Sự việc tung tin đồn thất thiệt chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà bị bắt gây thiệt hại rất lớn cho TTCK coi như kết thúc khi 3 cá nhân vi phạm bị bắt. Tuy nhiên, với một hành vi gây thiệt hại hàng tỷ USD cho thị trường chứng khoán mà chỉ bị phạt hành chính 20 triệu thì không thể khiến những kẻ âm mưu trục lợi sợ hãi.

Manh động gây tác động lớn

Gần 5 tháng sau khi vụ việc xảy, Tổng cục An ninh II đã xác định 3 đối tượng có biệt danh "casperkid", “hungpvn” và “danghocdoi” trên 3 diễn đàn mạng đã tung tin bịa đặt liên quan đến tin đồn thất thiệt ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, gây tác động mạnh đến thị trường tài chính.

Cả 3 đối tượng đã đưa những thông tin sai lệnh lên mạng Internet với nhiều mục đích khác nhau, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, ngân hàng, tâm lý nhà đầu tư, lòng tin người dân đối với việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không khởi tố bị can các đối tượng này mà chỉ xem xét xử phạt hành chính với mức phạt có thể từ 10-20 triệu đồng do kết quả cho thấy động cơ của họ không có mục đích phá hoại nhưng có mục đích vụ lợi về kinh tế, do họ đều là NĐT nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Ba người này bị ảnh hưởng bởi các diễn đàn mạng, những thông tin trái chiều về tình hình thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà Nước; đồng thời muốn tỏ ra là người thạo tin nên đã tung tin đồn gây sự chú ý trên các diễn đàn mạng.

{keywords}

Tin đồn hồi về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt đã làm chao đảo hệ thống ngân hàng, TTCK hồi tháng 2/2013. Rất nhiều NĐT mua cổ phiếu ở mức giá trần sáng ngày 21/2 đã khóc ròng khi cổ phiếu bất ngờ giảm sàn vào buổi chiều (giảm trên 15% ngay trong phiên). TTCK hỗn loạn khi các NĐT đua nhau bán, tháo chạy theo tâm lý đám đông.

TTCK khi đó lao dốc mạnh nhất trong 6 tháng. Nhiều NĐT không biết lý do, không nhận được tin đồn cũng hốt hoảng bán theo, vì thấy cổ phiếu ồ ạt rớt giá và họ lo sợ rủi ro hệ thống như đã gặp phải sau sự kiện bầu Kiên bị bắt trước đây.

Vụ việc một lần nữa làm ảnh hưởng tới TTCK vốn đã rất nhạy cảm với các thông tin như vậy. Niềm tin trên thị trường tiếp tục bị bào mòn. Các NĐT trong và ngoài nước trong một thời gian dài vẫn giữ tâm lý thận trọng, cảnh giác cao với những bất ổn dạng này.

Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, vẫn có khá nhiều NĐT muốn TTCK ở trong tình trạng “có sóng” để có lợi nhuận. Trong phiên giao dịch ngày 21/2 nói trên, ít NĐT nghĩ chốt phiên chỉ số VN-Index giảm tới 18 điểm. Nhưng khi áp lực bán tăng cao, một lực cầu lớn cũng đã xuất hiện. Thanh khoản vượt trên 2.700 tỷ đồng cho thấy một bộ phận đã tranh thủ thị trường giảm sâu để gom hàng.

Chủ tịch BIDV sau đó có nhận định cho rằng, những kẻ tung tin đồn nói có thể đã kiếm được hàng trăm tỷ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày sóng gió trên thị trường tài chính.

Sống sao với tin đồn?

Thực tế cho thấy, tin đồn trên TTCK Việt Nam rất nhiều. Tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cũng giống như bao tin đồn thất thiệt chủ tịch Techcombank, chủ tịch Masan, CEO Chứng khoán Bản Việt… bị bắt hoặc bị công an “mời”.

Điểm khác có chăng ở chỗ, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt được tung ra đúng thời điểm thị trường đang hoang mang trước tin đồn sẽ phá giá tiền đồng. Sự cộng hưởng của các tin đồn đã khiến các thị trường chao đảo.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến rất nhiều tin đồn về doanh nghiệp, như thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB, và gần đây là PVFC với Western Bank… Không ít lần ông chủ các doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm tin đồn đã phủ nhận nhưng cuối cùng một số trường hợp tin đồn đã trở thành sự thật.

Gần đây nhất, Hanoimilk và một số doanh nghiệp khác cũng được tung tin bị thâu tóm, sáp nhập. Giá cổ phiếu tăng ầm ầm, gấp tới cả hai lần. Tuy nhiên, chung cuộc, lãnh đạo đơn vị này cho biết, chưa có bất kỳ tổ chức nào đặt vấn đề trực tiếp về chuyện thâu tóm, sáp nhập.

{keywords}

Trên thực tế, tin đồn là một phần của thị trường nhất là khi thông tin bị bưng bít, thiếu minh bạch. Nhiều TTCK trên thế giới vẫn phải sống chung với tin đồn.

Trong bối cảnh các diễn đàn mạng phát triển mạnh, có trang hàng ngày có trên 10.000 người truy cập/ngày (chủ yếu là các NĐT) thì đây là một kênh phát tán tin đồn cực kỳ hiệu quả.

Theo nhiều NĐT, có nhiều biện pháp để hạn chế tối đa vấn nạn này nhưng cốt lõi vẫn là sự minh bạch. Thông tin không minh bạch là mảnh đất mầu mỡ cho các loại tin đồn. Một khi thông tin được minh bạch và các doanh nghiệp có cơ chế xử lý thông tin một cách hiệu quả, tác động của các tin đồn sẽ không lớn. Việc xử lý các sai phạm cũng cần triệt để và có tính răn đe cao để phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc tương tự.

Trước tình thế này, đại diện nhà quản lý cũng chỉ biết khuyến nghị, giới đầu tư trước những thông tin không phải do cơ quan chính thống phát ra ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì cần bình tĩnh vì ngày càng có nhiều các thông tin như thế được phát tán. Bình tĩnh xử lý thông tin thì mới tránh được thiệt hại cho mình đồng thời làm cho những người tung tin đồn không đạt được mục đích của mình.

Bên cạnh đó, vớ mức phạt 20 triệu liệu có đủ khiến cho những kẻ có âm mưu trục lợi run sợ khi họ có thể kiếm hàng tỷ đồng từ những vụ tung tin thất thiệt.

Huấn Tú