Theo chinhphu.vn, Công an TP.HCM vừa ra thông báo truy tìm 3 người đàn ông quốc tịch Nigieria, được cho là cầm đầu một băng nhóm chuyên lừa tiền phụ nữ Việt Nam.

Ba người nói trên gồm: Chikelu Tobechukwu Samson (sinh năm 1982), Nkwocha Peter Emeka (sinh năm 1970) và Nmoruka Samuel Obumneme (sinh năm 1976), được xác định đã nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam và trước đây từng lưu trú ở Quận 7.

Thủ đoạn của 3 tên này là nhắm vào những phụ nữ độc thân, hay đã ly hôn để làm quen qua mạng Internet, rồi ngỏ lời yêu đương và hứa hẹn chuyện kết hôn.

Một thời gian sau, chúng thông báo với nạn nhân là gửi tiền về Việt Nam để mua nhà, hay gửi quà cáp có giá trị lớn. Sau đó, có một thành viên trong băng nhóm của chúng liên lạc với nạn nhân, xưng là nhân viên ngân hàng hoặc của công ty giao nhận, yêu cầu các nạn nhân thanh toán cước phí hoặc viện lý do là món quà bị cơ quan chức năng tạm giữ khi nhập cảnh, phải cần có tiền lo lót nhằm giải tỏa.

Trước sự việc này, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và phát hiện, vào giữa năm 2014, nhóm người Nigeria đã nhờ đối tượng Trần Thuyên Lý (sinh năm 1988, trú tỉnh Tiền Giang) tìm người mở tài khoản ngân hàng để sử dụng vào mục đích lừa đảo. Chúng hứa cho Lý 10% số tiền lừa đảo có được.

Sau đó Lý nhờ Lê Dũng Tuyến (sinh năm 1987, trú tỉnh An Giang) mở 2 tài khoản ATM của 2 ngân hàng khác nhau, có đăng ký dịch vụ Internet banking và mua một sim điện thoại di động. Sau khi có thẻ ngân hàng, Tuyến gặp Lý để giao thẻ, cung cấp mật khẩu và sim điện thoại. Lý đưa cho Tuyến 2 triệu đồng, nợ lại 3 triệu đồng.

Đến tháng 7/2014, Tuyến được một số người quen cho biết cơ quan công an đang tìm mình nên nghĩ ngay là Lý đã dùng tài khoản mình đứng tên vào mục đích bất hợp pháp. Tuyến gặp Lý để hỏi cho ra lẽ thì Lý thừa nhận sự thật và đặt vấn đề sau này sẽ chia cho Tuyến 5% số tiền chiếm đoạt được. Tuy rất lo sợ, nhưng vì không vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền, Tuyến đồng ý.

Trần Thuyên Lý khai, khoảng đầu năm 2010, Lý quen biết với Samson và một số người quốc tịch Nigeria, và thông đồng với người đàn ông này để nhận tiền lừa đảo như đã nói ở trên.

Tiến hành xác minh từ ngân hàng, cơ quan điều tra phát hiện có 21 bị hại (đã xác định danh tính của 13 người) gửi tiền vào 2 tài khoản của Tuyến với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, người bị lừa cao nhất là 214 triệu đồng. 

Ngoài Lý, Tuyến, công an xác định còn có một người phụ nữ khác xưng là Nguyễn Thị Ngọc Lần khi liên lạc với các nạn nhân. Lần mạo nhận là nhân viên của ngân hàng hay công ty giao nhận để từng bước dụ dỗ, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. Tuy nhiên, đến nay công an vẫn chưa rõ lai lịch của người này.

Ngày 29/5/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định bắt khẩn cấp Tuyến và Lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra cũng đã xác định danh tính của các đối tượng người Nigeria, nhưng hiện chúng đã chuyển nơi tạm trú và không rõ đang ở đâu.  

Cuối tháng 8/2015, Viện KSNDTC đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, bị can cho Công an TPHCM để tiếp tục điều tra vụ án.