- Trong số học trò của thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long, có một học trò tài ba, tác giả của ca khúc bất hủ "Tiếng đàn bầu" - nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc. Sau hơn nửa thế kỷ, bất ngờ một ngày vị đại tướng đã tới thăm gia đình người học trò cũ.

"Tôi không bao giờ quên ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình" - bà Trần Thị Bảo, vợ cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc giờ đã 90 tuổi rưng rưng chia sẻ. Xưa nay việc trò tới thăm thầy là phải lễ, nhưng có lẽ bà Bảo không bao giờ có thể nghĩ rằng thầy cũ của chồng mình, một người được ví là vĩ nhân của thời đại lại ghé thăm nhà học trò cũ. Bà còn xúc động ngay từ cách Đại tướng tới thăm.

Bà nhớ lại, khi bác Giáp tới thăm vì không muốn xáo trộn nhịp sống thường nhật của khu phố, bác cùng phu nhân và người trợ lý - đại tá Nguyễn Huyên đã đỗ xe từ đầu phố rồi thong dong bước đến căn hộ của người học trò. Phải gần đến lúc ra về, địa phương mới biết, lúc ấy mới cử đội an ninh tới để bảo vệ. Bà Bảo nghẹn lời nhớ lại, "được Đại tướng tới tư gia tôi vui lắm nhưng khi ấy chúng tôi nghèo quá, không có gì đón tiếp Đại tướng ngoài ấm nước trà. Tôi cứ băn khoăn nhưng nhà tôi thì gạt đi, chắc ông ấy hiểu thầy mình''.

{keywords}
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đề thơ lên bức tranh chân dung ngồi bên là nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc
{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc xem lại bút tích của Đại tướng

Hội ngộ, ký ức của một thời xa xưa lại ùa về với hai thầy trò giờ tóc đã đều điểm bạc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không quên hình ảnh cậu học trò nghèo dáng người mảnh khảnh nhưng rất hóm và hiếu học ở trường Trung học Thăng Long của những năm cuối thập niên 1930.

Còn cậu học trò không khỏi tự hào khi người thầy môn sử gần gũi và ân cần giờ là Đại tướng được cả dân tộc tôn kính. Hơn nửa thế kỷ sau đó, theo tiếng gọi của tổ quốc, trò Nguyễn Đình Phúc có mặt tại khắp các chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Và trong suốt chặng đường đời, hình ảnh người thầy dậy sử vẫn luôn ở trong trái tim ông. 

{keywords}
Chân dung Đại tướng do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc vẽ.

Bên cạnh âm nhạc, Nguyễn Đình Phúc còn niềm đam mê hội họa. Ông có sở thích vẽ chân dung bạn bè văn nghệ sĩ và những người ông yêu quý. Tất nhiên không thể thiếu bức chân dung của người thầy cũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có một điều thật lạ, dù là chân dung Đại tướng nhưng không phải trong trang phục của một ông tướng mà là chiếc áo xanh bình dị của anh bộ đội cụ Hồ với khuôn mặt sáng và đặc biệt đôi mắt rất hiền với ánh nhìn trìu mến. “Ông nhà tôi không vẽ Đại tướng mà vẽ một ông giáo hiền từ, rất gần gũi theo đúng cảm nhận của mình” - Bà Bảo chia sẻ.

Bà kể, bữa ấy hai thầy trò hàn huyên nhiều chuyện lắm, đặc biệt là những chuyện về hội họa và âm nhạc. Căn nhà nhỏ chỉ 9m2 trên phố Cầu Gỗ với hai đôi vợ chồng già và người trợ lý càng trở nên trật chội nhưng đầy ắp tình cảm. Trò nhạc sĩ không quên khoe tấm hình vẽ chân dung thầy. Cảm nhận được tấm lòng trò cũ, thầy đã lật ngược ngay bức tranh, cầm cây bút lập tức ngẫu hứng mấy câu thơ:

Căn phòng nhỏ hẹp
Tình cảm bao la.
Nào thơ, nào họa
Chúc anh sống mãi
Cuộc sống thanh cao

Và người thầy còn biên thêm mấy dòng cảm xúc: “Rất xúc động mối tình cảm của người học trò năm xưa, ngày nay là người nghệ sĩ tài ba” trước khi đề ngày 24/6/1989 và ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

{keywords}
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi sau bức chân dung

Có lẽ cảm thông cuộc sống của một nhạc sĩ nổi tiếng, tác giả của “Lời du tử”, “Cô lái đò”, “Bình ca”, “Chiến sĩ Sông Lô”… những nhạc phẩm có vị trí quan trọng ngay từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc nước nhà. Và đặc biệt là “Tiếng đàn bầu” với “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” vốn đã nằm lòng trong hàng triệu trái tim người Việt Nam, đại tá Nguyễn Huyên kéo nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ra góc nhà, ghé nhỏ vào tai “Anh ở thế này vất vả quá, sao anh không thử nói với bác một tiếng, bác sẽ trao đổi với chủ tịch thành phố sẽ cấp cho anh một chỗ ở rộng rãi hơn”. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã gạt đi tấm thịnh tình, ông muốn cuộc hội ngộ giữa hai thầy trò không bị vướng víu bất cứ điều gì. Còn về bức tranh, sau này có vị khách nước ngoài ghé qua, từng trả tới hàng ngàn đô, bằng một khối tài sản lớn đối với một gia đình nghệ sĩ nghèo nhưng ông bà không bán. “Làm sao có thể bán được, đó là bảo vật vô giá của gia đình tôi” - bà Bảo chia sẻ.

{keywords}
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (sinh 20/8/1919, mất 28/5/2001)

Nguyễn Quang Long