Công an TP. Hà Nội đang tiến hành xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn ở các địa điểm gần nhà hàng, quán bia trên địa bàn. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy đã có những quý ông ham vui phải chịu phạt tới 17 triệu đồng.
Bị phạt một lần, mất cái xe máy
Nếu so sánh với Nghị định cũ ban hành năm 2013, Nghị định 46 tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), đồng thời tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.
Trong khi đó, vi phạm mức 1 (50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở) và mức 2 (50-80mg/100ml máu hoặc 0,25-0,4mg/1 lít khí thở) vẫn giữ nguyên khung phạt.
Kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn |
Như vậy, có thể thấy trong Nghị định mới này, Chính phủ quyết tâm phạt nặng những lái xe uống say “tới bến”. Bởi, thực tế khoa học đã chứng minh, nếu nồng độ cồn trong máu từ 50-80mg/100ml, nguy cơ không làm chủ được tay lái dẫn đến tai nạn giao thông đã tăng gấp 7-21 lần so với người bình thường. Khi nồng độ trên 80mg/100ml, lái xe có thể hoàn toàn mất kiểm soát và gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo tính toán, một người đàn ông nặng 70 kg nếu uống 5 ly rượu mạnh hoặc 5 lon bia trong vòng 2 giờ đồng hồ thì lượng cồn trong máu sẽ vượt quá 80 mg/100ml. Đối với những người có tầm vóc nhỏ hơn, chưa cần tới 5 lon bia cũng đã đủ vượt ngưỡng.
Trong tình trạng các bữa nhậu kéo dài thâu đêm suốt sáng như hiện nay, sẽ rất nhiều quý ông rời bàn tiệc với nồng độ cồn tương đương hoặc hơn rất nhiều. Chúng ta đã quá quen với các câu chuyện say rượu bỏ quên cả xe, hoặc say đến độ sáng hôm sau không biết đã về nhà bằng cách nào.
Mức phạt ở Việt Nam vẫn còn nhẹ
Thực tế, mức phạt theo Nghị định mới vẫn còn tương đối nương tay nếu so với một số nước trên thế giới. Tại Mỹ, số tiền phạt uống rượu bia khi lái xe sẽ khiến bạn choáng váng mặt mày. Mỗi bang sẽ có một khung hình phạt riêng cho lỗi này. Trung bình mất 300-500 USD cho vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm mức phạt sẽ nhảy lên 1.000 USD.
Ở một số nơi, bị bắt khi uống rượu bia cũng đủ làm cho cuộc đời bạn xuống dốc |
Nhưng đó chưa phải là tất cả, người vi phạm sẽ phải tự trả phí cho việc xét nghiệm nồng độ cồn từ 500-1.000 USD. Tiếp theo đó là hàng tá các chi phí kèm theo như: tiền kéo xe về sở cảnh sát, tiền trông xe, tiền hầu tòa, tiền học lại luật giao thông, bắt buộc mua thiết bị giám sát nồng độ cồn gắn theo xe,... Mức phí bảo hiểm đối với người từng vi phạm lỗi uống rượu bia cũng tăng gấp vài lần.
Tiền phạt cao là vậy nhưng như thế vẫn còn may chán, bởi ở một số bang nhất định (ví dụ như Ohio) người vi phạm sẽ phải ngồi tù, tái phạm nhiều lần có thể bị coi là tội phạm, bị tước quyền công dân.
Không cần phải tới nước Mỹ xa xôi, ngay ở các nước láng giềng Đông Nam Á, nhiều khung hình phạt cũng rất nghiêm khắc. Tại Singapore, dù chỉ vi phạm lần đầu mức phạt cũng có thể lên tới 5.000 đô Sing (80 triệu đồng). Còn nếu dám tái phạm, số tiền phạt sẽ tăng vài lần.
Văn hóa bia rượu không văn minh làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông |
Phạt nặng có giải quyết được vấn đề?
Một điều đáng buồn là tình trạng uống rượu bia khi lái xe ở Việt Nam lại bắt nguồn từ văn hóa nhậu. Đã uống thì phải hết mình, phải chúc tụng nhau, mời đi mời lại mới được coi là nhiệt tình với bạn bè. Kết thúc cuộc chơi, những ai còn tỉnh táo ra về thì cảm thấy tự hào như lập được chiến công. Có người tự lượng sức bản thân, bắt taxi ra về lại bị bạn bè đánh giá thấp?
Trước kia, công an TP Hà Nội cũng từng tiến hành các đợt kiểm tra tương tự ở gần các nhà hàng, quán bia nhưng kéo dài không lâu.
Thiết nghĩ, việc phạt nặng hành vi uống bia rượu khi lái xe là cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, gây chuyển biến trong ý thức của người tham gia giao thông, rất cần duy trì việc kiểm tra liên tục của cơ quan chức năng. Và quan trọng hơn là sự ủng hộ của người dân trong việc đẩy lùi văn hóa rượu bia triền miên.
Hoàng Hiệp