- Khi hố thiêng trong quần thể tháp Chăm tại làng Phong Lệ được phát lộ, những bí mật nơi khu đền tháp này mới dần được hé mở. Tuy nhiên, những phát hiện tại khu khai quật đã làm các nhà khảo cổ “đau đầu” khi giải mã những bí mật của hố thiêng này…
Hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đang đo vẽ tại hố thiêng tháp Chăm làng Phong Lệ. |
Các nhà khảo cổ tham gia khai quật tại khu tháp Chăm Phong Lệ tại tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng khẳng định: Với những gì phát lộ tại khu tháp Chăm Phong Lệ có thể nói đến thời điểm này, đây là khu tháp Chăm được phát hiện với những bất ngờ lớn trong kiến trúc cũng như những bí mật vẫn chưa thể giải mã được trong một sớm một chiều…
Về kiến trúc, hố thiêng vừa được phát lộ hoàn toàn khác so với các hố thiêng được phát lộ trước đây ở Mỹ Sơn hay các khu tháp Chăm ở Bình Định. Đó là khu hố thiêng có miệng hình vuông to hơn hình vuông ở đáy.
Điều bất ngờ hơn là ở đáy hố thiêng có 8 hốc thiêng gồm 4 hốc ở 4 góc đối xứng với nhau và 4 hốc thiêng ở giữa cạnh hình vuông của hố thiêng đối xứng với nhau.
Giảng viên khảo cổ Nguyễn Xuân Mạnh (khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), thành viên đoàn khai quật cho biết nơi hố thiêng vừa được phát lộ có nhiều bí mật vẫn chưa được giải mã. Theo ông Mạnh, hố thiêng hình vuông có cạnh phủ bì dài khoảng 6,5m, cạnh trong lòng dài 4,25m, độ sâu hơn 1,8m.
Hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đã có hơn 30 năm đo vẽ các di tích Chăm ở miền Trung và tham gia quá trình khai quật nói rằng đến thời điểm này, trong hàng chục hố thiêng mà ông đo vẽ thì đây là hố thiêng lớn nhất với những bí mật mà ngay bản thân ông cũng không thể nào hiểu được.
Khu vực cổng tháp Chăm Phong Lệ được phát lộ nằm phía trước hố thiêng |
So với các hố thiêng ở các tháp Chăm Mỹ Sơn, hay các tháp Chăm ở Bình Định mà chính ông đo vẽ trước đây, thì hố thiêng tháp Chăm Phong Lệ vừa được phát lộ có nhiều bí ẩn chưa được các nhà khảo cổ giải mã. Đó là những hốc thiêng được xây dựng theo ý đồ chứ không phải xây xong rồi người ta mới đục những hốc thiêng và xây theo ngẫu hứng. Nghĩa là thành hố thiêng không đi theo đường thẳng mà lượn sóng, có nhiều điểm mấp mô trên thành hố.
Điều gây ngạc nhiên cho ông Hỷ cũng như các nhà khảo cổ là nơi hố thiêng này được lấp đầy cát và đá cuội được xếp chồng từng lớp. Tuy nhiên qua quá trình khai quật nơi hố đào này các nhà khảo cổ nhận thấy lớp cát và đá cuội đã xáo trộn.
Ông Hỷ nhấn mạnh, hố thiêng là nơi thờ cúng của người Chăm xưa và tất nhiên ngay giữa hố thiêng phải có vật thiêng. Tuy nhiên qua khai quật sau khi bốc hốt toàn bộ khoảng 32 m3 cát sỏi ra khỏi hố thiêng, các nhà khảo cổ học vẫn không tìm thấy vật thiêng tại hố thiêng này.
Vậy vật thiêng (có thể là những bức tượng bằng đá, bằng vàng hay bằng đồng…) nơi hố thiêng này ở đâu, tại sao không tìm thấy? Đây là câu hỏi mà các nhà khảo cổ học chưa tìm ra câu trả lời.
Ông Hỷ cho biết: Hố thiêng là nơi đặt bệ thờ, thường thờ thần Shiva với vật tế là ngẫu tượng Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của Ấn Độ giáo. Tuy nhiên ở ngay bệ thờ được phát lộ giữa hố thiêng không còn vật thiêng. Nhận định ban đầu của đoàn khảo cổ cũng như cá nhân ông Hỷ cho rằng có thể vật thiêng nơi hố thiêng này đã được lấy đi trước đó.
Tuy nhiên, ai lấy vật thiêng nơi hố thiêng, hoặc vì lý do nào đó không có vật thiêng như thường gặp khi khai quật hố thiêng vẫn chưa được giải mã. Điều dễ nhận thấy theo ông Hỷ là lớp cát và đá cuội nơi lòng hố thiêng khi khai quật đã bị xáo trộn. Điều đó có thể nhận định trước đó tại nơi hố thiêng này đã bị khai quật.
Hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỹ mô tả lại vật thờ trong hốc thiêng gồm viên gạch nằm trên phiến đá hình trụ và đặt phía trước là viên đá thạch anh |
Còn ai khai quật, khai quật lúc nào? Đó là vấn đề chưa thể biết được. Hiện các nhà khảo cổ cũng như ông Hỷ mong là sớm tìm ra được vật thiêng trên bệ thờ nơi hố thiêng Phong Lệ, mới có cơ sở để nghiên cứu và xác định và giải mã những bí mật nơi hố thiêng kỳ lạ này.
Ngay trên tổng diện tích được khai quật khoảng 500m2, nằm trên một quả đồi thấp xung quanh là nhà dân, đoàn đã đi sâu khám phá tháp chính. Theo kết quả đo đạc hiện tại, nền móng tòa tháp chính này có diện tích khoảng 16m x 16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ là cửa giả và 1 cửa chính.
Ngoài ra, đoàn khai quật còn phát hiện một số vết tích điêu khắc nghệ thuật khá tinh xảo, giúp xác định niên đại. So sánh những di tích hiện còn và hiện vật đã được thu gom về bảo tàng trong đợt khai quật vừa cho thấy, niên đại của Phong Lệ tương ứng với di tích Chăm ở Khương Mỹ (tỉnh Quảng Nam), và niên đại cụ thể xác định là vào cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.
Theo phán đoán của giới chuyên môn, đây có thể là những hố thờ vật yểm. Và vật yểm gồm hòn đá cuội đặt dựng đứng ghép với viên gạch ngang trên đầu khiến người ta liên tưởng đến cặp ngẫu tượng Linga và Yoni, nhưng trật tự đã thay đổi sau khi phát hiện.
Viên gạch ngang có hình dạng biểu trưng cho Yoni nằm trên thay vì nằm dưới. Cả 4 hốc đều như thế. Hiện tượng đó hẳn không phải ngẫu nhiên mà mang quan niệm tôn giáo của người Chămpa xưa. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trước mỗi hốc đựng vật yểm trong hố thiêng, trên hố thiêng lại có các viên đá thạch anh chắn cửa, trong khi đá cuội và cát sỏi mới là thành phần phổ biến còn lại của mọi cấu trúc tường, móng tháp Chămpa.
Người ta cũng đặt câu hỏi về vai trò của đá thạch anh trong quan niệm của chủ nhân ngôi đền tháp này có ý nghĩa gì? Qua các hố thám sát do đoàn khai quật đào để tìm hiểu cấu trúc nền móng tháp đều cho thấy, khi tạo ra nền móng tháp, người Chăm đã lần lượt đổ từng lớp cát, sỏi đầm chặt, sau đó xếp từ 1-2 lớp gạch phẳng.
Cứ như thế, trên dưới 10 lớp gạch, lại xen kẽ cát, sỏi làm nền móng vững chắc. Điều đó chắc chắn rằng khu đền tháp này rất cao. Có thể khẳng định là khu tháp rất lớn và uy nghi, ông Hỷ nhận định.
Ngày mai (28/8) đoàn khai quật cùng các nhà khảo cổ, nhà khoa học và các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo khoa học về tháp Chăm Phong Lệ ngay tại nơi khai quật để giải mã những bí mật nơi khu tháp vừa được phát lộ này. Chắc chắn những bí mật sẽ dần được giải mã trên các chứng cứ khoa học.
Vũ Trung