Vừa vươn lên vị trí số 1 thế giới cách đây vài tháng, Volkswagen đã nhanh chóng rơi xuống vực thẳm, chỉ vì để cho tham vọng lấn át sự trung thực. Cổ phiếu của hãng sụt giảm tới 30% chỉ trong vòng vài ngày. CEO của hãng đã phải từ chức và đang bị điều tra về hình sự.  Dường như Volkswagen không lường trước được cái giá mà họ phải trả cho sự gian dối của mình. Khi họ nhận ra thì mọi việc đã đi quá xa, ngành công nghiệp ô tô nhất nhì thế giới đang đứng trước một cú sốc lớn. 

Sụp đổ một tượng đài

Mấy ngày qua, Volkswagen đã gây một chấn động trong ngành sản xuất xe ô tô thế giới. Và thật bất ngờ làm sao, khi tất cả mọi kịch tính ấy đều bắt nguồn từ chuyện cái ống xả ôtô. 

Vụ việc bắt nguồn từ một phát hiện của nhóm nghiên cứu tại Mỹ khi lượng khí thải từ các xe ô tô chạy bằng diesel của hãng Volkswagen lại cao hơn nhiều lần so với các số liệu đã công bố. Ngay sau đó một bí mật động trời đã bị phanh phui, nhờ một phần mềm gắn vào một số dòng xe mà Volkswagen đã qua mặt cơ quan kiểm soát môi trường về khí thải. 

Nhờ thiết bị này mà công suất thực của động cơ giảm, từ đó cũng giảm lượng khí thải để đánh lừa thiết bị đo. Khi không bị kiểm soát, động cơ sẽ hoạt động bình thường và chắc chắn sẽ thải một lượng khí vượt so với quy định.

Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, quy định về lượng khí thải và môi trường luôn nghiêm ngặt. Đặc biệt tại Mỹ, quy định ngưỡng khí thải cho phép thấp hơn châu Âu đến 10 lần. Chính vì thế, để bước vào thị trường lớn như ở Mỹ, các hãng xe buộc phải phát triển các dòng sản phẩm có lượng khí thải thấp và tiết kiệm nhiên liệu. Nếu như các hãng xe khác chọn lựa chiến lược phát triển dòng xe hybrid (kết hợp động cơ xăng với động cơ điện), thì Volkswagen lại quyết định phát triển các dòng xe dùng dầu diesel.

So với động cơ chạy bằng xăng, thì dầu diesel có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn, nhưng lại có nhiều khí thải hơn. Với dòng xe này, nhiều hãng đã có các biện pháp để giảm lượng khí thải tuy nhiên, Volkswagen khá khôn khéo khi vẫn muốn hình dáng những chiếc xe của mình nhỏ gọn, sang trọng bằng việc gắn thêm một phần mềm gian lận. Qua các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, họ luôn đạt kết quả về bảo vệ môi trường. 

Nhưng thực tế, động cơ của hãng này có lượng khí thải nitơ (NO và NO2) cao gấp 40 lần giới hạn cho phép của Mỹ. Theo số liệu của cơ quan chức năng có khoảng 11 triệu xe trên toàn cầu có gắn phần mềm này, tính riêng tại Mỹ có hơn 480.000 xe như vậy.

Vừa vươn lên vị trí số 1 thế giới cách đây vài tháng, Volkswagen đã nhanh chóng rơi xuống vực thẳm, chỉ vì để cho tham vọng lấn át sự trung thực. Cổ phiếu của hãng sụt giảm tới 30% chỉ trong vòng vài ngày. CEO của hãng đã phải từ chức và đang bị điều tra về hình sự. 

{keywords}
Uy tín của hãng xe này đã bị giảm sút nghiêm trọng

Hiện tại, Volkswagen đang đối mặt với nguy cơ bị phạt tới 18 tỉ USD tại Mỹ, cũng như phải bỏ chi phí ra để thu hồi những chiếc xe có sai phạm và ngừng bán tất cả xe chạy bằng diesel. Đó là chưa kể tới một loạt vụ kiện sắp tới sẽ làm rúng động toàn tập đoàn.

Chắc chắn, cú ngã ngựa này của Volkswagen lại là cơ hội của các đối thủ lớn như Toyota, GM cho đến các hãng xe Hàn Quốc như Hyundai vượt lên.

Chỉ riêng ở Đức, hãng có 270.000 công nhân viên, chưa kể một lượng công nhân lớn hơn làm việc cho các nhà cung cấp của hãng. Vụ bê bối đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng Volkswagen sẽ mạnh tay cắt giảm việc làm vì doanh thu giảm sút.

Cú sốc cho nước Đức

Đức là một cường quốc với nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng thứ tư và lớn nhất trong các nước châu Âu, nếu tính theo GDP sức mua tương đương thì Đức đứng thứ năm trên thế giới vào năm 2014. 

Nền công nghiệp Đức đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Đức và nếu so sánh với các nước công nghiệp khác như Anh hoặc Mỹ thì nền công nghiệp Đức đã tạo được mạng lưới rộng khắp với rất nhiều việc làm. 

Ước tính sản xuất công nghiệp đóng góp 37% trong tổng năng lực nền kinh tế Đức. Các sản phẩm công nghiệp của Đức luôn được đánh giá là tốt nhất thế giới.

Bất cứ ai muốn tìm hiểu tại sao nước Đức duy trì vai trò là thế lực kinh tế đáng gờm ở châu Âu, chỉ cần nhìn vào sức mạnh ngành công nghiệp ôtô của quốc gia này. Những chiếc ôtô có tầm quan trọng đối với nước Đức cũng giống như các tài khoản ngân hàng bí mật đối với Thuỵ Sỹ vậy. Trong thế giới xe bốn bánh, Đức vốn được mệnh danh là cái nôi của nền công nghiệp xe hơi với những thương hiệu hàng đầu như Audi, Mercedes-Benz, BMW và Porsche.

Như thời báo kinh tế Economist cho hay “Đức biết cách tạo ra những sản phẩm khiến cho người tiêu dùng ở các thị trường lớn cũng muốn mua chúng”.

{keywords}
Bóng đen của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng

Nhưng từ khi “hành vi mang tính lừa đảo có hệ thống” của Volkswagen bị phát hiện, tình thế có vẻ thay đổi, niềm tin của nhiều người đang bị lung lay.

Gian lận khí thải là vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng Volskwagen, là đòn giáng mạnh vào uy tín ngành công nghiệp Đức, vốn rất được thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ. Cả một ngành công nghiệp xương sống của nước Đức cũng đang chịu hậu quả nặng nề. Dự báo của các chuyên gia kinh tế sẽ có một cuộc ảnh hưởng dây truyền từ vụ việc này và sự tổn thất sẽ gây hại cho nền kinh tế đứng đầu châu Âu. 

Một số dự báo tiêu cực đã được đưa ra là sự phụ thuộc của kinh tế Đức vào ngành công nghiệp xe hơi sẽ dẫn tới nguy cơ nước này không đạt được mức tăng trưởng 1,8% trong năm nay như dự báo. 

Người Đức đã dũng cảm nhận ra sai lầm và tìm hướng giải quyết ngay tức thời. Volkswagen công bố đã dành riêng khoản tiền hơn khoảng 7,2 tỷ USD để giải quyết vụ bê bối. Thủ tướng Angela Merkel cũng lên tiếng kêu gọi Volkswagen không tiếp tục che giấu mà hãy chủ động làm sáng tỏ mọi việc.

Dư luận vẫn hy vọng hình ảnh của Volkswagen sẽ được vực dậy. Mới đây Chính phủ Đức tuyên bố ngành công nghiệp ôtô vẫn sẽ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế bất chấp cuộc khủng hoảng Volkswagen. 

Nam Hải