Nâng cao cốt đường, nhà dân thành ao
Tuyến đường cảng Hương Lý tới ga Văn Phú (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đấu nối khu công nghiệp phía Nam của tỉnh được xây dựng từ năm 2001. Do nhiều xe tải trọng lớn lưu thông, đường bị xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2015, UBND tỉnh chủ trương nâng cấp, cải tạo tuyến đường, giao công ty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Tuyến đường đắt nhất Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh |
Trong phương án thiết kế, chủ đầu tư nâng cốt đường lên 0,78m so với cốt đường cũ. Sau khi hoàn thành, nhà dân hai bên đường thấp hơn cả nửa mét so với chiều cao mặt đường mới.
Để không bị ngập nước, các hộ dân phải bỏ tiền để cải tạo, nâng nền nhà, nền sân…
Tại QĐ số 2509 về việc phê duyệt của UBND tỉnh Yên Bái, kinh phí được phê duyệt là hơn 87,6 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp tuyến đường có chiều dài khoảng 1,7km, trong đó, chi phí đền bù GPMB 3,5 tỷ; chi phí dự phòng gần 11 tỷ đồng.
Với khoản kinh phí này, tuyến đường cảng Hương Lý đi ga Yên Phú là tuyến đường đắt nhất ở Yên Bái về chi phí nâng cấp, sửa chữa từ trước đến nay.
4 năm khởi kiện… con đường
Người kiên trì viết đơn khởi kiện con đường là ông Nguyễn Duy Vượng, giám đốc công ty TNHH Yên Phú, địa chỉ tổ 14, thị trấn Yên Bình.
Công ty sản xuất bao bì Yên Phú phải ngừng sản xuất do bị ngập lụt kể từ khi tuyến đường được nâng cốt |
Công ty của ông Vượng nằm trên tuyến đường được sửa chữa này. Trước khi nó được nâng cấp, mặt bằng nhà xưởng công ty của ông cao hơn mặt đường 20cm. Thế nhưng, sau khi đường được nâng cốt đường lên 78cm, nhà xưởng của ông thấp hơn nửa mét.
Thời điểm tháng 1/2016, khi đơn vị thi công tuyến đường đến vị trí phân xưởng vỏ bao bì của công ty Yên Phú, một trận mưa lớn ập xuống khiến toàn bộ phân xưởng này bị ngập nước; tiếp tục ngày 28/6/2016, đơn vị này tiếp tục bị ngập úng do nền nhà xưởng thấp hơn mặt đường, nước không có chỗ thoát.
Ông Vượng báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, đề nghị đơn vị thi công dừng thi công, khắc phục hậu quả gây ra đối với công ty.
Ngày 28/7/2016, Sở GTVT Yên Bái cùng UBND huyện Yên Bình, UBND thị trấn Yên Bình, công ty Yên Phú, công ty Phát triển và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái lập biên bản.
Nền xưởng bị ngập 15cm cùng 4.000 bao bì, 20 bao hạt nhựa và hệ thống điện ngầm bị ngập. Điện lực Yên Bái đã phải cắt điện để tránh chập, cháy nổ.
Máy móc, nguyên liệu bị ngập nước, han rỉ không thể vận hành, buộc phải đóng cửa nhà máy |
Do thiệt hại nặng nề về sản xuất, công ty Yên Phú đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, thay thế phương án theo hình thức dùng máy xúc hạ thấp mặt bằng con đường tại vị trí này, do đây là một cái dốc.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không thay đổi. Ông Vượng đã làm nhiều đơn gửi tới các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết thiệt hại nhưng không cơ quan nào giải quyết. Trước tình thế đó, công ty Yên Phú buộc phải làm đơn khởi kiện chủ đầu tư.
Trong đơn khởi kiện, công ty Yên Phú cho rằng công ty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng đã làm sai các quy định của nhà nước khi tiến hành lập dự án, khảo sát và thiết kế không tôn trọng kiến trúc ban đầu đã được phép xây dựng… dẫn tới công ty Yên Phú phải đóng cửa, ngừng sản xuất tại thời điểm đó thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Công ty Yên Phú đề nghị tòa án xét xử buộc công ty Phát triển và kinh doanh hạ tầng bồi thường thiệt hại cho công ty Yên Phú.
Ngày 27/4/2017 Tòa án TP Yên Bái đã thụ lý vụ án, yêu cầu công ty Yên Phú đóng tiền án phí hơn 116,9 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử, sau rất nhiều lần trì hoãn, “xử hụt”.
Ông Nguyễn Duy Vượng - Giám đốc công ty TNHH Yên Phú đau đớn bên đống máy móc, nguyên liệu giờ đã thành phế phẩm |
Từ năm 2015 cho đến nay, cơ sở sản xuất bao bì của công ty Yên Phú đã ngừng vận hành. Hệ thống máy móc, trang thiết bị sản xuất bị đắp chiếu, han rỉ; công ty Yên Phú bị các đối tác phạt do không hoàn thành đơn hàng theo HĐ; toàn bộ công nhân phải nghỉ việc, thất nghiệp, bản thân doanh nghiệp bị phá sản, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 1/7/2016, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có văn bản số 552 đề nghị UBND tỉnh Yên Bái xem xét, chỉ đạo giải quyết, trả lời nội dung đơn thư tố cáo của ông Nguyễn Duy Vượng.
Ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản số 505 phúc đáp Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá những ảnh hưởng của dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường cảng Hương Lý – ga Văn Phú, đề xuất các phương án xử lý các vướng mắc phát sinh do ảnh hưởng của dự án đối với các hộ dân dọc tuyến đường, đặc biệt là Công ty TNHH Yên Phú.
Tuy nhiên, những thiệt hại do tuyến đường gây ra khiến doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, sản xuất… vẫn chưa được xử lý. Ngày 24/9/2018, TAND huyện Yên Bình mới ban hành QĐ thành lập hội đồng định giá tài sản đối với công ty Yên Phú để làm căn cứ cho việc đền bù thiệt hại do dự án gây ra.
“Ngần ấy thời gian doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoàn toàn; hàng trăm lao động vì thế mà thất nghiệp, không có thu nhập… Đau xót nhất, chỉ vì việc cải tạo một đoạn đường vài trăm mét nhưng phương án không hợp lý đã giết chết cả một cơ sở sản xuất” - ông Nguyễn Duy Vượng, GĐ Cty Yên Bình đau xót.
Ông Vượng cho biết, vừa nhận được thông báo của TAND TP.Yên Bái về việc, phiên xét xử sẽ được mở phiên vào ngày 9/4 sau gần 4 năm sự việc xảy ra, và sau 2 năm toàn thụ lý vụ việc.
Hàng trăm tỷ bốc hơi vì tin vào dự án 'ma'
Vẽ "dự án ma", cựu giám đốc công ty TST và nhân viên đã khiến 148 nhà đầu tư mất hàng trăm tỷ đồng.
Thái Bình