một số trường hợp trẻ bị ngất xỉu sau tiêm tại điểm tiêm chủng trường học Xin chuyên gia giải thích hiện tượng này và cho biết giải pháp để hạn chế?. 

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Trong quá trình triển khai chiến dịch đã ghi nhận 1 số ít các trường hợp nhức đầu, lo lắng do tâm lý sợ tiêm của các em học sinh, có một số ít có hội chứng rối loạn phân ly. Tôi khẳng định đây không phải là trường hợp sốc sau khi tiêm chủng vắc-xin sởi -rubella. Các triệu chứng này đều đã được khuyến cáo và thấp hơn theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới. 

Để tiếp tục triển khai tốt chiến dịch trong thời gian tới, ngành y tế đã và đang triển khai các hoạt động: phối hợp với nhà trường, tổ chức các điểm tiêm chủng hợp lý, trong đó bố trí phòng chờ trước tiêm, khám sàng lọc thực hiện tiêm chủng và theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định để hạn chế tối đa tâm lý lan truyền đối với các cháu, phối hợp với nhà trướng hướng dẫn các bậc phụ huynh, giáo viên đảm bảo cho trẻ ăn no trước khi đi học hoặc trước tiêm chủng 30 phút để tránh bị đói, hạ đường huyết. Ngoài ra khi tiêm chủng cần tạo môi trường thân thiện như tranh ảnh, phim để thu hút sự chú ý của trẻ để giảm tâm lý lo sợ, căng thẳng khi tiêm.

Đặc biệt tại các điểm tiêm chủng bố tri phòng chờ riêng biệt, cách biệt tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy trẻ tiêm trước đó dễ gây ra các biểu hiện tâm lý. Phối hợp với nhà trường cung cấp thông tin cần thiết, đầy đủ về chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella những lợi ích của việc tiêm vắc xin sơi - rubella và giải thích kịp thời cho phụ huynh các phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra sau khi tiêm. Các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng phòng bệnh sởi-rubella tại các điểm tiêm chủng để phòng bệnh chủ động. 

Hoàng Mai , Nữ - 30 Tuổi
Con tôi đã tiêm phòng mũi Sởi Quai bị rubbela loại MMR lúc 12 tháng tuổi. Bác sỹ hẹn lịch tiêm 2017 mới tiêm nhắc lại. Nếu gặp dịch sở thì tỷ lệ phòng ngừa sẽ được bao nhiêu phần trăm.

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Bệnh sởi - rubella là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, dễ lây lan từ người này sang người khác có thể gây dịch, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ lây bệnh. Một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất và chủ động nhất là sử dụng vắc-xin. Có thể sử dụng vắc xin sởi đơn hoặc phối hợp với rubella, quai bị hoặc với thủy đậu. Việc sử dụng vắc xin đơn hay phối hợp không ảnh hưởng đến miễn dịch của người được tiêm chủng. Trên thực tế không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%, số liệu nghiên cứu cho thấy vắc-xin sởi có hiệu quả 90% nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi, nếu tỉ lệ tiêm vắc xin sởi là 95% thì sẽ có 90% quần thể đích được bảo vệ, như vậy có khoảng 10% trẻ em ở đối tượng đích chưa được bảo vệ khỏi mắc bệnh sởi.

Trần Diệu Quý, Nữ - 39 tuổi
Con tôi hiện 25 tháng, mới tiêm 1 mũi sởi hồi tháng 5 vừa rồi. Từ đó đến nay cháu cứ hay ốm đến giờ vẫn chưa tiêm nhắc lại. Vậy cháu có thể tiêm đợt này không? Hộ khẩu cháu ở quê nhưng lại đang sống ở Hà Nội, làm thế nào để tiêm được ở Hà Nội?

TS Nguyễn Văn Cường: Cháu 25 tháng tuổi mà mới chỉ được tiêm 01 mũi vắc xin sởi 6 tháng trước thì cháu cần được tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 14 tuổi đang được triển khai trên toàn quốc. Nếu cháu đang sống ở Hà Nội thì gia đình cần liên hệ với trạm y tế xã, phường nơi đang ở để được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí theo diện “vãng lai”. Cán bộ y tế sẽ khám sàng lọc trước tiêm chủng và có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho cháu.

Trương Thanh Sơn, Nam - 34 tuổi
Tôi có thể cho con tiêm đồng thời nhiều loại vắc xin khác nhau cùng lúc không? Ví dụ con tôi mới tiêm 6 trong 1, thì có thể tiêm được sởi – rubella trong cùng 1 tháng không? Xin cảm ơn

TS Nguyễn Văn Cường: Nếu con bạn tiêm vắc xin 6 trong 1 (vắc xin phòng 6 bệnh bệnh: bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Bại liệt - Hib) trong tiêm chủng dịch vụ thì cháu có thể được tiêm vắc xin sởi - rubella mà không bị ảnh hưởng gì bởi việc tiêm vắc xin 6 trong 1 trước đó.

Việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ sẽ được các cán bộ y tế quyết định sau khi khám sàng lọc cụ thể tại điểm tiêm chủng. Gia đình cần thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử tiêm chủng của cháu.

Nguyễn Nga, Nữ - 27 tuổi
Có cách nào để biết trước là trẻ có dị ứng/phản ứng với vắc xin sắp được tiêm không, thưa các BS? Vì tôi thấy nhiều trường hợp có phản ứng sau tiêm thì được BYT giải thích là do cơ địa quá mẫn, tôi chưa rõ điều này. Xin các BS giải thích thêm.

TS Nguyễn Văn Cường: Nếu trẻ bị dị ứng đối với bất cứ thành phần nào của của vắc xin hoặc có phản ứng mạnh khi tiêm vắc xin liều trước đó thì sẽ có thể có phản ứng đối với vắc xin sắp được tiêm.

Việc xác định các đối tượng sắp được tiêm vắc xin có phản ứng với liều tiêm vắc xin là rất khó. Không phải tất cả mọi người đều có phản ứng với các thành phần của vắc xin như nhau. Gia đình cần thông báo cho cán bộ y tế khi khám sàng lọc trước tiêm chủng về tiền sử dị ứng cũng như tiền sử phản ứng của trẻ.

Đồng thời sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi tại có sở tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà trong vòng ngày đầu sau tiêm chủng để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường và được xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Phạm Anh Tuấn, Nam - 46 tuổi
Xin cho hỏi an toàn tiêm chủng bao gồm những yếu tố nào? Bộ Y tế đã chuẩn bị như thế nào cho công tác an toàn tiêm trong chiến dịch?

TS Nguyễn Văn Cường: An toàn tiêm chủng bao gồm: Đảm bảo vắc xin an toàn: Tất cả các vắc xin đều phải được đăng ký và kiểm định đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi được phép sử dụng tại Việt Nam. Quá trình tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin từ khi sản xuất tới khi tiêm chủng cho các đối tượng phải đảm bảo an toàn. Thực hành tiêm chủng an toàn: thưc hiện đúng các qui định thực hành tiêm chủng bao gồm: khám sàng lọc, chỉ định, tư vấn và tiêm chủng vắc xin.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi năm 2014 - 2015 đã được chuẩn bị tốt ở tất cả các tuyến bao gồm hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản, vận chuyển vắc xin, xử trí, cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Tất cả các cán bộ tham gia chiến dịch đều được tập huấn về qui trình đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Nguyễn Thị Huê , Nữ - 28 Tuổi
Thưa Bác sĩ, con tôi được gần 14 tháng tuổi, cháu đang ho thì có thể đi tiêm sởi- Rubella được không ạh? Cảm ơn BS!

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Hoãn tiêm trong các trường hợp sau: sốt trên 37.5 độ hoặc thân nhiệt dưới 35.5 độ, bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính tiến triển có biểu hiện bất thường về hô hấp, tim mạch; Chi giác bất thường như là li bì, kích thích,; đang hoặc mới kết thúc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch; họa tiêm cho trerddax tiêm vắc-xin sởi, sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước chiến dịch. Chống chỉ định, không tiêm trong các trường hợp sau; dị ứng với các thành phần của vắc-xin ví dụ như phản ứng quá mẫn với neomycin; suy giảm mất bù chức năng các cơ quan thận, ti, suy giảm hệ thống miễn dịch. Bạn hãy đưa cháu đến cơ sở tiêm chủng để được khám, sàng lọc trước khi tiêm. 

Nguyễn Thị Hiền , Nữ - 29 Tuổi
Em là nhân viên y tế trường học. Trường em cũng chuẩn bị cho đợt tiêm vacxin sởi - rubella vào đầu tháng 12 tới. Qua khai thác tiền sử tiêm chủng của các em học sinh em thấy rất nhiều phụ huynh nói là không nhớ đã tiêm vắc xin cho con chưa. Vậy cho em hỏi giả sử nếu các em học sinh đã tiêm hai loại vắc xin trên rồi nhưng không nhớ và vẫn đăng ký tiêm trong chiến dịch đợt tới này thì có ảnh hưởng đến sức khỏe của các em hay không? Em xin trân thành cảm ơn!

ThS Nguyễn Xuân Tùng: Trong chiến dịch này, tất cả trẻ em từ 1-14 tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi -rubella trong thời gian chiến dịch không kể tiền sử tiêm sởi, sởi -rubella, hoặc sởi - quai bị - rubella trước đó. Đối với các trẻ đã được tiêm các loại vắc-xin này trong vòng 1 tháng đến khi tổ chức chiến dịch sẽ hoãn tiêm và được tiêm bù vào các tháng kế tiếp.

Trong trường hợp đã kiểm tra kỹ mà có phụ huynh vẫn khẳng định là không nhớ rõ trong vòng 1 tháng trước khi tiêm thì phải lập danh sách tiêm bù vào tháng tiếp theo.

Thu Trang, Nữ - 32 tuổi
Tôi thấy các điểm tiêm chủng đã có nhiều cải tiến. Nhưng sao không cải tiến mạnh thêm, gửi thông tin đến từng thuê bao điện thoại để người dân được biết? Chiến dịch này tiêm cho nhiều trẻ, nếu làm được như vậy sẽ rất tốt. Hơn nữa, cần có thêm hướng dẫn cụ thể để người biết về: Thời điểm tiêm, điểm tiêm, cách triển khai. Tôi đọc báo mới biết chứ không thấy kênh nào của Bộ Y tế nêu cả. Xin cảm ơn BS.

TS Nguyễn Văn Cường: Cám ơn ý kiến đóng góp của độc giả liên quan tới việc tổ chức tiêm chủng hiện tại và tương lai. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella phòng bệnh sởi và bệnh rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi năm 2014 - 2015 ngoài việc truyền thông trên các phương tiên thông tin đại chúng, tất cả trẻ nằm trong diện tiêm chủng đều được cán bộ y tế điều tra lập danh sách và gửi giấy mời đi tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch.

Trên giấy mời đi tiêm chủng cho từng trẻ được gửi tới các gia đình ghi rõ cần đưa trẻ tới đâu và vào giờ nào để được tiêm chủng. Việc các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng ngày, đúng giờ ghi trên giấy mời sẽ giúp cho buổi tiêm chủng tốt hơn (không bị quá đông vào đầu buổi tiêm chủng).

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến hai khách mời. 

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet