Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh là ai?

Dương Minh Tuyền (SN 1986, trú tại phường Kinh Bắc, TP.Bắc Ninh), nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh “thánh chửi”.

Có biệt danh trên bởi Tuyền thường đăng tải những clip bình luận về các sự kiện, nhân vật đang gây chú ý. Tuyền trở thành một hiện tượng của mạng xã hội khi lượng người theo dõi các trang cá nhân của nam thanh niên này tăng liên tục.

{keywords}
Dương Minh Tuyền xuất hiện tại Hưng Yên để động viên nữ sinh bị bạo hành (Ảnh cắt từ video)

Gần đây nhất, 'thánh chửi' Dương Minh Tuyền lại xây xôn xao khi đến Hưng Yên vào ngày 31/3, để thăm hỏi, hỗ trợ nữ sinh bị bạo hành trong lớp học với số tiền 10 triệu đồng. 

Trước đó năm 2017, “thánh chửi” này đã từng phải ‘bóc lịch’ với mức án 32 tháng tù giam, trong đó 26 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, 6 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”.

Mặc dù có quá khứ như vậy, nhưng một bộ phận giới trẻ lại tung hô Dương Minh Tuyền như người hùng. Tháng 9/2018, khi Dương minh Tuyền ra tù, nhiều bạn bè thân thiết đã kéo ô tô đến đón. Trước cảnh tượng trên, Tuyền tay ôm bó hoa gửi lời chào đến bà con và nói: “Tôi đã trở về”, đồng thời hứa hẹn gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian tới.

{keywords}
Khá Bảnh đăng tải ảnh dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc

Ngoài Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá, ở Bắc Ninh) cũng là một nhân vật tạo nhiều ‘sóng gió’ trên các diễn đàn mạng. Khá Bảnh nhiều lần vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Tháng 4/2019, Khá Bảnh đăng tải một video clip lên trang Youtube với tựa đề: ‘Anh Bảnh đi xe bị ngã, nên bực mình đốt xe luôn’. Trong clip, Khá Bảnh rủ bạn của mình dùng gậy sắt đập nát và đổ xăng đốt xe. Vụ việc này khiến Khá Bảnh bị công an triệu tập lên làm việc.

Trước đó vào 3/2019, Khá Bảnh cũng đăng ảnh dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc nên phải đóng tiền phạt 5,5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thời hạn 2 tháng.

Thanh niên này cũng thường xuyên có những clip, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc.

Đặc điểm chung của hai nhân vật này là sở hữu lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội. Dưới mỗi video, clip đăng tải không ít bạn trẻ dùng những lời có cánh tung hô các hành vi của họ. Các nhân vật này cũng được chào đón rầm rộ tại một số nơi.

Cụ thể, khi xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái, Khá Bảnh được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một 'ngôi sao'.

‘Cái xấu dễ lan truyền hơn điều tốt đẹp'

Lý giải nguyên nhân thay vì hâm mộ những người nổi tiếng hay KOLs (Key Opinion Leader: những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được nhiều người biết đến), giới trẻ lại thần tượng những thanh niên giang hồ, Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định, những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt với những người ở độ tuổi chưa phân biệt được cái tốt, cái xấu.

{keywords}
Khá Bảnh được nhiều học sinh chào đón khi xuất hiện tại một trường THPT ở Yên Bái

‘Quan niệm của một bộ phận giới trẻ về cái đẹp, lý tưởng thẩm mỹ chưa đúng nên họ thấy cái gì lạ thì đều bị hấp dẫn. Đây không phải điều cá biệt bởi trước đó, tôi còn biết có bộ phận giới trẻ còn thần tượng các nhân vật như Lệ Rơi…’, ông Trịnh Trung Hòa nói.

Theo chuyên gia tâm lý này, hiện tượng trên là một điều đáng buồn, đáng lo ngại khi giới trẻ bị sức hút của những điều lệch chuẩn xã hội lôi kéo dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa khẳng định: ‘Thế hệ trẻ chạy theo thần tượng lệch chuẩn sẽ là điều nguy hại cho xã hội. Không chắc giới trẻ có mô phỏng hành vi không nhưng đáng ra phải lên án lại ngưỡng mộ.

Khi hành vi sai bị lên án, những kẻ làm việc xấu phải dè chừng. Nhưng nếu được tung hô, khuyến khích những hành vi lệch chuẩn đó sẽ bị nhân rộng’.

GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa - Du lịch, cũng phân tích: Xã hội có nhiều tầng lớp và nhiều cảm xúc, xu hướng khác nhau. Một nhóm người trong xã hội có cảm xúc thần tượng những người liều lĩnh, có hành vi khác biệt.

Nhóm người này thường thích xem phim ảnh, video có tính chất bạo lực, nổi loạn. Nhóm người trẻ khi thấy ngoài đời thực xuất hiện một vài cá nhân giống như vậy nên đem lòng ngưỡng mộ, tung hô.

Phần lớn fan của những 'băng nhóm trên MXH' là những người trẻ đang trong giai đoạn khẳng định bản thân và chưa đủ sự thẩm thấu về giá trị chuẩn mực.

‘Từ sự ngưỡng mộ này xuất hiện 2 trường hợp. Một số bạn trẻ từ đấy rút kinh nghiệm để không rơi vào các hành vi đáng lên án trên. Nhưng cũng có một số bạn trẻ không thoát ra khỏi cảm xúc đó  sẽ mô phỏng theo hành vi như vậy. Đặc biệt lứa tuổi đang lớn khi chưa vũng vàng về nhận thức’, GS.TS Vũ Gia Hiền nói.

‘Thế hệ trẻ cần sự giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Nhà trường cũng nên thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho các em những điều tốt đẹp. Thay vì những tấm gương xa vời, có thể dẫn chứng cho các em những câu chuyện gần gũi, ngoài đời thực. Sự chân thành, giản dị sẽ dễ dàng đi vào lòng người’, các chuyên gia trên nhận định.

Quý ông đi ô tô tranh nhau 'hôi hoa' giữa phố Hà Nội

Quý ông đi ô tô tranh nhau 'hôi hoa' giữa phố Hà Nội

 GS.TS Vũ Gia Hiền nhận định, người “hôi hoa” không xuất phát từ việc thiếu thốn mà muốn làm đẹp. Nhưng họ lại hành động bằng một hành vi rất xấu.

Ngọc Trang