Cục diện tình hình và hành động “tổng lực” bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã thực hiện trong năm 2016 cho thấy Biển Đông trong năm 2017 tiếp tục phức tạp, khó lường.

Quân sự hóa

Tại hội thảo về Biển Đông tháng 11/2016, giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình nghiên cứu luật và chính sách biển, Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đánh giá, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh của các tổ chức nghiên cứu về tình hình Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện xong việc cải tạo ở Trường Sa, thậm chí nó có thể xảy ra trước khi Toà trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của nước này.

Có thể nói, trong năm 2016, Trung Quốc đã hoàn thành, về cơ bản, kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo trên 7 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa mà nước này đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Số phận của bãi cạn Scarborough cũng đang rình rập bị thôn tính theo các tiếp cận xây đảo nhân tạo, vấn đề còn là thời điểm.

Đồng thời Trung Quốc mập mờ với các nước trong khu vực và công luận thế giới về mục đích quân sự hóa Biển Đông, trong khi nó đã nằm trong ý đồ của Bắc Kinh và từng bước được thực hiện theo kịch bản tính sẵn: (i) “Luật pháp hóa” Biển Đông cùng với tuyên bố “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” phi lý; (ii) “Hành chính hóa” Biển Đông qua việc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” (gồm Hoàng Sa, Đông Sa và Trường Sa); (iii) “Quân sự hóa” các vùng biển, đảo họ đã lấn chiếm của các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông; và (iv) “Dân sự hóa” tiến hành theo “danh nghĩa” đồng thời với các bước trên.

Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông với thái độ bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Cùng với việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nước này còn xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng quốc phòng trái phép trên đó. Trung Quốc đã từng nói rằng họ không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo và việc bố trí thiết bị quân sự trên các thực thể này chỉ giới hạn trong các yêu cầu phòng thủ cần thiết. Trong khi, Mỹ đã nhiều lần chỉ trích điều họ gọi là “Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn trên biển” và nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải.

{keywords}

Ảnh chụp đá Subi từ vệ tinh được AMTI ngày 17/11/2016. Ảnh: AMTI

 

Ngày 14/12/2016, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho biết, Trung Quốc dường như đã đặt các vũ khí (hệ thống phòng không và chống tên lửa, bao gồm radar) trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông, ít nhất cũng vào khoảng tháng 6 và 7/2016. Đây là hành động quân sự hóa: “Người Trung Quốc đã lập luận rằng chúng chỉ phục vụ mục đích phòng thủ, nhưng nếu bạn thiết lập súng phòng không tầm gần và các ụ của hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) lớn, điều đó có nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai”, ông Greg Poling, Giám đốc AMTI chỉ ra.

Những bước đi và hành vi nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông nói trên đã ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích biển của các quốc gia nhỏ trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đồng thời ngăn cản và đe dọa các quyền tự do hàng hải và hàng không đối với vùng biển này. Các hành động của Trung Quốc thời gian qua, và đặc biệt trong năm 2016 cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng “giành giật” lợi thế trên thực địa, bất chấp dư luận và phớt lờ luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh ASEAN chưa phát huy được vai trò trung tâm trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lại tiếp tục “phân rã” Cộng đồng ASEAN non trẻ (hình thành cuối 2015). Bắc Kinh tiến hành mọi cách để chia rẽ ASEAN thông qua lôi kéo một số quốc gia thành viên, như: Campuchia, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Vai trò “tuyến đầu” ở Biển Đông của Việt Nam và Philippines có sự thay đổi đột ngột trong năm 2016 khi Tổng thống mới Rodrigo Duterte của Philippines lên nắm quyền với tư tưởng “thân Trung, ngãng Mỹ”.

Quyết liệt “3 không” sau phán quyết PCA

Sau ba năm xem xét đơn kiện với 4.000 trang tài liệu chứng cứ và hai lần phân xử, ngày 12/7 (giờ VN), Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) ra phán quyết: "Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông".

Theo phán quyết, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS). “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn”, PCA phán quyết, bác bỏ “đường lưỡi bò” trong bản đồ năm 1947 của Bắc Kinh

Philippines kỳ vọng phán quyết của PCA thiên về phía nước này sẽ giúp tăng cường gây áp lực quốc tế đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải từ bỏ tham vọng bành trướng trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tái khẳng định sẽ phớt lờ phán quyết của PCA, ngay trước thềm PCA ra phán quyết vào ngày 12/7. Trong thông cáo ngày 12/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn khẳng định phán quyết của PCA bất luận thế nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành động một cách “quyết liệt” với nguyên tắc “3 không” của họ: không tham gia vụ kiện; không thừa nhận kết quả vụ kiện; và không thực hiện phán quyết. Trong khi Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài và sẵn sàng phản ứng trước điều đó. “Chúng tôi sẽ không cho phép một khu vực chung bị đơn phương phong tỏa, cho dù có bao nhiêu cơ sở được xây dựng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông đi chăng nữa. Washington sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục yêu sách chủ quyền ở Biển Đông”, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói như vậy tại Sydney, Australia hôm 14/12/2016.

Năm 2017, có thể Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các “chiêu” mới sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Cục diện tình hình và hành động “tổng lực” bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã thực hiện trong năm 2016 cho thấy Biển Đông trong năm 2017 tiếp tục phức tạp, khó lường và sẽ có những “kịch tính” mới.

Sỹ Tuấn - Thu Hà