Bé gái H.N.H (13 ngày tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) được chuyển từ Trung tâm y tế huyện lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ với chẩn đoán viêm phổi. Thời điểm nhập viện, bé có tình trạng suy hô hấp nặng, không đáp ứng với thở oxy.

Ngay lập tức, bé được các bác sĩ cấp cứu đặt ống nội khí quản, cho thở máy, đưa vào điều trị tại đơn nguyên Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, Khoa Nhi Sơ sinh.

BSCKI Nguyễn Đức Hậu, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh thông tin, kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ có tình trạng suy gan, thận nặng, kèm suy tim rất nặng, rối loạn đông máu nặng nề, toan chuyển hoá nặng, nước tiểu gần như không có, xuất huyết nhiều vị trí trên da. Hình ảnh trên phim chụp X quang phổi cũng phát hiện có rất nhiều tổn thương.

“Các kết quả xét nghiệm hoàn toàn không tương xứng với chẩn đoán viêm phổi ban đầu”, bác sĩ Hậu nói.

Kíp cấp cứu tiến hành khai thác lại yếu tố tiền sử bệnh từ phía gia đình và được biết, cách thời điểm vào viện 4 ngày, trẻ có dấu hiệu viêm da nên gia đình đi cắt thuốc nam về cho con uống 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng viêm da không những không cải thiện mà bệnh nhi còn xuất hiện các triệu chứng nặng hơn nên gia đình đưa bé đi khám.

Các bác sĩ xác định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy đa tạng của trẻ là do thuốc nam.

Kíp tiếp tục cho bệnh nhi thở máy, đặt catheter trung tâm, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, bù dịch liên tục, điều chỉnh rối loạn toan máu, rối loạn đông máu, bảo vệ tế bào gan, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Đồng thời, duy trì lợi tiểu, cho trẻ sử dụng thuốc vận mạch kết hợp kháng sinh.

{keywords}
Bệnh nhi thời điểm điều trị tại đơn nguyên Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, Khoa Nhi Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ - Ảnh: BVCC
{keywords}
Loại thuốc nam gia đình cho trẻ uống để chữa viêm da - Ảnh: BVCC

Sau 6 giờ điều trị tích cực, trẻ đã bắt đầu có nước tiểu trở lại. 2 ngày sau, chức năng gan, thận của bé cải thiện, chức năng tim ổn định. Sau 5 ngày điều trị, trẻ được rút ống nội khí quản, hết tình trạng suy đa tạng. Theo dõi và điều trị tiếp đến ngày thứ 9, sức khỏe của bé hoàn toàn ổn định, khỏe mạnh và được cho xuất viện.

BSCKI Nguyễn Đức Hậu khuyến cáo, nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra hậu quả nặng nề, đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Hậu cho biết bệnh nhi H. không phải trường hợp đầu tiên được Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ ghi nhận bị ngộ độc do uống thuốc nam. Trước đó, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trẻ ngộ độc rất nặng do sử dụng thuốc nam, thuốc cam và ngộ độc do sử dụng sái thuốc phiện (kinh nghiệm dân gian để làm sạch đường tiêu hoá).

Bác sĩ nhấn mạnh, phụ huynh tuyệt đối không tùy tiện cho con sử dụng các phương thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện có dấu hiệu bị bệnh để được thăm khám, điều trị đúng cách.

Nguyễn Liên

Bé 4 tuổi rách vòm họng vì ống hút inox

Bé 4 tuổi rách vòm họng vì ống hút inox

Một cháu bé tại TP.HCM bị ống hút inox đâm vào vào họng, phải gây mê và khâu vết thương.