Trong 2 giờ, chuyên gia đầu ngành ung bướu đã giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet về ung thư - căn bệnh hiểm ngày càng phổ biến, khiến ít người trưởng thành nào lại chưa từng chứng kiến hoặc gian truân, khổ đau vì nó.
Theo ước tính của Hiệp hội quốc tế phòng chống ung thư, mỗi năm trên thế giới có khoảng 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, mỗi năm tối thiểu có 125.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, gấp 9 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Trong khi đó, tỷ lệ hiểu biết cơ bản đúng của người dân về ung thư còn rất thấp. Kết quả nghiên cứu gần đây tại 12 tỉnh thành cho thấy 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, phát hiện sớm muộn gì cũng là "nhận án tử". 35,8% người nghĩ ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết.
Một thực tế đáng buồn là 70% người bệnh ung thư mặc cảm về bệnh hiểm, lại sợ tốn kém vất vả, thường tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn, dẫn đến phí tổn cao, hiệu quả thấp. Do mặc cảm và muốn giấu bệnh, do sợ tốn kém vất vả; một số người thậm chí còn có suy nghĩ bị ung thư do “Trời phạt” nên không đến viện.
Trong khi sự thật là: Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa. Nhờ các phương pháp phát hiện sớm, có thể điều trị kịp thời và cứu chữa được 30% người bệnh bị ung thư. Bằng các liệu pháp chính thống kết hợp với chăm sóc, có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3 người bệnh ung thư còn lại.
Nhà báo Lê Thế Vinh, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet tặng hoa cho PGS.TS Bùi Công Toàn, Phó Giám đốc BV K Trung ương. Ảnh: LAD |
Vậy làm thế nào để hiểu đúng về ung thư, chủ động phát hiện sớm ung thư? và nếu nó xảy ra thì tránh được tuyệt vọng, ngược lại, bình tâm can đảm đối diện với nó, từng bước cải thiện chất lượng sống của cả người bệnh và người nhà?
Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chân thật, sâu sắc về bệnh ung thư cũng như hỗ trợ của xã hội, cộng đồng cho người bệnh ung thư, VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: Hiểu đúng về ung thư
Khách mời:
- PGS.TS Bùi Công Toàn- Phó Giám đốc BV K Trung ương
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Lê Thiện Quang, , Nam - 55 Tuổi
Kính thưa các bác sĩ, tôi bị ung thư thanh quản đã cắt thanh quản bảo tồn cách đây 3 năm. Mỗi lần tái khám tôi đến trung tâm Hòa Hảo nội soi thanh quản theo chỉ định. Xin cho tôi hỏi có cần phải làm thêm gì nữa không để phát hiện trường hợp tái phát. Xin cảm ơn và chúc các bác sĩ sức khỏe dồi dào để cứu bệnh nhân.
PGS.TS Bùi Công Toàn: Với trường hợp của bác, bác nên nội soi bằng "ánh sáng xanh" có tần số thích hợp để đi sâu xuống lớp dưới niêm mạc. Như vậy khả năng phát hiện tái phát sẽ rất lớn. Hiện đại hơn nữa có thể sử dụng nội soi với chất nhậy quang Proporphyrin, giúp làm rõ các tổn thương từ khi còn rất nhỏ. Khi phát hiện các tổn thương này người ta có thể điều trị luôn bằng laser để hủy diệt khối u. Bên cạnh đó, bác nên soi tiếp thanh khí phế quản vì 30% bệnh nhân ung thư thanh quản có ung thư thứ 2 của đường ăn thở trên. Bác cũng nên siêu âm hạch cổ và kiểm tra toàn thân để tìm di căn.
PGS.TS Bùi Công Toàn tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: LAD |
Diệu Hà , Nữ - 28 Tuổi
Xin BS cho biết, ở Hà Nội có chương trình hỗ trợ tâm lý nào cho bệnh nhân ung thư hay không? Mẹ tôi bị ung thư vú giai đoạn III nhưng khi vừa biết tin, bà đã suy sụp, tuyệt vọng và không thiết ăn uống hay điều trị gì cả. Xin cảm ơn BS.
PGS.TS Bùi Công Toàn: Tại Hà Nội, bạn có thể đưa mẹ đến CLB Ung thư Vú do TS Diệu Linh chủ nhiệm, CLB Ung thư Vòm mũi họng do TS Tùng chủ nhiệm để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, bạn nên giúp mẹ tìm hiểu các thông tin về bệnh và giao lưu với các bệnh nhân cùng bị bệnh như mình để cải thiện trạng thái tâm lý của bà.
Loan Trần , Nữ - 33 Tuổi
Xin BS cho biết, những bệnh viện nào có thể khám để phát hiện ung thư cho người dân (khám tổng quát các loại bệnh ung thư hiện nay)?
PGS.TS Bùi Công Toàn: Có tới 200 loại bênh ung thư khác nhau xếp theo nhóm bệnh như ung thư tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu, …Ngay tại bệnh viện ung thư mõi bác sĩ chỉ giỏi 1 nhóm bệnh. Ngay trong 1 nhóm bệnh cũng lại chia ra bác sĩ phẫu thuật, hoá trị, xạ trị … Tại các bệnh viện đa khoa bác sĩ chuyên về tiêu hoá cũng khám được ung thư dạ dày, ung thư gan…nhưng không thể giỏi, không nhiều kinh nghiệm về ung thư não, ung thư hệ tạo máu…Do đó trước hết cần phải định hướng xem ta định khám về cái gì (bộ phận nào) sau đó hướng tới khám ở đâu, khám chuyên khoa nào.
Khám phát hiện sớm là khi bệnh chưa rõ, khối u còn rất nhỏ nên khó khám, cần nhiều xét nghiệm bổ sung và thầy thuốc cao tay. Khi bệnh đã rõ thường là giai đoạn đã muộn. Khám phát hiện ung thư là công việc công phu, tỉ mỉ. Trên toàn thế giới hiện nay không có xét nghiệm nào phát hiện sớm cho mọi loại ung thư. Mỗi bệnh có 1 loại xét nghiệm riêng.
Hiện tại, hệ thống viện ung thư chưa phủ khắp còn khó khăn cho bệnh nhân. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến các bệnh viện chuyên khoa ung thư để kiểm tra. Ngoài ra, bạn nên khám sức khỏe định kì 6 tháng 1 lần để phát hiện các bất thường về sức khỏe.
Huỳnh Ngọc Anh , Nữ - 50 Tuổi
Tôi có người thân bị ung thư vú giai đoạn 3, đã giải phẫu, hóa trị và xạ trị được 11 tháng. Xin hỏi: Trên cánh tay phải (phía ngực bị ung thư và đã nạo hạch nách) có được đeo nhẫn hay trang sức không? Có được cạo gió lên cánh tay này không? Nên hạn chế, kiêng những loại thực phẩm nào? Có được tập thể dục thẩm mỹ như bình thường không? Cần hạn chế những động tác cụ thể nào? Xin cảm ơn.
PGS.TS Bùi Công Toàn: Sau điều trị triệt căn như vậy tay hay bi to ra do toàn bộ hệ thống bạch huyết (dẫn lưu di căn) đã bị lấy bỏ đi hoàn toàn. Sau đó cơ thể phục hồi bằng đường mới. Nếu tay to (chân voi) có bài tập chuyên biệt dành cho bệnh nhân. Bạn nên dẫn người thân đi gặp BS để được tư vấn. Còn nếu tay không to thì mọi sinh hoạt vẫn như bình thường.
Thanh Tú , Nữ - 35 Tuổi
Đông y có chữa được ung thư không thưa BS. Hiện nay tôi thấy khá nhiều quảng cáo ở trên mạng về việc dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Giá các sản phẩm này khá đắt. Vậy chúng có hiệu quả thực sự hay không? Xin BS tư vấn giúp.
PGS.TS Bùi Công Toàn: Đông y và thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Bệnh ung thư phải áp dụng điều trị đa mô thức, tức là phải phối hợp nhiều phương pháp mới điều trị được. Ung thư gồm có tại chỗ (khối u) - điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật; di căn tại vùng - hạch: điều trị chủ yếu bằng xạ trị; di căn xa: điều trị chủ yếu bằng hoá trị. Như vậy ta có thể thấy một mình Đông y không thể chữa khỏi bệnh ung thư được. Thông thường sẽ sử dụng Đông y để phục hồi sức khỏe sau khi điều trị Tây y vốn rất tổn hại đến sức khỏe chung.
Lệ Hà , Nữ - 36 Tuổi
Để hết sợ ung thư phải làm cách nào thưa BS? Tôi thấy khá sợ ung thư vì chẳng biết gì về nó cả, trong khi thông tin trên mạng thì tràn lan không chính thống. Vậy ở Việt Nam có nguồn tin nào đáng tin cậy để người dân tìm hiểu về căn bệnh, cách thức điều trị căn bệnh này? Xin cảm ơn BS.
PGS.TS Bùi Công Toàn: Câu hỏi rất đúng, bạn đã tự trả lời rồi: muốn không sợ thì phải hiểu về căn bệnh này. Nhiều khi rất hiểu nhưng vẫn sợ. Đó cũng là sợ đúng thôi bởi căn bệnh này vốn rất khó chữa.
Bản chất thông tin là đa chiều, khi đã đủ hiểu biết ta có thể tự sàng lọc được. Tuy nhiên, khoa học luôn biến động, đúng sai là tương đối. Bởi vậy, khi tìm hiểu các thông tin về ung thư, bạn nên tìm các địa chỉ tin cậy, các thông tin được Hội đồng khoa học kiểm duyệt như website của bệnh viện K, tạp chí ung thư, tạp chí Y học thực hành… Đương nhiên là những thông tin này tương đối khó đọc. Bạn cũng có thể vào phần hỏi đáp của website bệnh viện K để tìm hiểu các câu hỏi thường gặp và hỏi những vấn đề bạn còn thắc mắc, các BS viện K sẽ giải đáp các thắc mắc này. Thông thường hàng tháng chúng tôi nhận được 100 câu hỏi và đều được trả lời thỏa đáng cho từng cá nhân.
PGS.TS Bùi Công Toàn đang giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet |
Nguyễn Minh Tâm , Nam - 38 Tuổi
Xin được hỏi bác sĩ một câu hỏi như sau: Nếu muốn phát hiện và biết
được ung thư sớm thì tôi có thể đến các Bệnh viện nào để khám và kiểm tra? Xin
cảm ơn bác sĩ và Chương trình
PGS.TS Bùi Công Toàn: Hiện nay có khoảng 200 loại bênh ung thư khác
nhau xếp theo nhóm bệnh như ung thư tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu… Ngay cả tại BV
chuyên khoa ung thư mỗi bác sì chỉ giỏi 1 nhóm bệnh. Ngay trong 1 nhóm bệnh lại
chia ra bác sĩ phẫu thuật, hoá trị, xạ trị … riêng biệt.
Tại các bệnh viện đa khoa, bác sĩ chuyên về tiêu hoá cũng có thể khám được
ung thư dạ dày, ung thư gan…nhưng không thể giỏi, không thể nhiều kinh nghiệm về
ung thư não, ung thư hệ tạo máu…do đó trước hết cần phải định hướng xem ta định
khám về bộ phận nào sau đó hướng tới khám ở đâu, khám chuyên khoa nào.
Khám phát hiện sớm là khi bệnh chưa rõ, khối u còn rất nhỏ nên khó khám,
cần nhiều xét nghiệm bổ xung và thầy thuốc đầy đủ kinh nghiệm. Khi bệnh đã rõ
thường là giai đoạn đã muộn.
Đây là công việc công phu, tỉ mỉ. Trên toàn thế giới hiện nay không có xét
nghiệm nào phát hiện sớm cho mọi loại ung thư. Mỗi bệnh có 1 loại xét nghiệm
riêng để phát hiện sớm. Nhu cầu phát hiện sớm là rất lớn nhưng hiện nay hệ thống
viện ung thư chưa phủ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đó là
1 thực tại còn khó khăn.
Hồng Anh , Nữ - 37 Tuổi
Mỗi năm tối thiểu có 125.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử
vong do ung thư, gấp 9 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Xin
chuyên gia cho biết, lí do gì khiến người Việt đang ‘chết mòn’ vì ung thư?
PGS.TS Bùi Công Toàn: Thông tin 125.000 ca mới mắc là thông tin đã
cũ cách đây 3 năm. Hiện nay là 135.000 ca. Như vậy ta thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc
bệnh ung thư tăng lên rất nhanh và không ngừng. Lý do khiến người Việt đang
"chết mòn" vì ung thư là do chưa loại bỏ được những nguyên nhân gây ung thư, khả
năng điều trị, khả năng phòng chống loại bệnh này.
Như chúng ta đã biết, mô hình bệnh tật gắn liền mô hình kinh tế. Với các
nước kinh tế chậm phát triển thường gặp các bệnh truyền nhiễm, các nước đang
phát triển thường gặp ung thư, bệnh nội tiết, còn các nước phát triể thường gặp
bệnh tim mạch, tinh thần kinh. Như vậy, nước ta là nước có nền kinh tế đang phát
triển ở mức cao, bệnh ung thư thường gặp là đương nhiên.
Theo các thống kê ung thư tại VN, dự kiến mỗi năm tăng 10%, như vậy sau 5
năm tỷ lệ bệnh ung thư sẽ tăng gấp rưỡi và sau 10 năm tăng gấp đôi. Chính vì lý
do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phòng
chống các bệnh không lây nhiễm trong đó hàng đầu là bệnh ung thư. Tiếp theo đó
Bộ Y tế đã có Chương trình Bệnh viện vệ tinh nhằm đưa kiến thức chuyên khoa đến
tất cả 63 tỉnh thành.
Minh Nhật , Nam - 40 Tuổi
PGS.TS Bùi Công Toàn: Về những ngôi làng ung thư, trước hết tại Việt Trì ngay khi xuất hiện thông tin, Bệnh viện K đã cùng Cục Y tế dự phòng xuống tận nơi kiểm tra cho thấy tỷ lệ ung thư nằm trong giới hạn chung. Nhưng có một nghiên cứu khác của Viện Lao và bệnh Phổi Trung Ương điều tra tại Bát Tràng nơi có rất nhiều lò gốm cho thấy tỷ lệ ung thư phổi cao hơn hẳn so với các nơi khác.
Còn về vấn đề thực phẩm bẩn đó là điều chắc chắn. Không những chúng ta hiểu mà mọi người VN đều hiểu điều đó. Viện Nghiên cứu Ung thư VN đã khuyến cáo 30% nam giới và 60% nữ giới bị ung thư có liên quan đến thực phẩm. Tương tự Viện Nghiên cứu thực phẩm của Anh cho rằng thực phẩm liên quan từ 55 - 70-% số ung thư, con số này tại Mỹ là 33 - 50%.
Việc kiểm tra những yếu tố độc hại đến cơ thể, đặc biệt gây ung thư là rất khó khăn và rất tốn kém. Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết, để kiểm tra 1 chỉ tiêu nước Mỹ phải chi trả 3 triệu USD/năm. Hiện nay nước Mỹ chỉ quy định 200 loại chỉ tiêu khác nhau. Như vậy ta thấy việc kiểm tra ATTP là rất khó khăn.
Tuấn Vũ , Nam - 32 Tuổi
Tôi nghe nói, ung thư có thể do môi trường sống, đột biến gen, và do di truyền, BS Toàn cho thể cho biết nguyên nhân nào là chính yếu. Bố tôi bị ung thư đại tràng thì khả năng người trong gia đình tôi bị ung thư có cao không ạ? Xin cảm ơn BS
PGS.TS Bùi Công Toàn: Nguyên nhân này chính với bệnh này, nguyên nhân khác với bệnh khác. Có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân: nguyên nhân mắc phải và nguyên nhân nội sinh. Nguyên nhân mắc phải như do nhiễm virus do uống rượu, hút thuốc... Nguyên nhân nội sinh là do đột biến gen có sẵn trong cơ thể mình, thậm chí mới sinh ra đã bị ung thư. Loại nguyên nhân thứ 2 không thể phòng tránh được.
Đột biến gen là hậu quả cuối cùng, qua 3 quá trình đột biến khác nhau để hình thành nên tế bào ung thư. Ung thư đại tràng thì khả năng người trong gia đình bị ung thư cao hơn hẳn (có ý nghĩa) so với gia đình không bị bệnh này.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet