Có những ý kiến cho rằng game show (được phát trên những kênh truyền hình địa phương) nhằm phục vụ mục đích giải trí thuần túy, có thể không đi theo những quy định khắt khe, chuẩn mực của những chương trình lên sóng truyền hình quốc gia.
Tuy nhiên, với sự phổ biến của hệ thống truyền hình hiện nay, kênh quốc gia hay kênh địa phương không còn là ranh giới phân biệt người xem nữa. Trên hết, dù là kênh nào, giờ phát sóng nào, chương trình truyền hình - trong đó có game show - cũng phải tuân thủ những quy định được đề ra về mặt hình ảnh, nội dung.
Đồng thời, ê-kíp biên tập các game show cũng nên cân nhắc việc dán nhãn độ tuổi người xem, tránh để nội dung hoặc hành động của nhân vật trong chương trình làm ảnh hưởng tới khán giả nhỏ tuổi.
Kéo chân, hất thức ăn hay tát nhẹ vào mặt đồng nghiệp là hài hước?
Cảnh chạm môi của Lâm Vỹ Dạ và Ninh Dương Lan Ngọc trong 7 nụ cười xuân đã gây ra ý kiến trái chiều. Trước đó, chương trình cũng nhiều lần đưa phần nội dung dàn nghệ sĩ cưỡng hôn nhau, cả đồng giới và khác giới, lên sóng truyền hình.
Lan Ngọc và Lâm Vỹ Dạ vấp phải ý kiến trái chiều khi chạm môi trên truyền hình. |
Thực tế, chạm môi không hẳn là hành động quá xấu hay phản cảm, nhất là với những quốc gia có văn hóa chào hỏi là ôm hôn. Tuy nhiên, Việt Nam không có truyền thống tương tự, và chạm môi giữa hai nữ nghệ sĩ cũng không nhằm mục đích chào hỏi. Thêm vào đó, cảnh quay trên được phát sóng trên truyền hình, đối tượng khán giả bao gồm cả trẻ em - độ tuổi còn khá "non" và có thể bị "choáng" nếu bất ngờ nhìn thấy cảnh quay trên.
Đây cũng không phải số phát sóng duy nhất hay chương trình đầu tiên gây tranh cãi vì có những hành động có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của trẻ em. Ví dụ, cũng trong 7 nụ cười xuân, Trường Giang có cảnh đánh nhẹ vào mặt Thúy Ngân và chê cô hát dở. Nhiều dân mạng tỏ ra bất bình trước hành động trên.
"Chương trình 7 nụ cười xuân có cảnh Trường Giang tát nhẹ Thúy Ngân, tôi thấy quá đáng lắm. Dẫn chương trình kém duyên, hay o ép người khác, muốn làm gì thì làm sao? Nếu trẻ em học theo cảnh đó, tự nhiên đánh bạn bè vì nghĩ trên tivi làm được không có vấn đề gì thì sẽ thế nào?", khán giả có tên Trang bày tỏ quan điểm.
Hay trong trò chơi Bịt mắt bắt dê ở tập 2 mùa 4 chương trình 7 nụ cười xuân, Trương Thế Vinh đã kéo chân và lôi Lan Ngọc trượt trên mặt sàn khi nữ diễn viên đang mặc váy ngắn. Trong một số tập khác, khách mời và MC nữ đôi khi túm áo, kéo váy nhau, dù có thể là hành động vô tình trong lúc vận động.
Lâm Vỹ Dạ là nghệ sĩ thường bị khán giả phê bình vì hành động "lố", kém duyên khi tham gia game show. Cô bị nhiều người chỉ trích vì hất thức ăn lên người Puka trong 7 nụ cười xuân hay bực tức, xô đổ đồ đạc khiến Ngân Khánh "đứng hình" trong show Khuôn mặt đáng tin.
Lâm Vỹ Dạ đổ thức ăn lên người Puka, xô đổ đồ đạc vì tức giận với Ngân Khánh. |
Ngoài ra, trong các game show khác, nghệ sĩ Việt tham gia có xu hướng chọc cười khán giả bằng cách trêu đùa, chê bai ngoại hình của đồng nghiệp, hoặc "chặn họng" nhau bằng những lời nói khá cục cằn, mang tính mạt sát.
Không chỉ "chặt chém" nhau bằng lời nói, khách mời game show đôi khi còn chơi khăm đồng nghiệp khi tham gia các trò chơi vận động, thể chất. Không ít khán giả đặt vấn đề rằng trẻ em sẽ nhìn nhận, tiếp thu những phân đoạn body shaming, mạt sát, chơi khăm hay đụng chạm nhau của nghệ sĩ thế nào, đặc biệt khi chính khán giả trưởng thành còn thấy lấn cấn khi xem?
"Game show bây giờ quá nhiều, nhưng văn minh không cao. Không phải cứ làm cái gì cười cũng được. Con trẻ xem cùng cha mẹ sẽ suy nghĩ như thế nào, không ai đoán được. Có những trò chơi thiếu văn hóa, mất vệ sinh. Một số nghệ sĩ có ý thức giữ gìn hình ảnh, còn một số khác thì kém duyên", độc giả Nguyễn Thùy Dung nhận xét.
"Tôi thật sự lo lắng việc trẻ em có thể xem được bất cứ thứ gì, từ tốt đẹp đến có thể gây ảnh hưởng tâm lý, nhận thức và hành động trên truyền hình. Các đơn vị sản xuất dường như quên mất vẫn còn một bộ phận khán giả nhí chưa đủ tuổi để nhận thức và suy xét hành động là đúng hay sai khi theo dõi chương trình của họ", khán giả Hải Tú đưa ra quan điểm.
Trẻ em cần được bảo vệ khi xem truyền hình
Lo lắng của các bậc phụ huynh có con em thường xuyên theo dõi game show truyền hình không phải quá vô lý. Nhưng thực tế, khán giả không hẳn yêu cầu các nhà sản xuất ngừng game show, thay vào đó, họ chỉ cần "dán nhãn".
Độc giả tên A.N. chia sẻ: "Tôi cho rằng chỉ cần có phần nhắc nhở về giới hạn độ tuổi có thể theo dõi chương trình là được. Ví dụ, show này có những trò chơi, hành động không phù hợp với trẻ em dưới 10 tuổi, hay show kia chỉ hợp phát sóng cho đối tượng trên 16 tuổi".
Khán giả bức xúc khi Trường Giang tát Thúy Ngân trong 7 nụ cười xuân. |
Một khán giả khác có biệt danh J.J cũng đồng tình quan điểm trên. Cô chia sẻ với Zing: "Truyền hình nước ngoài đã phân loại đối tượng khán giả, 'dán nhãn' cho các show từ lâu rồi, sao Việt Nam chưa học theo? Hoặc nếu chương trình có những đụng chạm thân mật, hành động dễ gây hiểu lầm, sao không biên tập kỹ hơn ngay từ đầu và chọn khung giờ phát sóng muộn hơn?".
Năm 2016, cơ quan chức năng đã ban hành Luật trẻ em, trong đó có điều khoản quy định về việc dán nhãn chương trình không phù hợp với trẻ em. Điều 46 trong luật nêu rõ: "Các cơ quan thông tin xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng".
Như Luật trẻ em đã quy định, nội dung chương trình truyền hình và báo chí không phù hợp với trẻ em phải được dán nhãn, hoặc chọn thời điểm phát sóng phù hợp.
Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin - Truyền thông có hiệu lực từ ngày 1/10/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Theo đó, các nội dung truyền hình và báo chí phải đưa ra nội dung cảnh báo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết. Nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em, cha mẹ, người lớn trong gia đình cần xem xét, hướng dẫn trẻ em khi theo dõi.
Việc "dán nhãn" chương trình truyền hình là việc các quốc gia trên thế giới đã thực hiện một cách nghiêm ngặt từ lâu. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có một biện pháp khác khi game show truyền hình của xứ kim chi có tình huống phát sinh, chẳng hạn nghệ sĩ vô tình đụng chạm nhau hay sự cố trang phục. Đó là che chắn bằng sticker.
Game show ở Hàn Quốc thường che cảnh đụng chạm giữa các nghệ sĩ, khách mời bằng sticker, hoặc làm mờ. |
Trước đó, bình luận về cảnh chạm môi của Lan Ngọc và Lâm Vỹ Dạ, khán giả Nguyễn Văn Lực viết: "Tôi lấy ví dụ chương trình Running Man của Hàn Quốc. Đây vốn là dành cho khán giả trên 12 tuổi, những chỗ không phù hợp sẽ được làm mờ hoặc cắt bỏ".
"Hiện tại Running Man đã nâng rating lên mức 15+ do nhiều lần có những câu đùa và trò chơi không phù hợp cho trẻ dưới 15 tuổi", khán giả Mie Meo bổ sung.
Không chỉ có Running Man, hầu hết show lên sóng truyền hình tại xứ kim chi đều được biên tập theo cách trên. Trước mỗi chương trình, nhà đài đều để cảnh báo rating kéo dài từ 5-10 giây. Hay dưới những cảnh hành động nguy hiểm hoặc vở diễn tình huống có thể gây hiểu nhầm, ê-kíp luôn để những dòng cảnh báo như "Đây là cảnh nguy hiểm, không làm theo", "Không tự ý thực hiện khi không có chuyên gia" hay "Tình huống giả định"... Truyền hình Hoa ngữ cũng có cách làm tương tự.
Có thể thấy, các đơn vị sản xuất của truyền hình quốc tế nói chung, hai nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc nói riêng đã ý thức về việc đặt rating, che hình ảnh không phù hợp để bảo vệ đối tượng khán giả nhỏ tuổi từ lâu. Tại Việt Nam, dù có quy định từ lâu nhưng nhiều chương trình, game show dường như vẫn đang làm việc qua loa trong quy trình kiểm duyệt, biên tập.
(Theo Zing)
NSND Lê Khanh xin lỗi khán giả, thừa nhận không phù hợp với gameshow
"Tôi phải nhận lỗi trước khán giả rằng tuy lên truyền hình là vậy, nhưng tôi không đạt tới sự lý tưởng. Mọi người đã đặt sự kỳ vọng ở mình nhiều nhưng tôi chưa thỏa mãn được...", NSND Lê Khanh chia sẻ.