Hai đường dây buôn lậu vàng này do Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981, quê Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, ở Tây Ninh) cầm đầu. Các bị can bị truy tố ra trước TAND TP HCM để xét xử về tội Buôn lậu.
Theo cáo trạng, các bị can Nguyễn Thị Minh Phụng kinh doanh tự do tại TP HCM; Nguyễn Thị Kim Phượng kinh doanh tự do tại Tây Ninh và Nguyễn Thị Thúy Hằng là chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng, tại TP Tây Ninh.
Các bị can này không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (thỏi) từ Campuchia về Việt Nam để bán. Quá trình kinh doanh, các bị can thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng bên Campuchia nên đã thỏa thuận, thống nhất, nhận đặt bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng vàng trong nước; sau đó liên hệ với các đối tượng người Campuchia và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (là cư dân biên giới, sinh sống tại cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) đặt mua vàng lậu từ Campuchia mang về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc để bán lại kiếm lời.
Cáo buộc cho rằng, các bị can đã thiết lập thành 2 đường dây buôn vàng. Một đường dây do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 20 người tham gia vào đường dây buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 8-9/2022.
Một đường dây khác do Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu cầm đầu và lôi kéo 5 người khác tham gia buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá 1.817 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2022.
Ngày 28/9/2022, CQĐT Bộ Công an đã theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình các đối tượng vận chuyển, nhập khẩu vàng từ Campuchia vào Việt Nam, đem đi tiêu thụ và đã ra lệnh khám xét khẩn cấp 2 phương tiện của 2 nhóm đối tượng ngay khi thực hiện việc giao nhận vàng tại đường Hồng Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM.
CQĐT bắt giữ một số đối tượng và mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục khởi tố hơn 20 người khác tham gia 2 đường dây buôn lậu vàng nói trên.
Theo tài liệu điều tra, đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu đã nhận đặt bán vàng cho một số khách hàng rồi đặt mua vàng lậu của đối tượng người Campuchia mang qua cửa khẩu Chàng Riệc để giao hàng.
Trong đường dây buôn lậu này, Nguyễn Thị Ngọc Giàu chỉ đạo, điều hành 3 người khác đem USD chuyển sang Campuchia để mua vàng mang về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc để giao vàng cho Phụng.
22 bị can trong đường dây này đã mua bán tổng số 4.830kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây thứ 2 do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Từ tháng 6-7/2022, Phượng nhận đặt bán vàng lậu cho Nguyễn Thị Thúy Hằng. Sau đó Phượng góp vốn với đối tượng người Campuchia có tên Pich Hen để mua vàng lậu từ Campuchia, rồi thông qua Giàu và Trần Thanh Thắng mang vàng qua cửa khẩu Chàng Riệc, giao cho các bị can khác.
Đường dây của Phượng buôn lậu thành công 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 6,8 tỷ đồng.
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng có quy định: “Nhà nước độc quyền xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Do vậy, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt việc nhập khẩu thỏi, vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thị vàng miếng, vàng nguyên liệu và nhận thấy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng bên Campuchia nên từ đầu năm 2011, các bị can đã móc nối với nhau thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh để bán lại cho các khách hàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.