Năm 2020, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới sau nhiều năm nỗ lực. Các phong trào thi đua sôi nổi được phát động mạnh mẽ, đóng góp vào sự thành công của Chương trình như: hiến đất làm đường; góp ngày công – vật chất xây dựng các khu vực giao thông công cộng, thiết chế văn hóa; phát triển kinh tế; cải thiện vệ sinh môi trường và trồng hoa cây cảnh. 

Xác định quá trình xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Ở các địa phương trong huyện, khí thế thi đua sôi nổi thực hiện phong trào nông thôn mới ngày càng tăng cao.

W-ntm9-9.jpg
Nhiều phong trào thi đua sôi nổi đóng góp vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Yên Dũng.

Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện Yên Dũng ngày càng đổi mới, văn minh và hiện đại. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 63,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,24%. 

Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Yên Dũng, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2021 - 2025), đến nay, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/16 xã đạt chuẩn nâng cao, 27 thôn đạt kiểu mẫu. 

Với kết quả này, Yên Dũng đã hoàn thành vượt mục tiêu số xã đạt chuẩn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Việc phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng nông thôn mới. Huyện tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” để cũng cố, duy trì cũng như nâng chất những kết quả đã đạt được của Chương trình.

Xã Đồng Việt là địa phương điển hình, thực hiện có hiệu quả, thực chất phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của Yên Dũng. Hiện xã đã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong xã là những con đường bê tông khang trang, cây cối xanh mát, hệ thống chiếu sáng 

Từ một xã khó khăn, hơn 8.000 nhân khẩu chủ yếu làm nông nghiệp, năm 2019, để về đích nông thôn mới, người dân ở 7/7 thôn đã đóng góp hơn 5 tỷ đồng, 10.000 m2 đất, 12.000 ngày công để làm 34 km đường giao thông nội đồng, nội thôn; mở rộng đường làng, đường ngõ từ 2,5 m lên 4,5 m; xây mới 3 nhà văn hóa, nâng cấp 4 nhà văn hóa khác. Toàn xã đã xây dựng 17 nhà đại đoàn kết, 3 nhà mái ấm tình thương giúp người nghèo.

Ngoài ra, tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện Yên Dũng, nhiều tuyến đường được mở rộng, có điện thắp sáng, có các hạng mục cần thiết bảo đảm an toàn giao thông.

Nhằm nâng cao đời sống người dân, hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, huyện chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn huyện đã quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 200 ha; 33 cánh đồng mẫu sản xuất lúa rộng hơn 1.100 ha. 

50 mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 12 ha; phát triển nhiều nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Gạo thơm Yên Dũng, tương Trí Yên, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Sao thần nông... Huyện tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bà con cũng nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn để hoàn thành các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đời sống văn hóa tinh thần lan tỏa rộng khắp làng trên, xóm dưới.

Giai đoạn 2021 - 2023, người dân đã đóng góp tiền mặt và ngày công tương ứng 6,5 tỷ đồng cho các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân với vai trò chủ thể khi tham gia đều gắn với các mô hình cụ thể như: Xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; “Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp”; “Ánh sáng quang phòng, chống tội phạm”... 

Huyện cũng không ngừng nâng cao năng lực cho cán bộ, trưởng thôn, nhân dân qua các tài liệu, lớp bồi dưỡng về nông thôn mới. Đẩy mạnh và đổi mới phương thức truyền thông từ sân khấu hóa, tuyên truyền qua các buổi văn nghệ, sinh hoạt chi bộ. Công tác truyền thông đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư, phát huy được sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong nhân dân. 

Hiện tất cả các cán bộ phụ trách tuyên truyền, cán bộ phụ trách Chương trình nông thôn mới và Chương trình OCOP huyện, xã được tập huấn kiến thức về kỹ năng truyền thông, phương pháp viết tin, bài tuyên truyền về nông thôn mới.

Các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả và được tiến hành đồng bộ với đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó huy động thêm các nguồn lực khác cho xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, huyện hướng đến truyền thông những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm của các địa phương, đơn vị; những mô hình, điển hình tiên tiến; những xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua 

Quỳnh Nga