Tháng 9/2021, tỉnh TT-Huế chính thức triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài của Việt Nam” nhằm hướng đến phục hưng và lan tỏa phong trào mặc áo dài truyền thống trong cộng đồng.
Hưởng ứng đề án, không ít cơ quan, đơn vị tại Huế đã vận động cán bộ, công chức, người lao động thực hiện mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu tuần. Phong trào cũng sớm lan tỏa vào các đơn vị trong các ngày lễ và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Những ngày cuối năm học 2021 – 2022, du khách và người dân địa phương thích thú khi chứng kiến tại nhiều trường học ở Huế, cô trò xúng xính trong vận (mặc) chiếc áo dài truyền thống để tham gia các hoạt động giảng dạy, học tập, lễ hội, giao lưu, giải trí và chụp hình lưu niệm tại trường.
Không chỉ có những cô giáo luôn thướt tha mềm mại trong tà áo dài truyền thống khi đến lớp giảng dạy, mà nhiều nam giáo viên, học sinh nhỏ tuổi cũng hứng thú với việc mặc áo dài đến trường.
“Ban đầu khi mới mặc, em thấy chút khó chịu vì tà áo hơi vướng víu, sợ bất tiện trong sinh hoạt. Thế nhưng, mặc được một thời gian thì thấy thoải mái, bộ áo dài tạo cảm giác thích thú”, em Nguyễn Trường Ninh – học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế) chia sẻ.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh TT-Huế cho biết, thật thú vị khi nhìn học sinh, giáo viên tại Huế mặc cổ phục.
Theo ông Hải, khi thực hiện đề án, một trong những nội dung quan trọng nhất là phải xây dựng được các hoạt động thường xuyên, để quảng bá hiệu quả hình ảnh “Huế - Kinh đô áo dài” đến với cộng đồng trong và ngoài nước; tạo ra một trung tâm trình diễn về vẻ đẹp áo dài, tạo điểm đến trải nghiệm và mua bán sản phẩm áo dài truyền thống cho du khách khi tham quan Huế.
“Hình ảnh cô trò tại các trường học ở Huế vận áo dài truyền thống nhìn rất đẹp, tự nhiên. Mong rằng phong trào sẽ sớm lan tỏa khắp mọi ngôi trường trên địa bàn toàn tỉnh để vừa xây dựng hình ảnh đẹp, tao nhã vừa góp phần phục hưng cổ phục truyền thống”, ông Hải chia sẻ.
Quang Thành