Mẹ Liu sinh bé Liu tháng 8/2014. Liu là “nickname” mà bố mẹ gọi cô bé Lilly đáng yêu. Bố Liu là người Mỹ, hiện là một kỹ sư công nghệ thông tin còn mẹ Liu đang học thạc sỹ ngành quản trị nhân lực. Cả gia đình hiện sống ở thành phố Loveland, bang Colorado (Mỹ).
Sau một thời gian lập gia đình mang thai và sinh con ở Mỹ, mẹ Liu đã chia sẻ cảm giác “đơn thương độc mã” của một mẹ Việt khi trải qua tất cả những cảm xúc thiêng liêng đó trên đất Mỹ như thế nào.
Bé Lily đang tập ăn dặm. |
12 tuần mới đi khám thai lần đầu tiên
“Khi biết tin có thai, vợ chồng mình đã phải đợi đến khi thai được khoảng 12 tuần mới có thể đặt lịch khám lần đầu tiên. Ở Mỹ, ngoài việc đi khám ở bệnh viện có các bác sỹ khoa sản, các mẹ bầu còn có thể đến bác sỹ gia đình hoặc một phòng mạch dành cho phụ nữ (women’s clinic). Sau khi tham khảo các nguồn thì vợ chồng mình quyết định chọn đến phòng mạch nơi có các “bà đỡ” (mid-wife) vì các lý do sau:
- Về chuyên môn thì những bà đỡ này cũng được đào tạo bài bản, có bằng cấp, kinh nghiệm nhiều năm chuyên về phụ nữ, thai sản.
- Phòng mạch đặt ngay bên cạnh bệnh viện nơi mình đăng ký sinh và các bà đỡ có thể tác nghiệp ở chính bệnh viện đó, dù không làm viện trực tiếp cho bệnh viện.
- Chi phí trọn gói nếu sinh với bà đỡ hoặc bác sỹ thì tương đương nhau, nhưng vì nếu sinh ở bệnh viện thì khó xin được bác sỹ khám thai cho mình hơn trong khi tại phòng mạch có 3 bà đỡ thay phiên nhau khám cho mình trong suốt thai kỳ, và đến khi sinh mình có thể đề nghị người mà mình cảm thấy gần gũi nhất đỡ đẻ cho mình.
ảnh |
Bệnh viện nơi mình đăng ký sinh. |
Quá trình mang thai cùa mình thì cũng tương đối thuận lợi, mặc dù cả thai kỳ mình chỉ lên có gần 8kg. Bốn tuần cuối, do vòng bụng và cân nặng lên chậm các bà đỡ yêu cầu mình phải siêu âm hàng tuần và làm các “non-stress” test cũng như cân đo cho bé. Trước khi sinh, chúng mình chuẩn bị một bản kế hoạch sinh nở với các thông tin như tên của bé, những ai sẽ có mặt trong phòng sinh, phương pháp sinh dự tính, có tiêm vắc-xin ngay không… để tiện cho bệnh viện nắm được.
Những năm gần đây, việc sinh nở với sự trợ giúp của phương pháp đẻ không đau “epidural” đã trở nên phổ biến như là một cứu cánh cho các mẹ bầu. Bản thân mình thì chịu đau tốt, biết trước em bé cũng sẽ không lớn nên mình quyết tâm sinh thường. Ngoài ra, qua tìm hiểu thì một trong những tác dụng phụ của việc tiêm epidural sẽ làm hạ huyết áp của người mẹ, trong khi bản thân mình huyết áp tương đối thấp nên mình cũng có chút e ngại.
Mình sinh chậm 2 ngày so với dự sinh và ca sinh kéo dài khoảng 7 tiếng từ lúc nhập viện. Bà đỡ và các y tá ở bệnh viện thì vô cùng dễ chịu và nhiệt tình đã giúp mình sinh thường thành công, em bé nặng 2,9 kg và rất may là mình không cần rạch tầng sinh môn. Chồng và mẹ chồng mình ở bên cạnh thay phiên nhau canh chừng mình trong quá trình chuyển dạ. Chồng mình còn được tự tay cắt cuống rốn cho con sau khi bé trào đời và theo như yêu cầu, bà đỡ đã đợi đến khi dây rốn tự ngừng đập mới kẹp dây rốn.
Bố mẹ Mỹ và chuyện tiêm vắc-xin cho con
Việc tiêm chủng ở Mỹ theo như mình được biết thì vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi do các tác dụng phụ gây ra, chính vì thế, tiêm hay không là quyền của cha mẹ em bé. Tuy nhiên, nếu chọn không tiêm, phụ huynh sẽ phải ký vào một bản cam kết đại ý là hiểu được các rủi ro nếu có và bác sỹ sẽ không chịu trách nhiệm nếu có bất trắc nào xảy ra. Mình cũng có quen những gia đình hoàn toàn không tiêm cho con hoặc đợi đến khi bé được 6-7 tháng mới tiêm mũi đầu tiên.
Que tránh thai “thần diệu”
Cũng như các mẹ bầu ở Việt Nam, sau khi sinh xong mình thấy các mẹ Mỹ cũng được khuyên kiêng cữ trong 2-3 tháng, ở đây sau khi sinh 6 tuần mình được đặt lịch đến kiểm tra sức khỏe và tâm lý. Mình được đưa ra một bài trắc nghiệm nhỏ, và bà đỡ sau đó sẽ nói chuyện giúp mình tháo gỡ những vướng mắc tâm lý hoặc đơn giản chỉ là động viên mình.
Ngoài ra, do chưa có kế hoạch sinh bé thứ 2 ngay nên mình quyết định đặt que tránh thai luôn ở tuần thứ 6. Loại que này có tác dụng 5 năm và người phụ nữ sẽ hoàn toàn không có kinh nguyệt, khi muốn có thai lại chỉ cần tháo que trước vài tháng. Mặc dù chi phí khá đắt nhưng đa số các công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ.
Mẹ Mỹ đưa con ra ngoài từ rất sớm
Ngay từ khi mới sinh ra, bà đỡ và các y tá đã khuyến khích mình cho bé bú sữa mẹ để tận dụng nguồn sữa non quý giá. Mình có lo lắng bé sẽ bị đói thì được giải thích ở những ngày đầu tiên, bé chỉ cần một lượng sữa nhỏ xíu như hạt bi ve nên không cần phải cho bé ăn thêm sữa ngoài. Các y tá cũng tích cực giúp mình cho bé bú vì lần đầu làm mẹ chắc hẳn mẹ nào cũng lóng ngóng.
Chiếc nôi nhỏ có thể đặt con ngủ riêng trên cùng giường với bố mẹ trong vài tuần đầu sau sinh, trước khi chuyển sang nằm ngủ ở cũi. |
Khác với chia sẻ của một bà mẹ ở Ireland, sau khi sinh sẽ có y tá đến tận nhà, ở tiểu bang nơi mình sống, cha mẹ của em bé trước khi xuất viện sẽ được yêu cầu đăng ký tên bác sỹ nhi chịu trách nhiệm khám cho bé giai đoạn sau này. Nhân viên hộ tịch cũng sẽ đến giúp làm giấy khai sinh cho bé luôn và chỉ 10 ngày sau là giấy sẽ được gửi về tận nhà.
Con mình có lịch khám đầu tiên lúc 9 ngày tuổi và mình thì được đặt lịch tư vấn miễn phí với chuyên gia sữa mẹ cùng ngày. Tại đây, chuyên gia sẽ cân bé, kiểm tra lượng sữa mẹ bé ăn mỗi lần, hướng dẫn mẹ cách hút sữa, xoa bóp, chế độ ăn uống. Sau đó, em bé có lịch khám định kỳ kèm tiêm chủng ở tháng thứ 2,4,6,9 và 12. Các bác sỹ khi khám cho bé đều cố gắng khích lệ người mẹ để họ không phải chịu áp lực từ việc lên cân của con. Bác sỹ của mình luôn động viên mình nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và mỗi lần khám đều cho mình tài liệu đọc thêm về các giai đoạn phát triển tương ứng của bé.
Lily cũng như các bạn nhỏ khác ở Mỹ được cho ra ngoài chơi từ rất sớm và đều đặn hàng ngày. |
Không có mẹ đẻ bên cạnh chồng thì phải đi làm nhưng mình vẫn xoay xở khá tốt với con. Con mình ngủ riêng trong một chiếc nôi gấp đặt trên giường bố mẹ từ nhỏ và sang đến tháng thứ 2 bé bắt đầu ngủ trong cũi riêng ở phòng của bé. Ông bà nội ngoại đều không can thiệp vào quá trình nuôi con của mình, không tạo áp lực cân nặng, muốn cho bé ăn gì cũng phải hỏi ý kiến mình nhưng có việc gì thắc mắc mình cũng hỏi kinh nghiệm của các bà. Ở đây các bé được cho ra ngoài từ rất sớm, thậm chí một hai tuần sau khi sinh.
Dù trời lạnh thì lũ trẻ vẫn được mặc ấm để đi chơi ngoài trời. |
Loạt bài những trải nghiệm làm cha mẹ ở khắp nơi trên thế giới qua lăng kính của những bà mẹ đến từ các đất nước khác nhau tiếp tục được đăng tải trên Mẹ&Bé. Những thông tin mới mẻ, có phần lạ lẫm và đầy thú vị qua những chia sẻ gần gũi và chân thật sẽ giúp các bà mẹ có một cái nhìn thực tế hơn về việc làm cha mẹ ở các nước trên thế giới.
Nếu bạn cũng là một mẹ Việt đang sống ở nước ngoài và có những trải nghiệm làm mẹ của riêng mình, hãy chia sẻ với chúng tôi qua email mevabe@afamily.vn để cùng viết thêm những câu chuyện ý nghĩa về việc làm cha mẹ. Chân thành cảm ơn sự ủng hộ và chia sẻ của các bố mẹ!
(Theo Mẹ Lily (Từ Colorado, Mỹ) / Trí Thức Trẻ)