Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn tỉnh Tuyên Quang được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao. Nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. 

Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện và đồng bộ.

Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xây dựng 2.900 km đường giao thông thôn, bản và đường nội đồng theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí quản lý; người dân hiến đất, góp cát sỏi và công lao động. 

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu làm 1.080 km đường bê tông nông thôn và nội đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025, tất cả các thôn của tỉnh có đường ô tô tới trung tâm; 85% đường thôn và hơn 65% đường nội đồng được cứng hóa.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường…). Thông qua việc đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Sau gần 3 năm tỉnh Tuyên Quang thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về việc thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, hệ thống giao thông nông thôn ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có những đổi thay rõ rệt.

Năm 2021, nhựa hóa, bê tông hóa 253 km đường giao thông nông thôn (117 km đường thôn, 136 km đường nội đồng) trong đó có 109,8 km tại các xã về đích năm 2021 (đường trục xã, liên xã 24,1 km; đường thôn, xóm: 26,5 km; đường ngõ xóm 18,4 km; đường nội đồng 40,8 km).

Năm 2022, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 227 km đường giao thông nông thôn, (126 km đường thôn, 101 km đường nội đồng) trong đó có 88,2 km ở 08 xã đăng ký hoàn thành xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới (đường trục xã, liên xã 7,2 km; đường trục thôn - liên thôn: 22,17 km; đường ngõ xóm 23,5 km; đường nội đồng 35,29 km).

Cùng với hàng trăm km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 77 cây cầu mới được xây dựng đã từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tăng cường kết nối hệ thống giao thông vùng, miền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa.

Năm 2023, tỉnh dự kiến xây dựng, nâng cấp 694,4 km đường giao thông (gồm: 76,1 km đường huyện; 127,7 km đường trục xã, liên xã; 363,7 km đường trục thôn, liên thôn; 24,1 km đường ngõ xóm; 102,78 km đường giao thông nội đồng); 68 công trình cầu, kè chống sạt lở; 05 công trình đường vận xuất; giải phóng mặt bằng bến xe khách trung tâm huyện Hàm Yên và xây dựng bến thuỷ huyện Lâm Bình. Xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn.

Đến tháng 9/2023 đã có 70/122 xã đạt tiêu chí về Giao thông. Tổng số đường thôn được cứng hoá là 2.969,53/3.953,8 km đạt tỷ lệ 75%; đường nội đồng là 843,28/1.651,85 km đạt tỷ lệ 51%. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, 12 xã xây dựng nông thôn mới năm 2023 của tỉnh mới chỉ có 3/12 xã đạt tiêu chí giao thông là xã Minh Hương, xã Thành Long, huyện Hàm Yên và xã Phú Lương, huyện Sơn Dương.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở.

Triển khai thực hiện việc quản lý, tổ chức vệ sinh, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn theo quy định. Tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.

Để hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong năm nay và những năm tới, Tuyên Quang tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên bố trí kế hoạch hoặch vốn để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các công trình thực hiện theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Quỳnh Nga