- Bạn không thể học hay trả lời các câu hỏi về cái bạn mà không hiểu! Đó là điều chắc chắn. Người học tiếng Anh luôn muốn nghe tốt, nói thành thạo, đọc và viết tiếng Anh một cách thuần thục, am tường ngữ pháp…
Nhưng tất cả những điều đó đều đòi hỏi vốn từ vựng. Chỉ khi bạn nắm được một lượng lớn từ vựng thì bạn mới thực sự có được điều kiện tối thiểu để học các yếu tố ngôn ngữ còn lại.
Và bài thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia cũng không ngoại lệ: Điểm cốt tử của bài thi là vấn đề từ vựng. Nhưng không phải là từ vựng rời rạc, mà là cụm từ.
Xin đặt ra một giả thiết là nếu bài thi môn tiếng Anh không có bất cứ một từ nào mới đối với học sinh thì kết quả sẽ ra sao?
Chắc chắn các em không để lỡ cơ hội để đạt điểm tuyệt đối, số điểm vừa khiến các em tự hào và vừa tạo ra thế mạnh cạnh tranh rất lớn để xét tuyển vào trường đại học mơ ước. Vì từ vựng là nội dung trọng tâm của bài thi ngoại ngữ, khi có từ vựng tốt: bài đọc hiểu trở nên dễ hiểu, bài ngữ pháp cũng dễ làm hơn, và bài ngữ âm cũng dễ phán đoán…
Nhưng vấn đề đặt ra là học từ vựng thế nào mới đúng cách và hiệu quả cao?
Dù bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia là bài thi trên giấy, nhưng không vì thế mà học sinh chỉ học từ vựng bằng mắt và học trên giấy với thói quen kém hiệu quả là tra từ và nghĩa, tra phiên âm và họ từ…
Đây là thói quen học tập không tốt, nó khiến cho học từ vựng tiếng Anh vừa khó nhớ, vừa khó vận dụng. Các em cần học từ vựng một cách khoa học và có chiến lược hơn, thay vì chỉ lo lắng học những từ mới đơn lẻ.
Trong chuỗi bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cách học từ vựng khoa học, hiệu quả mà người Do Thái từ xa xưa đã sử dụng, nay các em hoàn toàn có thể sử dụng kỹ thuật đó vào việc ôn thi môn tiếng Anh với tham vọng VÉT CẠN mọi từ vựng ở toàn bộ các chủ đề bài đọc, các chủ điểm ngữ pháp, đồng thời tạo ra ảnh hưởng tích cực với phần ngữ âm và các phần phụ khác trong bài thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia.
Trước khi đi vào cách học hiệu quả, chúng ta cần nhận diện những nhược điểm chính mà học sinh thường mắc phải khi học từ vựng.
Có hai nhược điểm mà học sinh học tiếng Anh hay gặp phải gồm:
Thứ nhất là các em học câm, tức là chỉ học bằng mắt, bỏ qua phần nghe từ vựng, và hiếm khi tập nói lại. Điều này dẫn đến các em không kích thích chức năng cơ bản nhất của ngôn ngữ là để giao tiếp, mà đã là giao tiếp thì phải học bằng âm thanh chứ không thể học kiểu “câm” được.
Thứ hai là các em tra từ mới và thậm chí viết cả phiên âm, hay họ từ (word family) ra… nhưng chừng ấy là chưa đủ. Vì như vậy em sẽ mắc vào sai lầm học từ vựng đơn lẻ và rời rạc, mà như thế thì sẽ học nhiều quên nhiều, học ít quên ít, tốt nhất là không học, thì không quên. Các em cần nắm được các cụm từ của chúng và bối cảnh sử dụng chúng thì các em mới thực sự hiểu đúng, và nhớ tốt được từ vựng đó.
Vai trò của cụm từ
Micheal Lewis (1993), một nhà nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiếng Anh uy tín, đã chỉ ra trong cuốn sách The Lexical Approach của mình rằng thực chất từ vựng trong một câu thường đi theo từng nhóm cụm để diễn đạt ý, và khi ta hiểu nghĩa và nhớ được thật nhiều các cụm từ của ngoại ngữ mà ta học thì việc nghe, nói, đọc và cả viết ngoại ngữ sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, sự thành thạo ngoại ngữ cũng từ đó mà ra. Học cụm từ có ích cho việc làm chủ tiếng Anh nhanh hơn nhiều so với học những từ vựng rời rạc.Đồng thời ông cũng chỉ ra có 4 loại cụm từ gồm:
- Kết hợp từ tự nhiên (collocations) như: do your best (làm hết sức của bạn), make money (kiếm tiền), have lunch (ăn trưa), chair a meeting (chủ trì cuộc họp), v.v…
- Thành ngữ (idioms): a small potatoe (người thấp cổ bé họng), catch somebody red-handed (bắt quả tang ai), black-and-white (rõ ràng trắng đen), v.v…
- Cụm từ cố định (fixed phrase): to catch a cold (bị cảm lạnh), drug addict (kẻ nghiện ma túy), in double-quick time (càng nhanh càng tốt), v.v…
- Cụm từ bán cố định (semi-fixed phrase): learn + by heart (học thuộc lòng)/ by rote (học theo lối mòn)/ by doing (học bằng quan sát)/ from experience (học bằng kinh nghiệm).
Và thực chất, bài thi tiếng Anh có nhiều dạng bài tập khác nhau như đọc hiểu, điền từ vào chỗ trống, tìm từ đồng nghĩa, tìm cách diễn đạt tương đồng, v.v… phần lớn đều xoay quanh việc học sinh có nắm chắc các cụm từ hay không.
Ví dụ như bài điền từ vào chỗ trống chỉ là thủ thuật mà người ra đề cắt đi một hoặc hai từ trong cụm từ cố định đưa vào đáp án kèm theo các phương án gây nhiễu. Nếu học sinh biết cụm từ đó thì sẽ chọn đúng đáp án, còn không biết chính xác cụm từ đó thì sẽ có tới 75% khả năng làm sai.
Bài thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia căn bản kiểm tra kiến thức của 12 chủ điểm ngữ pháp chính và 9 chủ đề trong bài đọc. Một khi học sinh nắm chắc tất cả từ vựng của 9 chủ đề đọc và cụm từ ngữ pháp thì bài thi không còn khó khăn gì nữa.
Có nhiều cách học từ vựng khác nhau, nhưng để học thuộc cụm từ nhanh nhất thì chúng ta có thể học theo phương pháp lồng ghép cụm từ khóa của người Do Thái.
Trong chuỗi bài viết của mình, tôi sẽ lần lượt chia sẻ các bài học với 9 chủ đề để giúp cho các em học sinh có một nền tảng cơ bản. Để làm chủ toàn bộ 9 chủ đề với bộ công nghệ e-learning thuận tiện hơn để học, các em nên tìm đọc cuốn sách “Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái” dành cho học sinh thi THPT quốc gia mà tôi cùng các đồng nghiệp của mình viết thì sẽ đầy đủ hơn.
- Nguyễn Anh Đức (CEO Smartcom Việt Nam, tác giả chủ biên cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái, dành cho kỳ thì THPT quốc gia).