Sau 20 năm, từ con số 0 tới 190 tỷ USD

Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục xu hướng đi lên. Tính từ đáy 23/3, chứng khoán Việt Nam đã hồi phục khoảng 33% sau khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Khác với nhiều TTCK, chứng khoán Việt Nam không đi lên một chiều mà có phiên tăng phiên giảm, khối lượng giao dịch có xu hướng tăng lên bền vững và phản ánh tương đối sát với sự hồi phục của nền kinh tế, không trái chiều và có dấu hiệu bong bóng như chứng khoán Trung Quốc, Mỹ như gần đây...

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn bởi đây là nơi xứng đáng để họ đổ vốn vào đầu tư.

Theo ông Dominic Scriven, dù có lịch sử hoạt động mới 20 năm nhưng TTCK Việt Nam có những bước phát triển khá vững chắc. Thị trường vốn đã phát triển ngang bằng với quy mô của thị trường ngân hàng.

{keywords}

Biến động chỉ số VN-Index.

Được thành lập trước khi TTCK khai trương 6 năm (năm 1994), ban đầu thị trường khá nhỏ chỉ với 2 công ty niêm yết đầu tiên, so với hơn 1.600 công ty như hiện tại. TTCK nay đã có một loạt thị trường phái sinh trái phiếu, cổ phiếu, OTC.

Theo CTCK Sài Gòn (SSI), trải qua 20 năm hình thành và phát triển kể từ khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - TTGDCK TP.HCM (sau này được đổi tên thành Sở GDCK TP.HCM - HOSE), quy mô TTCK không ngừng tăng trưởng, sản phẩm giao dịch ngày càng đa dạng hơn, hệ thống giao dịch, thanh toán hoạt động an toàn và hiện đại; số lượng nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài không ngừng được mở rộng, TTCK từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường vốn khu vực và toàn cầu.

TTCK bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh từ năm 2006 khi TTGDCK Hà Nội đi vào hoạt động và trở thành sàn giao dịch cổ phiếu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh HOSE là nơi niêm yết các doanh nghiệp vốn lớn.

TTGDCK TP.HCM chuyển đổi mô hình SGDCK TP.HCM (HOSE) năm 2007 và chính thức áp dụng khớp lệnh liên tục từ ngày 30/7 để tạo thanh khoản cho thị trường. Động thái này đã thúc đẩy làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn gắn với niêm yết trên TTCK. Một số tên tuổi lớn được nhắc đến như: Vinamilk, Sacombank, Vietcombank, Tổng công ty Bảo Việt,...

Đặc biệt, sau khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) khai trương vận hành thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM) vào ngày 24/6/2009, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên HNX tăng lên rất nhanh, vượt ngưỡng 1.000 doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2019, TTCK Việt Nam có 1.622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch; trong đó có 750 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên cả 2 Sở GDCK và 872 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 4.384 nghìn tỷ đồng (khoảng 190 tỷ USD), tương đương 72,6% GDP năm 2019.

{keywords}
Thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung theo xu hướng đi lên.

Kênh đầu tư hấp dẫn, quy mô sẽ tăng gấp đôi

Trong vòng 5 năm trở lại đây, quy mô doanh nghiệp niêm yết đã tăng rất nhanh, từ 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD thì đến cuối năm 2019 đã lên tới trên 30 doanh nghiệp. Qua 20 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và  cho nền kinh tế.

Ngoài các công cụ là cổ phiếu, trên thị trường còn có thêm các công cụ đầu tư khác như: các chứng chỉ quỹ đầu tư, các chứng chỉ quỹ ETF và gần đây là sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants).

{keywords}
Thị trường 190 tỷ USD, cơ hội còn nhiều, đại gia ngoại chờ rót vốn đầu tư.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thị trường vốn không còn nhỏ nữa và Chính phủ đã có chủ trương về nhu cầu tài trợ và phát triển trung và dài hạn của Nhà nước, của ngân sách, của các doanh nghiệp là phải tiếp cận tới thị trường vốn chứ không phải là một thị trường nào khác.

Chính vì vậy, vai trò, tiềm năng và tương lai phát triển của thị trường vốn là rất khả quan và có nhiệm vụ lớn.

Trên thực tế, quy mô TTCK Việt Nam vẫn khá khiêm tốn so với thế giới, vốn hóa chỉ mới gần bằng 1/5 thị trường Phillippines, 1/7 thị trường Indonesia và 1/8 thị trường Thái Lan. Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP còn thấp, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối.

Theo kế hoạch, thị trường cổ phiếu sẽ tăng gấp 2 lần quy mô lên đạt 120% GDP vào năm 2025. TTCK sẽ phát triển mạnh hơn để đảm bảo sự cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

{keywords}
Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài.

Theo kế hoạch của Chính phủ thì tới đây, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu cổ phần của Nhà nước như Tổng công ty Mobifone, Tổng công ty VNPT hay Ngân hàng Agribank,... sẽ tiếp tục được cổ phần hóa và niêm yết. Bên cạnh đó, khối các doanh nghiệp tư nhân với một loạt tên tuổi và là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, để TTCK phát triển và hoàn thiện hơn, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, có nhiều điểm cần được cải thiện. Đó là việc phải tiếp tục tăng quy mô và thanh khoản của thị trường. Thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của TTCK cần hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn nữa; nhất là các hướng dẫn triển khai Luật chứng khoán sửa đổi (2019) và Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030, trong đó cần chú trọng xây dựng chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán (trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối - blockchain và dữ liệu lớn - big data sẽ là những công cụ quan trọng).

Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường cũng cần phong phú, đa dạng hơn, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán cần được nâng cao hơn nữa.

Theo ông Lực, 20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là “đất trống” đến nay đã là một “cơ ngơi có vị thế” trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn.

M. Hà