Năm 2015, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới. Để phát huy những thành quả đạt được, năm 2023, xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Qua tự rà soát mới đây cho thấy, xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Kết quả này là nhờ sự đồng thuận, chung tay của người dân ngay từ ngày đầu triển khai thực hiện.

Điển hình như việc làm đường bê tông, từ năm 2020 đến nay, xã Phúc Xuân đã làm được 21km đường bê tông, với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng. Ngoài đối ứng 30% số kinh phí trên, bà con còn hiến hàng chục nghìn mét vuông đất các loại để làm đường.

Đến nay, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã đều được nhựa và bê tông cứng hoá, trong đó có khoảng 80% được làm mới, mở rộng từ 2,5m lên 4 - 5m.

W-ntm-10-1.jpg
 Năm 2023, xã Phúc Xuân đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Mới đây nhất, tại xóm Khuôn Năm, tuyến đường trục xóm dài 700m (chia làm 2 nhánh), rộng 4 - 5m đã được đổ bê tông với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đối ứng 30%, còn lại được Nhà nước hỗ trợ xi măng.

Với cách huy động sự vào cuộc của nhân dân, xã Phúc Xuân đã hoàn thành nhiều tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. 

Tiêu biểu như sự đóng góp của hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Trong 19 tiêu chí, Hội Phụ nữ xã được giao phụ trách Chỉ tiêu 18.7 - Hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo "3 sạch".

Hội Phụ nữ xã đã triển khai các nội dung liên quan đến gần 1.000 hội viên tại 8 chi hội, gắn với các nhiệm vụ, phong trào của Hội để triển khai thực hiện. Kết quả, đến nay đã có gần 85% số hộ trong xã có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo "3 sạch", vượt gần 5% so với quy định.

Ngoài các nội dung nêu trên, xã Phúc Xuân đã huy động sức dân thực hiện các tiêu chí như: Môi trường; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Văn hóa, thu nhập…

Đến nay, 100% các xóm đã đạt xóm văn hóa và đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn xã có 5 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (sản phẩm chè) được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay mức thu nhập bình quân đạt gần 59 triệu đồng/người/năm, cao gấp hai lần so với năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, sự chung tay nhân dân đã làm nên thành công cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn của xã vì thế ngày càng khang trang, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc… 

Bên cạnh đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã xác định, truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện. Từ đó tác động đến nhận thức, hành động để nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Vì vậy, các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng với sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể. Công tác truyền thông không chỉ truyền tải thông tin chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở mà còn thu thập thông tin, giám sát và phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình nông thôn mới và các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới…

Qua đó, góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. 

Truyền thông còn góp phần quan trọng trong việc phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, chung sức xây dựng xã Phúc Xuân trở thành miền quê đáng sống.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV