Chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design) thuộc ngành CNKTĐT-VT tại Trường Đại học CMC đào tạo theo định hướng ứng dụng. Sinh viên được học các kiến thức công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, có khả năng thiết kế vi mạch bán dẫn; thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị điện tử…
Chia sẻ về ngành đào tạo mới này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết: “Chương trình đào tạo ngành CNKTĐT-VT được thiết kế theo chuẩn kiểm định của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET), chú trọng cung cấp kiến thức nền tảng kết hợp với rèn luyện kỹ năng chuyên môn mang tính ứng dụng cao cho sinh viên.”
Vi mạch bán dẫn - ngành học “đắt giá” trong kỷ nguyên số
Hiện nay, hơn 50 công ty vi mạch hoạt động tại Việt Nam, tiêu biểu là Intel, Marvel, Synopsys... Theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Con số kể trên chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao từ nay tới năm 2030. Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng một năm.
Trước sức nóng của Vi mạch bán dẫn, Trường Đại học CMC đã đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Trước đó, Tập đoàn CMC đã hợp tác với Synopsys - một hãng thiết kế điện tử lớn của Mỹ để thành lập Phòng thí nghiệm IC Design tại trường Đại học CMC. Sinh viên sẽ được thực hành tại các phòng thí nghiệm với trang thiết bị do Synopsys, Cadence cung cấp bản quyền.
“Nhà trường sẽ kết hợp với các đối tác nước ngoài với sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhà trường cũng đã cử giảng viên tham dự Khóa đào tạo về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học do NIC tổ chức", PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình cho biết thêm.
Cam kết 100% việc làm cho sinh viên
Với mạng lưới doanh nghiệp liên kết trong nước và quốc tế, cùng lợi thế trực thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, đại diện Trường Đại học CMC khẳng định, nhà trường cam kết việc làm cho 100% sinh viên ngành CNKTĐT-VT hệ song ngữ nhập học năm 2024.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cam kết việc làm tại Tập đoàn Samsung, Microsoft và các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC như: CMC Telecom, CMC Global, CMC Technology & Solution, CMC Cyber security…
Không chỉ đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp, với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) - nơi nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản phẩm cho Tập đoàn CMC, sinh viên ngành CNKTĐT-VT có cơ hội được trau dồi khả năng thực hành, nghiên cứu khoa học trong các dự án thực tế.
Trong năm 2024, Trường Đại học CMC dự kiến tuyển sinh 80 chỉ tiêu cho ngành CNKTĐT-VT theo 5 phương thức xét tuyển bao gồm:
Phương thức 1 (CMC200): Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT (học bạ) theo tổ hợp môn xét tuyển.
Phương thức 2 (CMC100): Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương thức 3 (CMC303): Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học CMC.
Phương thức 4 (CMC410): Xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT (học bạ) với chứng chỉ quốc tế.
Phương thức 5 (CMC409): Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế.
Ngọc Minh