- Năm 1956, nhận đơn của tôi, bí thư chi bộ hỏi: Vì sao em xin gia nhập Đảng? Tôi bộc bạch: Em thấy đảng viên ở đại đội ta đều là những người tử tế...
Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm, Hà Nội tháng 8/2010. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Thuở tôi đang học tiểu học, có lần bố tôi bảo mấy anh chị em chúng tôi rằng: Các con ạ, gốc của "tử tế" là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời dân ta dùng nó quen trong cuộc sống, với nghĩa vừa trừu tượng, cao sang, vừa cụ thể, dân dã đời thường. Tử tế không chỉ là ở lời nói mà chủ ýếu là từ suy nghĩ, biểu hiện ra hành động. Đối lập với tử tế là đểu giả, hèn mạt, dối trá, gian manh, xu nịnh, ích kỷ… Sự tử tế không phải là tiêu chuẩn của một đẳng cấp nào. Làm người ai cũng có thể thành người tử tế khi được dạy dỗ ngay từ thuở ấu thơ và phải được rèn luyện suốt đời.
Lớn lên, được học hành, tham gia cách mạng, dần dần tôi hiểu ra rằng cuộc sống con người, đường đời thật khó khăn, có biết bao là trở lực! Không phải lúc nào cũng gặp chỉ có màu hồng chói lọi mà còn gặp phải không ít cái nhiễu nhương, kể cả những cái hắc ám, gian manh, những thói vặt vãnh đố kị, bon chen nữa.
Tôi được tuyên truyền giáo dục về lý tưởng của Bác Hồ, của Đảng. Lúc đầu tôi chả hiểu mấy về những điều cao xa như phạm trù, quy luật, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản… nhưng với hành trang mà bố tôi dạy bảo, rồi những câu chuyện về luân lý, đạo đức mà nhà trường giáo dục, qua tiếp xúc với những người đồng ngũ, đồng nghiệp, có nhiều người là đảng viên, cùng học tập, công tác với họ, làm cho tôi vỡ dần ra rằng song hành cùng với những cái xấu, cái ác thì ở đời, đâu đâu cũng có không ít những người nhân hậu, thương yêu con người, ham làm điều thiện, lo việc công ích, nói sao làm vậy, nói ít làm nhiều, nếu vì nghĩa lớn thì họ sẵn sàng hy sinh với tinh thần lạc quan, dũng cảm và trí tuệ để đạt hiệu quả cao chứ không vì chức vụ hay bổng lộc. Họ coi việc ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường.
Năm 1956, tôi làm đơn xin gia nhập Đảng. Bí thư chi bộ đồng thời là chính trị viên đại đội nơi tôi đang là một chiến sĩ nuôi quân xem kỹ lý lịch, biết rất rõ tôi là một chú học sinh tham gia quân đội, được liệt vào thành phần giai cấp tiểu tư sản; thấy tôi người trắng trẻo, cao gầy lêu nghêu, ăn nói mạnh dạn, trông bề ngoài cũng đã biết ngay tôi chả có dáng dấp “công nông” tí nào, bèn chất vấn tôi: “Vì sao em xin gia nhập Đảng?” (không hiểu tại sao trong môi trường quân ngũ thời ấy, là thủ trưởng mà đồng chí ấy lại gọi tôi là em).
Thấy thủ trưởng có thái độ thân tình, trong không khí cởi mở ấy, tôi cũng mạnh dạn gọi đồng chí ấy là anh và quên béng những điều mà hai đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ tôi đã dặn phải trả lời, đại ý là: Vào Đảng vì lý tưởng cộng sản cao cả, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh, suốt đời được là một chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới…
Ngược lại, tôi bộc bạch lòng mình, không màu mè công thức gì: Em thấy trong Đảng, những đảng viên ở đại đội ta đều là những người tốt, y như hồi nhỏ bố em bảo em, đó là người tử tế. Hàng ngày họ cũng làm những việc như em mà sao em cứ thấy các anh ấy lớn lao, cao thượng hơn mình, em tự thấy mình bé nhỏ hơn họ nhiều lắm; em muốn vào đảng để học tập và trở thành “người lớn” như các anh ấy.
Không biết bí thư chi bộ nghĩ thế nào nhưng ít lâu sau, tôi được dự một lớp huấn luyện ngắn và được giao cho một số việc khó (khi là đảng viên rồi tôi mới biết đó là sự thử thách). Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và được kết nạp Đảng.
Từ bấy đến nay đã 56 năm rồi, biết bao thăng trầm của cuộc đời mà tôi được chứng kiến, biết bao đảng viên (có người là cấp trên và cũng có người là cấp dưới trực tiếp của tôi) đã làm cho tôi ngày càng thấm thía rằng: Trong Đảng ta, hầu hết đảng viên, dù là cán bộ cao thấp khác nhau, nhưng những ai xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy thì đều là những người tử tế và ngược lại. Thật mừng vì trong xã hội hiện nay tuy còn đây đó, từ chốn công sở đến phường xã, xóm thôn thi thoảng vẫn còn gặp nhiễu nhương, thậm chí vô nhân… nhưng dòng chủ lưu của sự tử tế vẫn đang cuồn cuộn chảy trong hàng chục triệu con tim, khối óc người Việt Nam; trên thực tế, trong Đảng và nhân dân ta vẫn đang có nhiều người tử tế lắm.
Cũng có đôi khi ngồi đàm đạo trong chi bộ, chúng tôi thấy buồn vì biết tin có những cán bộ hư hỏng, sa đọa. Họ từng đứng trên diễn đàn nói thao thao, hùng hồn về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ nhưng có một điều sau đây hình như không ai nghe thấy họ nói tới bao giờ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng".
Buồn và giận những cán bộ ấy, song bình tĩnh ngẫm suy, chúng tôi lại bảo nhau, không vì những cán bộ thoái hóa đó mà hoang mang, dao động, mất niềm tin vào lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ; dù sao thì họ chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, sự tử tế của đa số đảng viên và nhân dân ta sẽ là thuốc trừ sâu hữu hiệu cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
- Trần Đình Huỳnh