Ngày 10/12/1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 97/CP của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 03 trường đại học ở khu vực Hà Nội, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, một trong những trường thành viên đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được kế thừa truyền thống và nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây. Những ngày này, các thế hệ thầy và trò Nhà trường đang náo nức hướng về Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

{keywords}
 Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngôi trường khoa học đầu tiên của cả nước

Thời điểm những năm đầu giải phóng Thủ đô (1954), trước yêu cầu phát triển khoa học cần có một nền giáo dục đại học phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/TC ngày 04/06/1956 thành lập 15 trường trung học chuyên nghiệp và 05 trường đại học là: Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Y - Dược, Đại học Nông - Lâm. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ đó.

Lễ khai giảng đầu tiên của Nhà trường vào ngày 15/10/1956 tại Đại giảng đường của khu Đại học Việt Nam (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội ngày nay) chỉ có 430 sinh viên ở 03 khoa chuyên ngành: Toán - Lý, Hóa - Vạn; Văn - Sử. Tuy nhiên, đó là những gương mặt ưu tú; nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cốt cán, những chuyên gia, tri thức lớn.

{keywords}
 

Những năm đầu thành lập và phát triển, không thể kể hết những khó khăn mà thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã trải qua: cơ sở vật chất khiêm tốn, trang thiết bị hạn chế, ngay cả các giáo trình dạy cho sinh viên cũng thiếu thốn; nhiều khi thầy phải mày mò vừa học, vừa dạy. Thế nhưng, cùng với tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội, được sự trợ giúp của các đoàn chuyên gia quốc tế, đặc biệt là của Liên Xô, thầy và trò Nhà trường đã hăng hái trên mặt trận học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật - một lĩnh vực còn rất mới đối với Việt Nam lúc bấy giờ.

Những năm 1964 - 1965, một số sinh viên khóa đầu tiên được gửi đi đào tạo tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Các sinh viên này đã lần lượt bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, trở về nước, bổ sung kịp thời vào đội ngũ cán bộ giảng dạy đang trưởng thành của Nhà trường.

{keywords}
 Từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có hơn một ngàn cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”

Dạy, học, nghiên cứu và chiến đấu

Thời điểm chiến tranh leo thang miền Bắc (năm 1965), dù cả Trường phải sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên), học tập và sinh hoạt trong những lán trại chênh vênh gió lùa tứ phía nhưng công tác học tập và nghiên cứu khoa học không hề ngơi nghỉ. Lúc này, Nhà trường thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Thầy trò Khoa Toán giải quyết vấn đề vượt sông phục vụ giao thông vận tải, tính toán dòng chảy phục vụ công tác thủy lợi…; Thầy trò Khoa Vật lý nghiên cứu về truyền sóng phục vụ thông tin liên lạc; Khoa Hóa học nghiên cứu cao su chịu dầu phục vụ quốc phòng và giao thông vận tải; Khoa Sinh học ứng dụng vi sinh vào sản xuất nước chấm, nghiên cứu rau rừng phục vụ quân đội; Khoa Địa lý - Địa chất điều tra tài nguyên thiên nhiên Việt Bắc, điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ phục vụ công tác phân vùng kinh tế, quy hoạch địa lý và phát triển kinh tế địa phương,...

{keywords}
 

Hà Nội yên, thầy và trò lại gồng gánh trở về. Hà Nội không yên, thầy và trò lại sơ tán lần 2. Tại nơi sơ tán, Nhà trường đảm bảo hoạt động theo nếp thời chiến với khẩu hiệu: “An toàn tối đa, chất lượng đảm bảo, thi cử nghiêm túc”.

Không chỉ có vậy, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc; nhiều người đã hy sinh. Có những sinh viên mãi mãi không trở về. Những cái tên như:  Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao,...  đã “mãi mãi tuổi hai mươi”, được Tổ quốc ghi công, sổ truyền thống của Nhà trường ghi danh và đến giờ vẫn khiến bao bạn bè, người thân thương nhớ.

“Đầu tàu” phát triển

{keywords}
 

Hòa bình lập lại, năm học 1975 - 1976, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khai giảng trong không khí cả nước hân hoan mừng chiến thắng, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nhà trường được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ: vừa thực hiện xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước, vừa thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc khôi phục và xây dựng các trường đại học ở miền Nam.

Nhận nhiệm vụ, Nhà trường đã đào tạo nhiều người con miền Nam trở thành những giảng viên, nhà khoa học. Trường cũng chi viện hơn 100 cán bộ giảng dạy cho miền Nam. Cùng với con người, hơn 23.000 cuốn sách giáo khoa, sách chuyên khảo tiếng Việt và tiếng Nga, hàng nghìn cuốn tạp chí khoa học và dụng cụ, thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cũng được gửi hỗ trợ các trường đại học phía Nam.

Giai đoạn này, trường cũng mở rộng hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo danh tiếng trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lomonosov, Novosibirk (Liên Xô), Humboldt (Đức), Lodz (Ba Lan), Amsterdam (Hà Lan), Paris Sud VII (Pháp),...

Thời bao cấp khó khăn, nhiều cán bộ giảng viên đứng trước vấn đề “cơm - áo - gạo - tiền” khi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Tuy vậy, cán bộ Nhà trường vẫn nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn mang tính lịch sử của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đến cuối năm 1993, Trường đã phát triển lớn mạnh với 15 khoa, 01 bộ môn trực thuộc, 03 khối trung học phổ thông chuyên, 07 phòng chức năng, 14 viện, trung tâm nghiên cứu và 11 đơn vị phục vụ.

Tiếp nối truyền thống, phát triển vươn tầm quốc tế

{keywords}
 Cô và trò trong phòng thí nghiệm Sinh học

Trường Đại học Khoa học tự nhiên ra đời là sự tiếp nối truyền thống Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng với cơ chế đổi mới giáo dục, lại nằm trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học trọng điểm được nhà nước ưu tiên đầu tư, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã không ngừng lớn mạnh.

Hệ cử nhân khoa học tài năng là một điểm nhấn trong hệ thống giáo dục của Nhà trường. Chính từ hệ cử nhân khoa học tài năng, nhiều sinh viên của Nhà trường đã được nhiều trường đại học châu Âu, Mỹ và các trường đại học hàng đầu châu Á biết đến, trao học bổng, mời học sau đại học và mời giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Có thể nói, tuyệt đại đa số các sinh viên hệ cử nhân tài năng đã trở thành những nhân tài cho đất nước; nhiều người trở thành những chuyên gia mang tầm thế giới trong lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ.

{keywords}
Các nghiên cứu sinh chụp ảnh kỷ niệm trong Lễ trao bằng Tiến sĩ năm 2020

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn chú trọng đổi mới các chương trình đào tạo, cải tiến và nâng cao chất tượng đào tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhiều ngành học mang tính ứng dụng cao ra đời như: Khoa học Dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và Tin học, Khoa học thông tin địa không gian, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Khoa học và Công nghệ thực phẩm,... Các ngành này có sức hút rất lớn, được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.

Về nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn luôn là một trung tâm nghiên cứu về khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, thể hiện rõ nét nhất qua số lượng trên 500 công trình được công bố hàng năm trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS.

{keywords}
 Số lượng bài báo ISI/Scopus của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên gia tăng mạnh trong những năm gần đây

Với những thành tích đạt được, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã 2 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Trường và các đơn vị trực thuộc 4 lần được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Trải qua 65 năm biến thiên của lịch sử, ở bất kỳ thời điểm nào, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay luôn khẳng định vị thế dẫn đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đình Sơn