Theo đề án tuyển sinh đã công bố, ngoài phương thức xét tuyển tài năng và xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng kết quả của bài thi kiểm tra tư duy để xét tuyển vào 59 ngành và chương trình đào tạo.
Chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi này chiếm 30-40% tổng chỉ tiêu của toàn trường.
Thí sinh tham khảo đề cương ôn tập bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội TẠI ĐÂY.
Một ví dụ minh họa trong đề cương ôn tập
Bài thi kiểm tra tư duy được thiết kế với mục tiêu đánh giá khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và một số năng lực cần có của thí sinh để theo học thành công các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế.
Bài thi kiểm tra tư duy có thời lượng 180 phút, chia làm 3 phần: Toán, Đọc hiểu và Phần tự chọn (gồm 3 lựa chọn). Trong đó, phần thi Toán có thời lượng 90 phút (trắc nghiệm và tự luận); phần thi Đọc hiểu có thời lượng 30 phút (trắc nghiệm); phần thi Tự chọn có thời lượng 60 phút (trắc nghiệm)
Nội dung Bài thi kiểm tra tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Phần thi Toán (Bắt buộc) có thời lượng 90 phút nhằm đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Toán học vào giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học, kỹ thuật ở bậc đại học của thí sinh. Phần thi Toán gồm 25 câu trắc nghiệm và 2 bài tự luận.
Phần thi Đọc hiểu (Bắt buộc) có thời lượng 30 phút đánh giá kỹ năng đọc nhanh, hiểu đúng, cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, chủ yếu liên quan tới những chủ đề về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phần thi này gồm 3 đến 4 bài đọc, mỗi bài khoảng 800 - 1000 từ, sau mỗi bài đọc sẽ có 7 - 10 câu hỏi để thí sinh trả lời.
Phần thi Vật lý (Tự chọn) có thời lượng 30 phút với 15 câu hỏi trắc nghiệm. Kiến thức của phần thi này thuộc chương trình THPT, tập trung nhiều vào lớp 11, 12, bao gồm: cơ học, điện và từ, quang học, vật lý hiện đại, các kiến thức cơ bản có liên quan và các hiểu biết cơ bản về các hiện tượng, quá trình vật lý trong thực tiễn, các hiểu biết về dụng cụ đo lường vật lý, cách phân tích số liệu xử lý thực nghiệm.
Phần thi Hóa học (Tự chọn) có thời lượng 30 phút với nội dung thuộc lớp 10, 11, 12 của chương trình THPT do Bộ GD-ĐT ban hành. Phần này yêu cầu thí sinh phải nắm rõ những khái niệm cơ bản của môn Hóa học, hiểu bản chất các quá trình hóa học và vận dụng để giải quyết các vấn đề liên quan.
Phần thi Sinh học (Tự chọn) có thời lượng 30 phút gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm nhằm đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Sinh học vào việc giải quyết những vấn đề trong thực tế, đồng thời đánh giá khả năng học Sinh học và các môn khoa học - kỹ thuật ở bậc đại học của thí sinh.
Phần thi Tiếng Anh (Tự chọn) có thời lượng 60 phút gồm 60 đến 70 câu hỏi trắc nghiệm với nội dung kiến thức thuộc chương trình Tiếng Anh ở bậc THPT do Bộ GD-ĐT quy định.
Kết quả của bài thi đánh gia tư duy là căn cứ cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả ngành đào tạo đại học chính quy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác theo các tổ hợp BK1 (xét điểm thi tư duy môn Toán - Lý - Hoá), BK2 (Toán - Hóa - Sinh), BK3 (Toán - Anh). Bài thi kiểm tra tư duy được tính theo thang điểm 30.
Từ 9h ngày 20/4, hệ thống đăng ký sơ tuyển tham gia bài thi kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng bắt đầu mở.
Thí sinh đăng ký TẠI ĐÂY.
Lệ phí đối với thí sinh qua vòng sơ tuyển và đủ điều kiện tham gia bài thi là 250.000 đồng. Thời gian mở đăng ký kéo dài đến hết ngày 16/5.
Thúy Nga
Bách khoa tổ chức bài kiểm tra tư duy tại Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng vào 15/7
Theo phương án tuyển sinh năm 2021 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự kiến kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức vào ngày 15/7. Kết quả của bài thi này sẽ là căn cứ để xét tuyển thí sinh vào trường.