Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, luật an ninh Hong Kong có 66 điều, chia làm 6 chương được công bố đêm 30/6, sau khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký và chính quyền địa phương thông qua.

{keywords}
Một sĩ quan cảnh sát chống bạo loạn làm nhiệm vụ trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Reuters

Cụ thể, luật hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Hình phạt cao nhất cho mỗi tội là tù chung thân, và mức án đề nghị cho một số loại tội nhẹ là dưới 3 năm tù.

Theo quy định mới, nghi phạm có thể bị dẫn độ sang đại lục trong các trường hợp liên quan đến "tình huống phức tạp" có sự can thiệp của các thế lực nước ngoài, hoặc chính quyền địa phương không thể thực thi hiệu quả luật pháp hoặc an ninh quốc gia bị "đe dọa thực sự và nghiêm trọng".

Một ủy ban an ninh của đại lục sẽ được thành lập ở Hong Kong để thực thi luật an ninh. Ủy ban này chuyên trách điều tra các vụ án về an ninh thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, quyền công tố thuộc về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ phân công thẩm phán xét xử những vụ án đó.

Tất cả các bộ phận của chính quyền địa phương được yêu cầu phải hợp tác với cơ quan mới ở đại lục, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Điều 60, các nhân viên an ninh này và phương tiện họ sử dụng để thực thi nhiệm vụ không phải chịu sự kiểm tra của cảnh sát Hong Kong.

Luật an ninh mới có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật Hong Kong hiện hành. Bắc Kinh khẳng định luật này là cần thiết, sau khi làn sóng biểu tình chống chính quyền và phản đối Bắc Kinh bùng nổ và kéo dài từ tháng 6/2019, khiến đặc khu rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều thập niên.

Trước khi được Chủ tịch Tập Cận Bình ký, luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 20. Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư khẳng định luật "phản ánh nguyện vọng của người dân trên toàn quốc, bao gồm cả Hong Kong". Trưởng đặc khu Carrie Lam mô tả luật "chỉ nhắm đến nhóm đối tượng nhỏ", và tài sản cùng quyền tự do của người dân Hong Kong vẫn được bảo vệ.

{keywords}
Người biểu tình tập trung tại một trung tâm thương mại ở Hong Kong hôm 30/6. Ảnh: AP

Ngay sau khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực, hàng chục nước, trong đó có Anh, đã bày tỏ quan ngại và chỉ trích Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Đại sứ Anh Julian Braithwaite nói: "Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc áp dụng luật an ninh Hong Kong, làm suy yếu nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ' và tác động rõ ràng đối với nhân quyền".

Đại diện cho 27 quốc gia, nhiều nước trong số đó là thành viên EU, cùng Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Thụy Sĩ, ông Braithwaite kêu gọi Chính phủ Trung Quốc và Hong Kong xem xét lại quyết định tối ngày 30/6, nhằm không để xói mòn thêm nữa các quyền và sự tự do của Hong Kong.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt và các bước đi khác nhằm vào Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ xem xét tất cả các biện pháp có sẵn, bao gồm hạn chế thị thực và trừng phạt kinh tế", bà Pelosi tuyên bố.

Thanh Hảo

Trừng phạt Trung Quốc, Mỹ huỷ vị thế đặc biệt của Hong Kong

Trừng phạt Trung Quốc, Mỹ huỷ vị thế đặc biệt của Hong Kong

Mỹ bắt đầu huỷ vị thế đặc biệt của Hong Kong từ ngày 29/6, dừng xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng, hạn chế tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao.

Hong Kong thông qua luật quốc ca

Hong Kong thông qua luật quốc ca

Hội đồng luật pháp Hong Kong vừa thông qua dự luật quốc ca với đa số ủng hộ, gồm 41 phiếu thuận và 1 phiếu chống.