Con đường âm nhạc tối 27/11 do Ban Văn Nghệ Đài THVN phối hợp với công ty Mỹ Thanh tổ chức với chân dung âm nhạc Tùng Dương để lại nhiều cảm xúc cho khán giả xem truyền hình.
Cũng trong chương trình, Tùng Dương có dịp trải lòng về ký ức tuổi thơ và người có ảnh hưởng đến anh nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Tùng Dương cho biết, lúc 4 tuổi anh đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Vì thế bố anh chính là người biết con trai có năng khiếu âm nhạc nên đã cho Tùng Dương học nhạc và tham gia biểu diễn tại rất nhiều cuộc thi hát của lứa tuổi nhi đồng và giật nhiều giải thưởng, mặc dù thời đó cát xê chỉ là gói kẹo, bát phở.
Tùng Dương - nhân vật chính của Con đường âm nhạc tháng 11. |
Thế nhưng người có ảnh hưởng đối với nam ca sĩ là cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Anh kể: "Tôi có một tuổi thơ rất êm ả khi sống xa bố mẹ chục năm nhưng được sống trong tình yêu thương của gia đình hai bác ở nhà. Bố mẹ luôn luôn quan tâm biết nguyện vọng giấc mơ làm nghệ sĩ của con và đã tạo điều kiện để Tùng Dương đi học và thi vào Nhạc viện. Một trong số những người cũng đã tác động đến Tùng Dương rất nhiều đó chính là ông trẻ - cố nhạc sĩ Trần Hoàn.
Trong một lần ông nghe Tùng Dương hát, ông bảo: Thằng bé này hát được, giọng tốt, mỗi tội bé như cái kẹo như thế này sao mà có thể có sức khoẻ để hát được. Nghệ thuật rất là chông gai nếu cháu không tập luyện sau này sẽ không thể theo đuổi được nghệ thuật. Tôi luôn luôn tâm niệm lời nói của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và đến bây giờ rất vững vàng và luôn luôn biết được cuộc sống cần đạt được những vinh quang đỉnh cao thường phải rèn luyện và vượt qua thử thách khó khăn khắc nghiệt".
Với Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn, Quê nhà, Mẹ tôi của Trần Tiến, giọng hát Tùng Dương vẫn nồng cháy, khắc khoải với những gam sắc vô cùng khác biệt.
Nói về nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tùng Dương vẫn khắc ghi sự trân trọng, biết ơn: “Cuộc đời đã cho Tùng Dương những mối duyên trong âm nhạc, những cuộc gặp gỡ rất thú vị, thi vị trong âm nhạc. Một lần Dương hát trong một chương trình, anh Lê Minh Sơn ngồi dưới nghe và anh thốt lên: Thằng bé này hát hay quá! Anh phát hiện ra tôi và chủ động đưa bài hát Ôi quê tôi. Tôi rất vui khi nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã chuẩn bị bài để mình có hành trang bước vào Sao Mai. Mặc dù sau này tôi hợp tác với rất nhiều người nhưng vẫn rất trân trọng quãng thời gian đó đã có mối duyên cộng tác với nhạc sĩ Lê Minh Sơn".
Tùng Dương được ví như 'chú hổ trên sân khấu, đầy máu lửa và đam mê, không sợ hãi, không có giới hạn''. |
Bước vào miền âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến với 3 ca khúc Quê Nhà, Mẹ Tôi, Mưa bay tháp cổ, Tùng Dương vẫn thăng hoa trong miền âm nhạc của Trần Tiến như cách anh vẫn thường hát. Trần Tiến chia sẻ về Tùng Dương: “Có một ngày, một chàng trai trẻ đến xin tôi bài Quê nhà và nói con là Tùng Dương, con đến để xin bài Quê nhà để mang đi thi Tiếng hát truyền hình. Bài này là một bài tự sự không có đất để diễn thế nhưng cậu ấy vẫn cứ hát, và bài hát đã thành công dữ dội, chàng trai trẻ đã ẵm giải nhất Tiếng hát truyền hình năm đó.
Lý do duy nhất là chàng trai đã không diễn mà để cho trái tim tự nức nở với khán giả, nghệ thuật vốn là duyên trời nếu chúng tôi không vô tình gặp nhau, khán giả sẽ chẳng có ai biết tôi có bài Quê nhà, Mẹ tôi đã cất giấu chục năm mà cũng chẳng ai biết có một chàng trai trẻ cá tính, bướng bỉnh và độc lập dám hát những bài hát không có tính sân khấu, lên sân khấu làm cho nhiều người rơi nước mắt”.
Và đúng là chẳng giống ai, Tùng Dương khác biệt và độc đạo. Và chính vì như vậy nên anh có giai đoạn đi xin nhưng không có một bầu show nào đồng ý. Vì hát dòng nhạc kén người nghe quá. Đến bây giờ thì cá tính âm nhạc vẫn như vậy, chỉ thích chinh phục những bài hát khó.
Có lẽ bởi vậy mà Tùng Dương cũng không tránh được sự cô đơn: “Dương nghĩ rằng sự cô đơn luôn tồn tại trong bản thân của người nghệ sĩ, nó rất thú vị. Quan trọng chúng ta gặm nhấm nó, đưa nó trở thành những động lực tinh thần cho âm nhạc cho nghệ thuật thì những điều cô đơn đó sẽ rất đẹp".
Con đường âm nhạc tháng 11 do Ban Văn Nghệ Đài THVN phối hợp với công ty Mỹ Thanh tổ chức. MC Mỹ Vân dẫn dắt chương trình. |
Với một người thông minh và tính toán giỏi đặc biệt luôn thích đi chinh phục cái mới, Tùng Dương đã luôn luôn “chuyển động" trong tư duy âm nhạc. Cũng chính bởi khả năng hát đa dạng nên Tùng Dương luôn khiến cho những cộng sự của mình an tâm khi “giao phó” âm nhạc và hợp tác cùng anh. Với nhạc sĩ Giáng Son, chị vô cùng an tâm khi giao bài hát của mình cho một ca sĩ chuyên nghiệp như Tùng Dương.
"Không ngại biến hoá mình vào bất cứ một thể loại âm nhạc nào. Pop, Blue, jazz, rock… thậm chí là những ca khúc gần đây là những ca khúc trẻ dù không phải sở trường của Dương. Khi đem một ca khúc mới cho một ca sĩ như Tùng Dương thì tôi cảm thấy rất yên tâm vì Tùng Dương là một ca sĩ có khả năng tự gỡ bài mà không cần đến nhạc sĩ"- Giáng Son nói.
Ở Con đường âm nhạc dù lần đầu hát Giấc mơ trưa nhưng Tùng Dương đã chứng tỏ sự biến báo điêu luyện khi thể hiện chiều sâu nội tâm, cảm xúc thông qua giọng hát trầm khi bổng, lúc mạnh mẽ khi lại du dương, nhẹ nhàng với tác phẩm nổi tiếng được viết nên bởi Nguyễn Vĩnh Tiến và Giáng Son.
Khán giả không ít lần ngạc nhiên khi Tùng Dương có thể hát hay nhiều thể loại âm nhạc. Một bài hát vào tay anh, nó sẽ có một phẩm chất mới trong số phận của chính nó. Nó sẽ được phát hiện lại, được sinh ra một lần nữa.
Ví như hiện tượng Chiếc khăn Piêu trước kia hay mới đây là Ngày chưa giông bão là ví dụ điển hình. Hai ca khúc này được thể hiện lại trong Con đường âm nhạc tháng 11 và Tùng Dương một lần nữa minh chứng anh đủ giỏi để biến một ca khúc hit của người khác trở thành một bản hit với phiên bản của riêng mình không thể hoàn hảo hơn.
Tùng Dương chia sẻ: “Tùng Dương vẫn luôn luôn là con đường độc đạo, độc đạo không có nghĩa mình bảo thủ, không có nghĩa rằng mình chỉ biết bản thân và nghĩ mình là một cái gì đó nó rất ghê gớm, độc chiêu, độc tôn. Dương thấy các bạn trẻ rất nhiều người giỏi, cá tính và Dương muốn giao lưu với thế hệ của các bạn. Dương luôn rộng mở và mang tinh thần học hỏi, trân trọng những nghệ sĩ trẻ. Muốn được cộng tác với những bạn nghệ sĩ trẻ vì họ mang cho mình sự tươi mới, nguồn năng lượng mới".
Khép lại Con đường âm nhạc với hành trình hơn 20 năm ca hát chuyên nghiệp, Tùng Dương thể hiện Mang Thai (Sa Huỳnh), Trời và Đất, Con cò (Lưu Hà An). Dù là một chương trình biểu diễn truyền hình song chân dung âm nhạc của Tùng Dương vẫn thể hiện sự đa diện, mới mẻ. Và tất nhiên, với Tùng Dương anh sẽ còn chuyển động trong âm nhạc và đau đáu với hai từ sáng tạo. Bởi Tùng Dương luôn luôn tìm thấy được bên trong mình mỏ quặng, những điều tiềm ẩn sẽ được phát tiết để sản sinh những sản phẩm độc đạo, hấp dẫn, riêng biệt và chinh phục những người chưa hiểu, chưa yêu âm nhạc của Tùng Dương sẽ dành một góc yêu thương âm nhạc và con người Tùng Dương ở trong trái tim họ.
Những chia sẻ của nghệ sĩ Nguyên Lê trong phóng sự phát ở Con đường âm nhạc của Tùng Dương chính xác và thấm thía. Ông ví nam ca sĩ như ''chú hổ trên sân khấu, đầy máu lửa và đam mê, không sợ hãi, không có giới hạn và quý từng giây trên sân khấu như thể đó là những giây cuối cùng của cuộc đời'.
Tùng Dương hát 'Giấc mơ trưa'
Trần Đạt
Ảnh, clip: Hoà Nguyễn
Tùng Dương: Hai chữ sáng tạo ám ảnh tôi cho đến lúc chết
"Tôi luôn tự nhủ mình phải bình tĩnh để tĩnh tại, để học cách thích nghi với hoàn cảnh sống. Chính vì vậy, 2 năm Covid không làm ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong âm nhạc", Tùng Dương chia sẻ.