Đã hơn một tuần nay, phía Trung Quốc đột ngột đóng chặt các cửa khẩu tại Lạng Sơn khiến hàng trăm xe vận chuyển lợn ùn ứ. Một số trong đó được xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), số còn lại quay đầu về các địa phương lân cận hoặc Hà Nội bán với giá rẻ.

Tuy nhiên, theo một số đầu nậu lớn thì ngày nào cũng có lợn chết và ngay lập tức có người đến thu mua tận nơi.

Lợn chết đi đâu?

Khi được hỏi về tình trạng lợn chết trong mỗi chuyến, M., một thương lái người xã Chu Điện (Lục Nam, Bắc Giang) không ngần ngại cho biết: “Ngày nào chẳng có lợn chết trên xe do nóng quá hoặc lợn đói quá hoặc là chúng giẫm đạp lên nhau mà chết. Nhưng chết vẫn có người đến mua ngay với giá khoảng vài ba trăm nghìn đồng/con. Còn họ mua về đâu và để làm gì thì chúng tôi cũng không biết được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, số lượng “lợn quay đầu” ngày càng nhiều, một số người thiết lập đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn chết, thối.

Các cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp giết, mổ, buôn bán, sơ chế lợn chết, thối. Điển hình như ngày 14/3, tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, Đội QLTT số 1 (thành phố Lạng Sơn) phối hợp Trạm Thú y thành phố phát hiện, xử lý một đối tượng người địa phương mua 5 con lợn (tổng trọng lượng 520 kg) chết từ đường biên, đưa vào lò mổ, chuẩn bị tuồn ra thị trường tiêu thụ; tổ công tác đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 6,5 triệu đồng.

{keywords}

Lợn xuất khẩu Trung Quốc được đưa vào xe thùng, nhiều ngày không được ăn có thể bị chết dọc đường. Ảnh: PV-TTXVN.

Mới đây, Đội QLTT số 3 (huyện Lộc Bình) ngăn chặn một chủ buôn thịt lợn người Bắc Giang vận chuyển 3 con lợn chết “hàng quay đầu”, tổng trọng lượng trên 200 kg, ý định mang về quê tiêu thụ.

Ngày 13/5, ông Lành Văn Nghệ- Đội trưởng đội QLTT số 3 (H.Lộc Bình) cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ của ông H, phát hiện một số sai phạm và đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở này. Theo ông Nghệ, tại địa bàn huyện Lộc Bình hiện có trên chục cơ sở giết mổ gia súc (chủ yếu là lợn thịt), tập trung ở thị trấn Lộc Bình.

“Đa số các lò giết mổ này nhập lợn ta để bán ở các phiên chợ đầu mối; gần đây có 1,2 cơ sở ham rẻ đã nhập lợn quay đầu bị lực lượng chức năng ở huyện kịp thời ngăn chặn, xử lý đã cam kết không tái phạm”, ông Nghệ nói.

Lạng Sơn sạch bóng xe lợn

Theo các thông tin từ các chủ thu mua lợn lớn tại Bắc Giang, đến chiều ngày 13/5, cơ bản số lợn ở các cửa khẩu tiểu ngạch đã được “giải quyết” xong. “Một số chủ lợn đưa sang Quảng Ninh tiêu thụ, một số khác bán cho các điểm giết mổ ở Lạng Sơn, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chúng tôi nhập từ miền Nam với giá 52-53 (nghìn đồng/kg – PV), tính cả chi phí cũng vào 56-57. Thế nên, anh nào may thì bán được giá 56, còn lại bán với giá khoảng 50-51 là cùng. Nhiều nhà hám lời, buôn hàng chục xe từ miền Nam ra, lỗ đến hàng tỷ đồng trong vụ này”, M., một thương lái chuyên thu mua lợn ở xã Chu Điện (Lục Nam, Bắc Giang) cho biết.

Chưa có con số thống kê chính thức từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về số lượng các xe lợn bị dồn ứ tại Lạng Sơn trong thời gian qua.

{keywords}

Lợn chết bị vứt xuống suối Củn, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là dòng suối đầu nguồn dẫn nước về TP Cao Bằng. Ảnh: PV-TTXVN.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Luyện, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) trước đây mỗi ngày có tới gần 20 xe với hàng trăm tấn lợn xuất bán sang các đường “xương cá”, nhưng mấy hôm nay hầu như không xuất khẩu được chút nào, có hôm may lắm xuất được 1,2 xe nhưng số lượng không đáng kể.

Ngoài cửa khẩu Chi Ma, tại Lạng Sơn còn một số điểm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc như Trùng Khánh, Na Hình (huyện Văn Lãng), Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bản Chắt (huyện Đình Lập), Co Sa (huyện Lộc Bình)... cũng đều trong tình trạng này.

Chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn cho biết, hiện nay trên các cửa khẩu ở toàn tuyến Lạng Sơn hầu như không còn các xe chở lợn nữa do phía Trung Quốc không nhập khẩu lợn Việt Nam. Mặt khác, nhiều xe chuyển sang các cửa khẩu tiểu ngạch ở Quảng Ninh để xuất khẩu.

“Cách đây vài hôm, tôi đi từ huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) về đến huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) gặp đến khoảng 50 xe chở lợn chạy từ Lạng Sơn về Quảng Ninh. Thực ra là không phải phía Trung Quốc không nhập mà chỉ là chuyển địa điểm nhập hàng mà thôi. Chặn ở cửa khẩu này thì họ lại chạy sang cửa khẩu khác là chuyện bình thường”, ông Nghĩa nói.

Còn ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, hiện nay giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với trước đây.

Sau khi Trung Quốc ngưng nhập lợn từ Việt Nam, giá lợn hơi trên địa bàn Đồng Nai từ 54 ngàn đồng/kg hiện nay đã giảm xuống còn 49,5 ngàn đồng/kg. Do thị trường Trung Quốc tiêu thụ lợn có trọng lượng từ 1,2-1,7 tạ/con, nhiều nông dân giữ đàn đạt mức trọng lượng trên mới xuất bán. Trong khi thị trường trong nước chủ yếu tiêu thụ lợn có trọng lượng từ 80-100 kg/con nên Đồng Nai đang tồn đọng gần 20 ngàn con lợn quá trọng lượng.

Trong khi đó, ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, có thể do thời gian thu mua lợn với giá cao của Trung Quốc vừa qua chưa nhiều nên không ảnh hưởng lắm đến giá loại thực phẩm này trên thị trường. Thậm chí, tại Bắc Giang, giá thịt lợn đang dần ổn định và tăng trở lại.

Đứt mạch lợn vì chủ Trung Quốc tranh giành nhau

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, trước đây lợn hơi được xuất nhiều qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Móng Cái. Lưu lượng hàng xuất qua biên nhiều và các “Lão pản” (đầu nậu lớn – pv) bên kia ăn nên, làm ra tạo lập những đường dây nhập lợn quy mô lớn. Tuy nhiên, cách đây chừng nửa tháng, xảy ra mâu thuẫn, tranh giành nhau giữa 2 ông chủ lớn ở Quảng Tây (Trung Quốc) dẫn đến án mạng, làm 2 người chết. Công an nước sở tại vào cuộc, do đó, việc nhập lợn bị ảnh hưởng nặng nề.

Một lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác nhận thông tin trên và cho biết, sự việc ngưng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc chắc sẽ sớm được giải quyết vì các ngành chức năng phía bạn đang gấp rút hoàn tất hồ sơ vụ việc. “Tôi dự đoán cuối tháng này, tình hình xuất khẩu lợn qua biên giới sẽ được cải thiện”, vị này nói.

Nhiều thương lái chạy về các cửa khẩu Quảng Ninh

Ông Lê Quang Tùng, phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: lường trước tình trạng náo loạn, ùn ứ xe chở lợn, mất vệ sinh tại các khu vực cửa khẩu do phía Trung Quốc dừng nhập khẩu lợn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo trực tiếp các huyện, thành phố và chi cục hải quan nhanh chóng sắp xếp bến bãi cho các xe chở lợn, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nhu cầu dùng nước vệ sinh và tắm cho lợn. Đặc biệt, các khu vực bãi đỗ phải xa khu vực dân cư.

Được biết, sau khi có thông tin phía Trung Quốc dừng nhập khẩu lợn tại Lạng Sơn, nhiều thương lái đã cho xe chạy về các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh tìm kiếm cơ hội xuất lợn theo đường tiểu ngạch. Nhưng công tác điều phối tại đây đang được tiến hành chặt chẽ, các xe chở lợn đang được tập trung tại các bến bãi, không có tình trạng ùn ứ, ách tắc gây mất vệ sinh. “Hiện thành phố đang tiến hành sắp xếp bến bãi cho các xe chở lợn, không cho xe chở lợn đi vào thành phố và dàn hàng trước cửa khẩu” – Ông Dương Văn Cơ, chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết.

“Chúng tôi đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương lái về bến bãi, ổn định tình hình xuất khẩu lợn. Trước mắt,UBND tỉnh sẽ hỗ trợ về mặt thông tin tình trạng nhập khẩu lợn từ phía Trung Quốc, còn đến lúc nào phía Trung Quốc nhập lợn trở lại chúng tôi chưa thể trả lời được”, ông Lê Quang Tùng cho biết.

(Theo Tiền phong)