Bi kịch chất chồng
Chiếc container dài ngoằng ầm ào vụt qua, nền căn nhà ọp ẹp của những bệnh nhân ung thư vú thuê trọ rung lên bần bật. Những chén bát sắp sẵn dưới nền nhà va vào nhau leng keng.
Cơm canh đã dọn xong nhưng chưa ai động đũa. Họ chờ Hiếu, người đồng bệnh được mọi người yêu thương, đùm bọc nhất ở căn nhà trọ này.
Bà Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi), người đứng ra thuê căn nhà trọ trên, nói: “Mọi người đang chờ Hiếu đi xạ trị về để cùng ăn trưa. Mới 36 tuổi nhưng bệnh tật khiến nó đen đúa, già nua, xấu xí như bà cụ 70. Thương lắm”.
Bà Phượng vừa dứt lời, mọi người đã thấy Hiếu về đến trước cửa. Dáng đi thất thểu, mệt nhọc và đầy khó khăn, nếu không quen biết từ trước, không ai dám tin, Hiếu mới chỉ 36 tuổi.
Chị Hiếu (thứ 2 hàng đầu, từ trái qua) cùng các bệnh nhân ung thư vú tại "nhà trọ một vú" ở TP.Thủ Đức. |
Cơ thể chị già nua, gầy gò, đen đúa, còm cõi quá đỗi so với cái tuổi trung niên. Thấy chị còn mệt, những người đồng bệnh nhường ghế, quạt, lấy nước cho chị nghỉ ngơi.
Bệnh của Hiếu đã di căn vào xương, không thể mổ nữa nên chị mệt mỏi, khổ sở hơn những chị em đồng bệnh. Mọi người ở đây đều nói rằng, cuộc đời của Hiếu là một chuỗi những bi kịch nối tiếp nhau.
Ngày son trẻ, Hiếu là cô gái quê chân chất đến độ chưa từng biết cảnh ồn ào phố thị. Năm 2010, Hiếu vào một công ty ở địa phương làm công nhân. Tại đây, Hiếu được một bạn làm khác giới tỏ tình. Đó là mối tình đầu của chị.
Sau 2 tháng chỉ trò chuyện với nhau trên điện thoại, Hiếu đồng ý theo người yêu về quê ra mắt gia đình. Một tháng sau, đôi bên gia đình quyết định cho cả hai thành vợ thành chồng. Cưới xong, Hiếu về Tiền Giang làm dâu.
Nhưng hạnh phúc của Hiếu sớm nở tối tàn. Chồng chị có tật hay nhậu. Mỗi khi nhậu say, anh lại như biến thành người khác.
Mọi người ở nhà một vú ai cũng thương yêu Hiếu vì chị có một cuộc đời với nhiều bi kịch. |
Chỉ ít tháng sống chung, sự hồn nhiên, tươi vui của cô gái thôn quê trong Hiếu tan biến. Chị trở nên nhút nhát, sợ hãi khi đối diện với chồng.
“Không riêng gì tôi, mẹ chồng tôi cũng rất sợ anh ấy. Mỗi khi say, anh lại kiếm cớ chửi mắng, đánh đập tôi. Mẹ chồng tôi chứng kiến hết”, Hiếu kể.
Chị chịu đựng sự dày vò ấy cho đến khi có con. Biết chuyện, cha mẹ Hiếu bắt xe xuống Tiền Giang đón con gái về nhà. Ít tháng sau, chị nhận đơn đòi ly hôn từ chồng.
Tòa hòa giải nhưng hai vợ chồng Hiếu quyết sống ly thân. Hiếu và con về nhà mẹ ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) sinh sống.
Gắng gượng vì con
Đúng lúc này, chị phát hiện cơ thể mình có những thay bất thường. Ngực Hiếu xuất hiện hạch lớn. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đây là hạch bình thường. Đợi mãi không thấy cục hạch xẹp xuống, Hiếu lo lắng, đến bệnh viện khám và nhận kết quả khiến chị bàng hoàng.
“Ngày hôm đó, bác sĩ nói rằng tôi bị ung thư vú, bệnh đã di căn vào xương, không mổ được nữa. Tôi suy sụp hoàn toàn khi biết rằng mình chẳng còn bên con được bao lâu nữa”, chị Hiếu kể trong nước mắt.
Chị Hiếu (thứ 3 từ phải sang) khép nép trong lần nhận quà từ các mạnh thường quân. |
Trở về nhà trong tâm trạng nặng trĩu, Hiếu thẫn thờ, đờ đẫn như người mất trí. Nhìn đứa con chưa thôi bú, Hiếu lại khóc tu tu một mình.
Thế rồi khi nước mắt chưa kịp khô, chị nhận tin, chồng gửi đơn đòi ly hôn lần thứ hai sau khi có tình mới. Đau đớn hơn, chồng chị quyết định giành quyền nuôi con rồi chở 2 bé về quê ngay trong đêm.
Chị kể: “Ngày đó, tôi khóc như mưa. Suốt 2 tháng đợi tòa giải quyết ly hôn, tôi không được gặp con nên đêm nào cũng khóc”.
“Hôm chúng tôi ra tòa, bé lớn của tôi vì quen sống với ông bà nội nên khi được hỏi, bé nói muốn ở với ông bà. Lòng tôi đau như cắt nhưng cũng đành chia tay con. Tôi ẵm đứa con út, tay trắng về nhà mẹ”, chị kể thêm.
Từ khi phát hiện mình mắc bệnh, tan vỡ hạnh phúc, Hiếu buồn bã, trở nên ít nói. Cơ thể chị teo tóp, gầy đen, ốm yếu, già nua khiến chị mặc cảm. Ngoài những ngày phải lên TP.HCM điều trị bệnh, Hiếu chỉ giấu mình sau những liếp rau, luống đậu.
Sau khi thoát khỏi những suy nghĩ tuyệt vọng, chị Hiếu có phần tươi trẻ hơn dù đang sống trong giai đoạn cuối của căn bệnh. |
Có lúc, Hiếu tủi thân, chán nản muốn buông xuôi, thậm chí nghĩ đến việc tự tìm cách kết liễu cuộc đời đầy bi kịch của mình. Thế nhưng những lúc ấy, chị lại nghĩ đến con. Thương con, Hiếu quên đi việc mình đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.
Những ngày này, bạo bệnh khiến chị như sức cùng lực kiệt. Già nua và mệt mỏi nhưng Hiếu không dám nghỉ ngơi vì cần tiền vào thuốc, nuôi con. Với chị bây giờ, hai con là lý do duy nhất để chị gắng gượng sống những tháng ngày còn lại.
Chị chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần nhìn con, tôi đều rơi nước mắt vì nghĩ mình sẽ sớm xa con. Bây giờ, tôi không khóc nữa và ước mình có thể gắng gượng, đợi ngày con đủ lớn để yên lòng xuôi tay”.
“Tôi không có nhiều thời gian như những người mẹ khác nên phải cố gắng gấp nhiều lần. Có thể tôi sẽ không có cơ hội chứng kiến con lớn lên, trưởng thành. Thế nên bây giờ, tôi sẽ cùng con sống những tháng ngày đẹp nhất”, chị nói thêm.
Bài: Hà Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuộc sống 20 người phụ nữ trong 'gia đình một vú' ở TP.HCM
Không thể tiếp tục “bám” hành lang bệnh viện, bà Phượng bán nhà lấy tiền thuê phòng trọ làm chỗ trú thân, cưu mang hơn 20 bệnh nhân ung thư vú từ khắp nơi đến TP.HCM hóa, xạ trị.