- “Tôi không chỉ là cô gái “xách ba lô lên và đi”. Tôi không chỉ là lập trình viên máy tính. Tôi không chỉ là đứa con gái nhà nông. Tôi là tất cả những thứ đó, và còn nhiều hơn nữa. Tôi là tôi, cá thể và riêng biệt”.
10 năm kể từ chuyến đi đầu tiên, Huyền Chip - tác giả của những cuốn sách truyền lửa cho người trẻ như “Xách ba lô lên và đi”, “Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanfofd” đã có dịp ngồi kể về chuyến hành trình “đi” của mình với tất cả niềm khát khao của tuổi trẻ. Cô mong muốn truyền thông điệp sống với đam mê tới các bạn trẻ để “Tuổi trẻ không phải hối tiếc”. Đó cũng là tựa đề trong cuốn sách Huyền cho ra mắt vừa qua.
Huyền Chip trong buổi giao lưu và ra mắt sách “Tuổi trẻ không hối tiếc”
Thế giới trong mắt Huyền của năm tháng học trò là những trải nghiệm mang tính địa lý. Cô luôn khao khát được đi, được trải nghiệm và hòa vào cuộc sống xung quanh. Nhưng càng đi, Huyền càng nhận ra rằng, trải nghiệm không chỉ dừng lại ở việc đi từ nơi này sang nơi khác. Trải nghiệm – đó còn là sự thay đổi một thói quen cũ, thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Và,đó còn là việc đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Vì thế, Huyền quyết định đặt bút viết tâm sự chân thành về tuổi trẻ tới những độc giả của mình. Ban đầu, cô mong muốn cuốn sách mang tựa đề “Con đường em chọn”. Cô muốn gửi gắm thông điệp tới cậu em trai và cả những độc giả đã từng tìm đến cô với băn khoăn của tuổi trẻ khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Tuy nhiên, vì cái tên ”nghe giống hồi ký quá”, cuốn sách đã được đổi tên thành “Tuổi trẻ không hối tiếc.”
Huyền nói rằng, cô muốn chia sẻ tất cả những điều mình biết với “em” và hy vọng có thể giúp “em” tìm được con đường của chính mình.
Trong cuốn sách, Huyền đề cập nhiều tới hai chữ “độc lập” như độc lập về mặt tài chính, độc lập về cách suy nghĩ, độc lập trong việc chịu trách nhiệm. Ngay cả khi giao lưu với độc giả, Huyền cũng không dưới 3 lần nhấn mạnh điều này.
Cuối tháng 3/2014, Huyền nhận tin trúng tuyển vào Đại học Stanford (Hoa Kỳ) chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo. Khi cô nói với bạn bè rằng mình thích khoa học máy tính, mọi người thường nghĩ đó là ngành học rất khô khan và buồn tẻ, con gái học ngành đó để làm gì? Thậm chí bố mẹ Huyền cũng từng không nhớ nổi tên trường và ngành mà cô theo học.
“Tôi biết, nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn ngành do bố mẹ định hướng để bao bọc hay giúp đỡ trên con đường sự nghiệp. Nhưng như tôi đã nói, tuổi trẻ cần phải độc lập trong suy nghĩ, đưa ra quyết định dựa trên bản thân mình muốn chứ không phải do bố mẹ, xã hội ép buộc hay do số đông người ta nghĩ là đúng”.
Thông qua cuốn sách, Huyền Chip mong muốn chia sẻ những suy nghĩ và kỹ năng cần thiết để các bạn trẻ có thể vượt lên chính mình, vượt qua những rào cản mà gia đình và xã hội đặt ra cho họ.
Cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” được chia thành bốn phần: Phần một gồm những suy tư của Huyền Chip về hành trình trở thành người lớn, bao gồm những bài viết về hành trình đi từ trẻ con lên người lớn. Một số khái niệm được đưa ra là “trẻ con cao tuổi”, những người ở tuổi trưởng thành nhưng lại không chịu trách nhiệm như người trưởng thành.
Phần hai có tên “Học” với các bài phân tích từ chuyện trường lớp, chuyện du học đến cả chuyện tự học. Phần thứ ba tên “Làm” bao gồm các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay. Phần cuối cùng là “Cháy”. Tác giả hy vọng sẽ truyền tải đến độc giả thông điệp “tuổi trẻ cần cháy hết mình” như yêu, đi và cả suy nghĩ làm sao khi chết đi mình có thể để lại dấu ấn gì đó cho cuộc đời.
Thúy Nga
Tái bản sau 6 năm, 'Xách ba lô lên và đi' của Huyền Chíp bỏ các chi tiết tranh cãi
Sau 6 năm kể từ ngày ra mắt, “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip được tái bản với nhiều đổi mới cũng như lược bỏ một số chi tiết dễ gây tranh cãi.
Huyền Chip gửi thư xin lỗi độc giả sau 4 năm vắng bóng
Sau 4 năm vắng bóng kể từ ngày ra sách gây "bão" dư luận, Huyền Chip vừa có thư gửi tới VietNamNet xin lỗi độc giả.
Huyền Chip và Tết
Ngày nhỏ, tôi cứ nghĩ Tết là một điều tất yếu của tự nhiên. Năm hết Tết đến hiển nhiên như việc sáng ra mặt trời mọc...