Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, do địa hình chia cắt, thu ngân sách hàng năm đạt thấp, nguồn lực trong dân hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao… Theo đó, việc đưa điện lưới quốc gia về tận thôn, bản đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm ngoái, 4 thôn bản khó khăn bậc nhất của xã Yên Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang) được tiếp cận với dòng điện sáng ổn định khi những trạm biến áp của Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia cho các thôn vùng cao chưa có điện tại đây được hoàn thành.
Sự kiện này giúp hơn 200 hộ dân chủ yếu là đồng bào người Dao của các thôn Yên Lập 1, Yên Lập 2, Yên Lập 3, thôn 4 Thống Nhất có thể yên tâm dùng điện lưới quốc gia.
Thài Khao cũng là thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã 135 Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Thôn hiện có 80 hộ dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Dao di dân từ Hà Giang về từ năm 1990.
Trước đây, khi chưa có điện, các hộ dân trong thôn phải sử dụng đèn dầu. Sau đó, một số gia đình gần bờ suối có điều kiện lắp đặt máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tuy nhiên nguồn điện này chỉ đủ để thắp sáng và còn mất an toàn.
Từ khi có điện, bà con sắm tủ lạnh, ti-vi để phục vụ sinh hoạt của gia đình.
Cách trung tâm huyện Hàm Yên gần 40km, hai thôn Khau Làng và Cao Đường, xã Yên Thuận được bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững, người dân sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Do địa hình hiểm trở, nhiều năm qua, người dân hai thôn này không có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt khiến tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm hơn 65%.
Điện về bản, cuộc sống của 140 hộ dân và các điểm trường trên địa bàn vùng sâu giờ đổi khác. Có điện lưới quốc gia, giúp giảm nghèo thông tin. Có điện lưới quốc gia, người dân hai thôn Khau Làng, Cao Đường được xem tivi, góp phần mở mang dân trí, có thêm kinh nghiệm làm ăn thông qua các phóng sự, tin tức trên truyền hình.
Nhà nào khấm khá hơn, tính đến việc đầu tư máy móc để làm kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới của xã.
Có điện, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân cũng thuận lợi hơn. Nhờ đó tăng giàu thông tin.
Có điện, việc học tập của các em học sinh ở các điểm trường vùng cao cũng thuận lợi hơn. Trước đây, việc dạy và học của nhiều trường vùng cao đều phải dựa vào ánh sáng tự nhiên. Những hôm trời mưa, nhất là vào mùa đông thì việc dạy và học rất vất vả vì luôn thiếu ánh sáng. Có điện rồi, không chỉ đủ ánh sáng, mà thày và trò còn có cơ hội tiếp cận internet, thay đổi phương pháp dạy và học qua các giáo án điện tử với những hình ảnh minh họa sinh động. Học sinh nhờ đó có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Hiện nay, hai thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ và thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa có 120 hộ dân sinh sống với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thiếu điện, cuộc sống của họ cũng thiếu thốn nhiều thứ. Thông tin không kịp truyền tải, đời sống văn hóa tinh thần lạc hậu, thậm chí không có. Bảy giờ tối là cả thôn ngập trong bóng tối. Việc sản xuất khó khăn, trẻ em không có điều kiện học tập… Vì vậy, mong ước lớn nhất của bà con trong thôn là có điện lưới quốc gia để thắp sáng và phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đường điện lưới quốc gia đang được ngành điện đẩy nhanh tiến độ kéo về tận thôn, phấn đấu trong quý IV năm 2023, các công trình điện sẽ hoàn thành.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành xây dựng và cấp điện cho 19 thôn, bản với tổng số hơn 1.400 hộ dân, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lên đến 99,7%.
Giai đoạn 2013-2020, triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư hơn 950 tỷ đồng để kéo điện lên các bản.
Năm 2023, Sở Công thương đã đang triển khai đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ; thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa để thắp sáng cho ba thôn, bản, trong đó có hai thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Quang Trần