Trong khi phụ huynh châu Á tỏ ra rụt rè và chọn cách tiếp cận theo kiểu "cấm đoán" hoặc vẽ ra những câu chuyện thần bí, hoang đường liên quan đến giới tính thì các ông bố bà mẹ Âu Mỹ tỏ ra rất cởi mở, gần gũi khi trao đổi với trẻ về vấn đề tế nhị này.
Mặc dù vậy, chưa có bất cứ kết luận hay nghiên cứu chính thức nào phân định hiệu quả thực tế của hai hướng tiếp cận trên. Và trong nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ vẫn cảm thấy khó xử lý như thường trước tính tò mò của con trẻ. Nói cách khác, chẳng có một đáp án tối thượng nào cho vấn đề này.
Mới đây nhất, một bà mẹ Mỹ đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Huffington Post, sau khi chứng kiến cô con gái nhỏ của mình nghịch ngợm dưới váy trong giờ ăn tối. "Chúng ta không nghịch chỗ kín của mình trong giờ ăn. Con hãy đi rửa tay rồi ăn hết suất đi", bà mẹ nhắc nhẹ nhàng. Cô bé gật đầu, chạy vào nhà vệ sinh nhanh chóng rồi quay lại bàn.
"Trẻ nhỏ luôn có sở thích mân mê chính mình. Chúng cảm thấy thích thú với điều đó. Với chúng, không hề tồn tại cảm giác xấu hổ hay sợ hãi hay ghê tởm cơ thể mình chút nào. Cơ thể đơn giản chỉ là cơ thể. Không hề có yếu tố nhục dục nào ở đây mà thuần túy là khám phá thực tế. Các con số. Vấn đề khoa học", một chuyên gia tâm lý phân tích.
Vấn đề là thường thì các bậc phụ huynh không hiểu điều đó. Bà mẹ trong câu chuyện này cũng vậy. Lần đầu tiên bắt gặp con gái mình nghịch "chỗ kín", bà không nói một lời. Đơn giản là vì bà gần như chết sững và không biết phải quyết định ra sao. "Điều duy nhất tôi biết là tôi không muốn quát ầm lên vào mặt con bé: "Không!" hay "Dừng ngay!". Cách phản ứng đó thì có lợi gì cơ chứ? Nếu bạn tỏ ra quá dữ dội, con bé sẽ cảm thấy sợ hoặc phớt lờ chính cơ quan sinh dục của mình về sau này", chị kể lại.
Người mẹ mất gần hai ngày sau đó liên tục suy nghĩ về vấn đề nan giải này và nhanh chóng có được "cơ hội thứ hai" để test phản ứng của mình.
"Con yêu, chúng ta không nghịch chỗ kín của mình trong phòng sinh hoạt chung", chị đã nói như vậy. Nghe thật kỳ cục, nhưng hoàn toàn đúng sự thật. Trong mọi câu nói với trẻ, bạn nên sử dụng chủ ngữ "chúng ta" hơn là "con". Điều đó tạo được sự kết nối với trẻ, và giúp trẻ ngầm hiểu rằng đó là một quy tắc chung, áp dụng cho tất cả mọi người chứ không phải mình trẻ phải tuân thủ điều luật đó. Và sau đó, bạn có thể giải thích nhẹ nhàng để trẻ hiểu. "Con chạm vào chỗ kín của mình cũng được thôi, nhưng đó là việc thầm kín. Chỗ duy nhất mà chúng ta có thể chạm vào đó là phòng tắm hoặc phòng ngủ của mình. Nếu con vẫn muốn nghịch, hãy về phòng của mình".
Cô bé mỉm cười và làm theo ngay tức khắc mà không thắc mắc hay vặn vẹo gì lại mẹ, bởi việc chỉ rõ những khu vực nơi bạn được tiến hành những hoạt động cụ thể là một điều mà trẻ nhỏ có thể hiểu được. "Chúng ta không ăn trong phòng tắm và không nghịch chỗ kín trong phòng ăn" trở thành câu "thần chú" về dạy trẻ bài học giới tính trong nhà chị kể từ đó.
Theo các chuyên gia giáo dục, bà mẹ này thuộc vào nhóm những phụ huynh "cởi mở và có cách tiếp cận tích cực" với vấn đề giới tính ở trẻ nhỏ. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chị nên nói chuyện với cô con gái 4 tuổi về việc chuyện ấy tuyệt vời thế nào. Nó có nghĩa là bạn không nghiêm trọng hóa vấn đề hơn so với thực tế mà nó diễn ra.
Phụ huynh thường có xu hướng nói dối con trẻ một cách dễ dàng, dù đó là lời nói dối vô hại đi nữa, từ chuyện có Ông già Noel cho đến Cô tiên răng. Tuy nhiên, có một chủ đề mà bạn thực sự không nên nói dối trẻ, đó chính là giới tính. Bạn không muốn trẻ lớn lên mà cảm thấy đầy mặc cảm, xấu hổ về cơ thể mình, cũng như bối rối, nhầm lẫn về những việc chúng làm với cơ thể mình chứ? Đừng nói với trẻ là chúng sinh ra từ cây bắp cải, hãy cố thành thực về cơ chế sinh nở ở con người nhiều nhất có thể.
Lập luận của phe "tích cực với giới tính" là trẻ rất dễ bị ám ảnh bởi những câu hỏi. Bạn nên đọc những cuốn sách như "Tôi đến từ đâu?" hay "Vì sao em bé lại sinh ra?", đó đều là những tài liệu hết sức bổ ích và đề cập đến mọi phương diện của chủ đề này. Bạn có thể nói chuyện với trẻ thoải mái về thụ tinh nhân tạo, cũng như có thể thẳng thắn nói rằng, đúng, bố mẹ vẫn còn "làm chuyện ấy" tại thời điểm này. Và khi chúng lớn hơn, chúng ta có thể bắt đầu trò chuyện về quá trình thụ thai.
"Nói dối với con trẻ về sex chẳng giúp ích cho bất cứ ai cả. Nếu nói rằng chuyện ấy chỉ xảy ra giữa các ông bố với các bà mẹ thì những đứa trẻ vị thành niên sẽ cảm thấy cực kỳ bối rối. Còn nếu nói với chúng rằng "sex chỉ xảy ra khi hai người rất yêu nhau" thì những đứa trẻ tuổi teen sẽ dễ dàng lẫn lộn tình yêu với "sự ám ảnh" hay "tình dục". Nó sẽ dẫn đến những tình huống bắc cầu đầy nguy hiểm như "Nếu con quan hệ với người đó, hẳn là chúng con rất yêu nhau", hoặc tệ hơn "Nếu con yêu người đó, con cần phải làm chuyện ấy với anh ấy/cô ấy". Đã có bao nhiêu bi kịch tuổi teen xuất phát từ sự hiểu nhầm tai hại đó?
"Bạn cần giúp trẻ hiểu được thực tế là loài người thích chuyện ấy. Nó mang lại cảm giác tuyệt vời, và nếu không có sex, nhân loại đã tuyệt chủng từ lâu rồi. Bạn có thể quan hệ với những người xa lạ mà đến tên mình cũng không biết, nhưng có thể không có nghĩa là nên làm vậy.
Đấy chính là cách tiếp cận của những bậc phụ huynh cởi mở về giới tính. Không dối trá về sex chỉ để ngăn chúng không có những hành vi mà bạn cho là thiếu lành mạnh. Mấu chốt của vấn đề là thành thật chia sẻ với chúng toàn bộ sự thật, giúp chúng hiểu ra điều cốt lõi để từ đó đưa ra những lựa chọn đúng đắn".
Hãy để trẻ hiểu rằng sex rất tuyệt, nhưng sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu chúng không cẩn thận. Hãy dạy chúng cách yêu cầu bạn tình phải sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn, và khi tình yêu kết hợp với sex thì đó mới là mối quan hệ tuyệt vời nhất, được gắn kết và nuôi dưỡng bởi tình yêu. Và tất nhiên, sex có thể dẫn đến có thai, vì thế, nếu trẻ vẫn cố tình chọn thì phải tự mình đối mặt với hậu quả".
Và cũng hãy trấn an con của bạn rằng chúng không sai trái, tội lỗi hay hư hỏng nếu có những cảm xúc hưng phấn về giới tính. Hoặc kể cả trường hợp chúng đã quan hệ đi chăng nữa. Hãy dạy chúng rằng khi chuyện đó xảy ra, chúng phải đưa ra được những lựa chọn tốt nhất", các chuyên gia theo quan điểm này khuyến nghị.
Y Lam