Một trong những cách hữu hiệu nhất, giúp bé thành người biết chia sẻ, có trách nhiệm, năng động, tháo vát chính là dạy bé làm việc nhà từ khi còn nhỏ.
Không phải bố mẹ không thể đảm đương hết việc nhà nên mới giao việc cho con. Làm việc nhà là việc cần thiết giúp bé vận động phát triển cơ thể và rèn luyện nhiều đức tính tốt như tự lập, trách nhiệm, biết cảm thông. Cùng tham khảo một số bí quyết dưới đây để rèn bé giỏi việc nhà từ nhỏ.
Cho bé một khoảng thời gian nhất định
Cố định thời gian là một cách hiệu quả để bé vâng lời mẹ làm việc nhà. Bạn có thể bắt đầu bằng việc nói với bé :”Con có 20 phút để rửa xong bát.” Nếu bé không làm xong trong 20 phút thì giờ đi ngủ của bé sẽ bị sớm hơn và thời gian chơi bị rút ngắn lại. Đó sẽ là cái giá phải trả cho việc dây dưa, câu kéo thời gian. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là bạn không lo phải càu nhàu giục giã bé gì hết, bé đã có một quỹ thời gian được định sẵn và buộc phải hoàn thành trong khoảng thời gian đó.
Trao phần thưởng xứng đáng cho bé
Phần thưởng cho bé không cần phải cầu kì, đắt tiền, chỉ đơn giản là món kem trái cây bé yêu thích hay thêm 30 phút xem TV. Đây là cách thể hiện sự ghi nhận của bạn đối với những cố gắng của trẻ khi hoàn thành các công việc được giao. Khi trẻ được động viên, khích lệ, chắc chắn trẻ sẽ hào hứng hơn và sẵn sàng giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà hơn trong những lần sau.
Giúp con tìm niềm vui trong công việc nhà
Mẹ có thể bật một bản nhạc vui tươi mà con thích khi con bắt tay vào làm việc nhà để bé hào hứng hơn. (Ảnh minh họa) |
Mẹ có thể bật một bản nhạc vui tươi mà con thích khi con bắt tay vào làm việc nhà. Âm nhạc sẽ khiến bé cảm thấy hứng khởi hơn, không còn suy nghĩ đây là công việc vặt tẻ nhạt nữa. Ngoài ra, mẹ có thể đưa ra cho bé những lựa chọn để bé tự ý quyết định, ví dụ như chọn một trong hai việc quét nhà hoặc tưới cây. Sau khi bé xong việc, đừng quên tặng cho bé những lời khen ngợi động viên tinh thần bé.
Khuyến khích con làm việc nhà từ sớm
Trẻ có thể được khuyến khích làm việc nhà từ rất sớm, thậm chí từ lúc 18 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ rất tò mò, ưa khám phá, muốn tham gia làm mọi thứ và hay bắt chước người lớn. Tuy nhiên, thường là bé sẽ gây rối nhiều hơn là giúp đỡ được cho bố mẹ. Đừng vì thế mà la mắng hay chê trách bé, hãy để trẻ tham gia một cách tự nhiên. Nếu bạn xua đuổi bé ra chỗ khác chơi để rảnh tay làm việc cho nhanh, dần dần, bé sẽ không còn hứng thú với việc nhà nữa. Ngoài ra, nếu lúc nào đó, bé không thoải mái, cũng đừng ép bé vào những việc mà bé không thích.
Lập bảng danh sách những việc bé cần làm
Thay vì suốt ngày hò hét bảo bé làm thế này thế kia, bạn hãy lập các bảng danh sách việc nhà với hình dáng đáng yêu, hấp dẫn và treo ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy. Đây sẽ là một cách hữu hiệu để nhắc nhở và tạo động lực cho bé mà không gây sức ép.
Gợi ý danh sách việc làm cho bé phù hợp theo từng độ tuổi:
2-4 tuổi: cất gọn đồ chơi sau khi đã chơi xong, mang quần áo bẩn ra chậu hay ra giỏ quần áo, lấy chăn gối ra để đi ngủ, giúp mẹ lau bàn.
5-7 tuổi: tưới cây, quét nhà, dọn bát đũa, xếp quần áo vào tủ.
8-9 tuổi: giúp bố mẹ nhặt rau, nấu cơm, rửa bát, đổ rác
10 tuổi trở lên: tất cả các việc ở trên, nấu hoàn thiện một bữa cơm, cho chó mèo ăn, làm vườn, rửa xe đạp.
(Theo Parents/ Khám phá)