Tu viện Khánh An (phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) nổi tiếng với nét kiến trúc Á Đông, không gian xanh mướt cỏ cây. Đây là nơi thu hút người dân tới chiêm bái, lễ chùa, nhiều người trẻ tìm tới tham dự các khóa tu ngắn ngày, nghe thuyết pháp.

Tu viện Khánh An nổi bật với tông màu đỏ bắt mắt và phong cách kiến trúc ấn tượng, được nhiều người ví như "góc Nhật Bản thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn" hay "đẹp như những ngôi chùa xứ Phù Tang", thu hút du khách tới ngắm cảnh, chụp ảnh.

(Ảnh: Tu viện Khánh An)

Theo Thượng tọa Thích Trí Chơn, viện chủ tu viện Khánh An: Ban đầu đây là một am nhỏ do Tổ sư Trí Hiền xây dựng năm 1905 để tu niệm, bao quanh là đồng, ao, ruộng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây từng là nơi tập hợp của nhiều chiến sĩ yêu nước rồi nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá. 

Sau những năm 2000, tu viện được trùng tu nhiều lần. Ngày 27/7/2007, tu viện Khánh An được UBND TP.HCM công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố. Tu viện hoàn thiện như hiện tại vào năm 2016. Theo tìm hiểu, tu viện được xây dựng hoàn toàn theo phong cách chùa cổ của người Việt, mang phong cách của Phật giáo Bắc Tông, đậm nét kiến trúc Á Đông. 

(Ảnh: Tu viện Khánh An)

Thượng tọa Trí Chơn lý giải, nơi đây được gọi là tu viện vì muốn nói giảm thiểu đi sắc màu của tín ngưỡng, của tôn giáo. Có nghĩa, đây là nơi tu của tất cả mọi người, từ người xuất gia, Phật tử hay người tu tại gia. 

Tu viện được tạo nên từ những gam màu chủ đạo như: màu xám của ngói, màu nâu đỏ của gạch, màu trắng của vôi, màu vàng - màu của những hoa văn tượng trưng cho chất liệu đồng... Tu viện Khánh An không có những hình tượng rồng, phượng hoặc các họa tiết trang trí màu sắc sặc sỡ như nhiều ngôi chùa khác ở phương Nam bởi đây vốn thuộc về văn hoá cung đình.

(Ảnh: Tạ Nguyễn Hữu Toàn)

Khu vực nhà tăng và khách đường khiến nhiều người liên tưởng tới những ngôi chùa Nhật Bản bởi kết cấu bằng gỗ hoặc sơn màu giả gỗ cùng đường sắc thái màu đỏ thường thấy trong kiến trúc của xứ Phù Tang.

Tu viện có khuôn viên rộng, rất nhiều cây xanh lớn nhỏ đan xen, khiến du khách ghé thăm cảm thấy mát mẻ, dễ chịu. Quanh khuôn viên đặt những chiếc đèn làm bằng gỗ và giấy hình lục giác. Xung quanh dãy hành lang, khu chánh điện, nhà tăng... được treo nhiều loại đèn lồng, thắp sáng vào ngày rằm, giỗ Tổ hay các khóa tu thiền... 

(Ảnh: Tạ Nguyễn Hữu Toàn)

Anh Tạ Nguyễn Hữu Toàn (29 tuổi, TP.HCM) từng có duyên ghé thăm tu viện Khánh An. "Bước vào tu viện, mọi sự ồn ào, huyên náo của thành phố dần được tan biến, thay vào đó là sự bình yên, thư thả. Giữa thành phố "không ngủ" này, thật khó để tìm thấy một nơi bình yên với kiến trúc đẹp đến vậy", anh Toàn chia sẻ.

(Ảnh: Tạ Nguyễn Hữu Toàn)

Nơi đây thu hút nhiều du khách tới tham quan, chiêm bái, chụp hình. Tu viện Khánh An cũng nổi tiếng với các khóa tu Sống tỉnh thức được tổ chức đều đặn, thu hút từ 500 - 1.000 người tham dự, và thường xuyên có các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

(Ảnh: Tu viện Khánh An)