Lý Quý Trung: “Trong kinh doanh, mất hứng là mất hết”
Ông Trung khởi nghiệp từ năm hơn 20 tuổi nhưng phải đến năm 36 tuổi mới bắt đầu có thành công bước đầu. Cha đẻ phở 24 trải qua không dưới 10 lần thất bại và tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, thậm chí phải bán đi nhà cửa, toàn bộ tài sản của gia đình để trả nợ cho những lần khởi nghiệp.
“Trong kinh doanh phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê, đam mê ở đây không chỉ đơn thuần là mình thích lĩnh vực này mà phải thật sự ăn ngủ với nó, luôn nghĩ về nó và phải luôn giữ được “hứng” dù có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa”, ông dành lời khuyên cho các bạn trẻ tại sự kiện mới đây.
Trong khởi nghiệp nếu cứ mãi nghĩ về những lần thất bại rồi luẩn quẩn trong đó thì rất khó thoát ra. Mặc dù mỗi lần thất bại là một lần đau đớn, nhưng hãy cố gắng quên nhanh nhất có thể. Thua keo này, bày keo khác, bày cho đến khi nào không thể thất bại nữa thì thôi.
Đầu tư 2000 tỉ, nhà máy ôtô của VEAM dưới thời Trần Ngọc Hà "thảm bại"
Báo cáo gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của VEAM về hoạt động của VM cho biết, dưới thời Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà, VM liên tục rơi vào khủng hoảng.
Theo phương thức hợp tác do ông Trần Ngọc Hà chỉ đạo từ thời còn làm Giám đốc Nhà máy ôtô VM đã chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất, xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp, chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác, hợp tác về sản xuất sản phẩm.
Trong khi các nhà sản xuất khác như Thaco, Thành Công, Đô Thành, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn hơn nhiều thì sản lượng của VM rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.
Trong tổng số 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn (giá vốn 966,3 tỉ đồng), thì có 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước (878,5 tỉ đồng). Nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Báo cáo nêu rõ, việc ông Trần Ngọc Hà và Giám đốc của VM bảo vệ thực tế trích lập dự phòng hiện nay (gần như áp dụng 1% cho một năm tuổi tồn) đã gây khó khăn cho việc quản trị của Hội đồng quản trị, không phản ánh đúng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của VM.
Shark Nguyễn Thanh Việt: Giỗ ông nội, sinh nhật bà ngoại cũng nghỉ
Còn chúng ta việc đầu tiên sau khi sếp giao là lầu bầu vài câu đã. Nhiều nhân viên sếp nói chưa xong đã cãi rồi, cãi nhanh cãi khỏe, cãi đã xong mới làm. Mà làm thì lại hay ăn bớt công đoạn. Người Việt Nam hay thông minh kiểu thấy công đoạn không cần thiết là bỏ đi, mà đâu biết đó có khi là quy tắc của an toàn lao động.
Một vấn đề nữa được Shark đề cập là nhiều lao động đang thiếu trung thực với bản thân mình, khi thấy khó khăn họ sẽ tìm đủ mọi lý do giải thích vì sao mình không hoàn thành công việc hay từ chối nhìn thẳng vào bản thân để xem có điểm gì thiếu sót cần sửa đổi.
Ông kể đã từng sang Nhật và thấy nhiều thanh niên Nhật tự tử vì cảm giác áy náy khi làm sai trong công việc. Người Nhật lo sai lầm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, thậm chí có thể chọn giải pháp tự sát.
Tương tự như vậy, ở Hàn Quốc, tác phong làm việc của đa số lao động cũng rất chăm chỉ. Họ có thể làm từ 9h sáng đến 9h tối chưa nghỉ, nếu công việc chưa hoàn thiện. Trong khi đó, chủ tịch Intracom nhìn nhận nhiều nhân viên Việt Nam đi làm chỉ mong đến đúng 5h chiều là về, đã vậy lại rất hay xin nghỉ, "giỗ ông nội cũng nghỉ, rồi sinh nhật bà ngoại cũng nghỉ".
Khoa tồ: Từ dân đua xe trở thành TGĐ
Ông Khoa chia sẻ, chuyện vào FPT thì rất tình cờ. Hôm đó, mình đi ra Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô xem một triển lãm (năm 1996), lần đầu đầu tiên nhìn thấy mạng Trí tuệ Việt Nam (do cựu CEO FPT Trương Đình Anh lập nên), thấy người ta "chát chít" trên ấy và gặp Lã Hồng Nguyên (hiện làm tại FPT IS). Mình xin một cái card và nói với anh Nguyên: "Anh ơi, em rất thích làm cái này (ý là làm việc liên quan đến mạng Trí tuệ Việt Nam -PV)". Anh hỏi: "Thế mày thích làm gì?", mình bảo: "Em không biết làm gì, nhưng mà em rất thích cái mạng này".
Cái tên Khoa "Tồ" là tên bà nội đặt cho mình từ bé, cái tên tục hay gọi ở nhà. Ngày xưa tuổi như anh em mình thì ông bà bố mẹ hay đặt tên tục để nuôi cho nó dễ. Con gái thì gọi là Hĩm, Chuột, Cún; còn con trai thì gọi Tồ, Khoai, Cu…. Tên này đi học phổ thông cũng nhiều người biết và gọi, vào công ty cũng vậy.
Còn việc biết anh Đình Anh gọi tên tục là có chuyện lớn vì một số lần như vậy nên đoán thôi. Bình thường, anh ấy sẽ nói là Khoa chứ không buột miệng gọi Khoa "Tồ".
Trở thành CEO của Tập đoàn FPT, giấc mơ của ông là FPT sẽ trở thành một trụ cột của đất nước về CNTT, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và góp phần vào việc xây dựng một FPT trường tồn. Giấc mơ thứ hai là mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho các bạn trẻ FPT, giúp họ có cuộc sống phồn vinh hơn, để từ đó đóng góp thêm nhiều giá trị cho xã hội, đất nước. Còn nếu đóng góp nhiều quá mà quên mất bản thân mình thì cũng không ổn.
Chủ tịch Sơn Kim tiết lộ kế hoạch 100 triệu USD
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Sơn Kim Land và Retail cho hay, họ sẽ đổ khoảng 100 triệu USD vào việc phát triển chuỗi cung ứng cho ngành bán lẻ trải dài khắp Việt Nam, như xây dựng kho bãi, hệ thống giao thông, đội vận tải, nhà máy, … Tất nhiên, Sơn Kim không thể một mình "bao sô, bao lô", mà có cái họ sẽ xây dựng, có cái họ sẽ hợp tác với các đơn vị khác. Hiện tại, kế hoạch này của Sơn Kim đang triển khai rầm rộ, chỉ là họ chưa truyền thông rộng rãi mà thôi.
Sau khi hoàn thành chuỗi cung ứng, cộng hệ thống bán hàng đa kênh và khả năng cung cấp 250 mặt bằng cửa hàng rải rác trên khắp cả nước của Sơn Kim Land cùng quan hệ thân thiết của doanh nghiệp với các trung tâm thương mại, Sơn Kim tin rằng, họ sẽ là một trong những đầu mối liên hệ đầu tiên khi có bất cứ công ty bán lẻ nước ngoài nào muốn đến làm ăn kinh doanh tại việt Nam. Bởi, với hạ tầng như thế, không phải công ty nào ở Việt Nam cũng có thể có được.
Vinhomes có sếp mới
Hội đồng quản trị CTCP Vinhomes (VHM) ban hành Nghị quyết miễn nhiệm bà Lưu Thị Ánh Xuân khỏi chức vụ Tổng giám đốc. Bà Xuân mới được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc ngày 28/2/2019 thay cho bà Nguyễn Diệu Linh - người được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinhomes, bà Xuân từng có thời gian là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Vinhomes 2 từ năm 2014 – 2017. Trước đó, bà đã đảm nhiệm chức vụ PTGĐ Ngân hàng Techcombank từ năm 2007 – 2010 và PTGĐ Ngân hàng VPBank từ năm 2012 – 2014.
Ông Phạm Thiếu Hoa - hiện đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Phát triển dự án được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc thay bà Xuân.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Ánh Xuân được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc nhiệm kỳ 5 năm thay cho bà Nguyễn Diệu Linh. Như vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng, Vinhomes thay CEO.
Chủ tịch Eximbank phải chuyển cho người khác
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố các nghị quyết liên quan đến thay đổi nhân sự cấp cao tại nhà băng này. Theo đó, HĐQT Eximbank bầu ông Cao Xuân Ninh vào vị trí chủ tịch sau khi chấp thuận việc từ nhiệm chức vụ này của ông Lê Minh Quốc.
Chỉ trước đó 2 tháng, hôm 22/3, Eximbank cũng đã bất ngờ thay đổi chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với một gương mặt mới tinh - bà Lương Thị Cẩm Tú (1980) đến từ Ngân hàng NamABank của cố doanh nhân Tư Hường, thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Tú trước là TGĐ Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Và vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại đại hội cổ đông của nhà băng này.
Tuy nhiên, chủ tịch bị bãi miễn Lê Minh Quốc sau đó đã đòi lại ghế nóng quyền lực. Eximbank đã có nghị quyết hủy bỏ Nghị quyết 112 ban hành hôm 22/3 về việc bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí chủ tịch Eximbank.
Bảo Anh (Tổng hợp)