Theo Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, năm 2023 tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Toàn tỉnh có thêm ít nhất 15 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới”, ít nhất 27 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; ít nhất 58 vườn hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”. Tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tiếp theo.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025) còn 3%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99% dân số; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt 56,5% (theo chuẩn mới)...

Tỉnh Tuyên Quang có 9 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Để hoàn thành mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, các địa phương trong toàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, huy động nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, các địa phương đăng ký phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.  

Được biết, 9 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang gồm: Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Kim Quan và Phúc Ninh (Yên Sơn), Hồng Lạc và Ninh Lai (Sơn Dương), Kim Phú (TP Tuyên Quang), Thượng Lâm (Lâm Bình), Hồng Thái (Na Hang), Đức Ninh (Hàm Yên).

Xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên là địa phương đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay, song đến thời điểm này, mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. 5 tháng còn lại của năm 2023, xã sẽ rất khó khăn để hoàn thành 12 tiêu chí còn lại. 

Tiêu chí số 14 về y tế đặt ra yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% và tỷ lệ dân số có sổ khám sức khỏe điện tử phải đạt từ 90% là trở ngại cho xã. Bởi trình độ của người dân không đồng đều, việc thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến đơn giản vẫn phải nhờ đến đội ngũ cán bộ xã, tổ công nghệ cộng đồng. Vì vậy, việc sử dụng sổ khám sức khỏe điện tử của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi sẽ khó triển khai.

Với Tiêu chí số 17 về môi trường với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải đạt 100%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90%... khó thực hiện. Hiện chỉ có một số thôn nằm theo trục quốc lộ, xã mới hợp đồng với 1 tổ chức thu gom rác; còn các thôn xa trung tâm, người dân phải tự xử lý bằng cách phân loại và tiêu hủy.

Xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cũng đặt mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao năm nay. Tuy nhiên, 2 tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trường học chưa đạt chuẩn, mặc dù đã có kế hoạch xây dựng từ năm 2022 nhưng vốn từ Nhà nước chưa được phân bổ. Thời gian hiện tại quá ngắn, nếu có về đích nông thôn mới nâng cao thì nhiều khả năng xã sẽ phải nợ lại tiêu chí này.  

Bên cạnh đó, các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay có số tiêu chí đạt thấp do các xã này hầu hết hoàn thành chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020. Bước vào giai đoạn này (2021 - 2025), các tiêu chí đã được nâng cao hơn rất nhiều, chưa kể các tiêu chí thành phần cũng tăng lên. Kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, việc củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế.

Để đẩy nhanh tiến trình về đích nông thôn mới nâng cao, các huyện, thành phố trong tỉnh đang đốc thúc ngành chức năng tích cực vào cuộc hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí. 

Điển hình như tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tháng 5 vừa qua đã được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ủng hộ thùng chứa, xe vận chuyển rác thải, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác. Sự trợ giúp của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ góp phần cùng xã hoàn thiện tiêu chí về môi trường. 

Thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. 

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá hình ảnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đến nhân dân. Nhân rộng kết quả thực hiện mô hình điểm thôn nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương học tập. Tập trung tuyên truyền cách làm hay, sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện thôn nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, phát huy năng động sáng tạo của người nông dân trong tổ chức thực hiện.

Các địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh.

Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nâng cao vai trò, vị thế của nhân dân.

Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV