Như một xu hướng song hành với sự phát triển của thị trường ô tô, thảm trải sàn dù không được nhắc đến trong lịch sử công nghiệp ô tô nhưng nó dần trở thành phụ kiện quen thuộc trên xe trong thế kỷ 20 và đến nay.
Tuy nhiên, từ một sự kiện bi thảm xảy ra tại Mỹ vào năm 2009, sau cái chết của một gia đình 4 người trên chiếc Lexus ES350 được xác định do lỗi kẹt chân ga bởi thảm trải sàn 4 mùa lắp không đúng cách, làm bùng lên các chiến dịch thu hồi ô tô Toyota trên toàn cầu, kéo dài suốt 2 năm sau đó với tổng cộng gần 9 triệu xe.
Sự kiện của Toyota đã làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô khi nhiều hãng xe đã dần từ bỏ kiểu thiết kế chân ga treo từ trên xuống, chuyển sang cách đặt chân ga đạp thẳng xuống sàn xe, giúp tránh bị mắc kẹt vào thảm trải sàn. Nhưng không vì thế mà giảm bớt các nguy cơ kẹt chân ga do sự biến tướng ngày càng phong phú của các loại thảm trải sàn.
Dưới đây là các loại thảm trải sàn phổ biến tại thị trường Việt Nam, và người dùng cần biết được ưu nhược điểm của chúng để tránh được nguy cơ biến thành tác nhân gây hại trong quá trình lái xe.
Thảm cao su tự cắt
Phổ biến nhất hiện nay là các loại thảm cao su bán theo mét, có giá chỉ từ 60 đến 100 ngàn đồng/khổ 1m x 0,6m. Người dùng tự đo khoảng cách vị trí lắp sàn và đặt hàng online hoặc có thể làm rất nhanh tại các cửa hàng đồ chơi ô tô.
Thảm cao su tự cắt có giá rẻ, dễ lắp đặt |
Ưu điểm của thảm cao su tự cắt ngoài giá rẻ, dễ thi công thì còn chống thấm nước rất tốt, vệ sinh dễ dàng, ít bị bám bẩn. Tuy nhiên, do có giá rẻ, các loại thảm ô tô cao su này chủ yếu được làm từ cao su tái chế hay nhựa tổng hợp, không phải là cao su tự nhiên (có giá đắt hơn), nên có mùi rất nồng, khó chịu.
Hơn nữa, do phải tự cắt nên các góc cạnh sẽ không thẩm mỹ, gập ghềnh dễ bị xô lệch trong quá trình sử dụng. Ngoài ra nếu cắt không chuẩn, người dùng dễ gặp phải nguy cơ kẹt chân ga do vướng phải mép thảm.
Thảm lót sàn kiểu rối
Cũng được sử dụng thông dụng chỉ đứng sau thảm cao su tự cắt là loại thảm rối. Thảm này có cấu tạo 2 lớp, gồm lớp đáy bằng nhựa hoặc cao su chống thấm nước, phía trên là lớp sợi cao su/nhựa rối như sợi mỳ có tác dụng gạt và lưu bụi bẩn, đất cát trôi xuống lớp đáy.
Một bộ thảm sàn kiểu rối cho xe 5 chỗ |
Hiện nay trên thị trường đang bán phổ biến hai loại thảm rối, gồm loại tự cắt từ 1 cuộn lớn và loại cắt may theo từng loại xe. Giá một bộ cho xe 5 chỗ khoảng từ 600 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng.
Nhược điểm lớn nhất của loại thảm lót này đó là nhiều sợi cao su nhỏ tạo nhiều kẽ hở khiến thảm dễ bị bám bẩn và khó vệ sinh hơn các dạng thảm khác. Hơn nữa, do thiết kế trôi cát bụi, nước xuống lớp đáy nên nếu không vệ sinh thường xuyên thì thảm loại này dễ là nơi giữ ẩm, sinh nấm mốc và mùi khó chịu.
Thảm lót sàn bằng nỉ
Thảm lót sàn ô tô bằng nỉ với cấu tạo lớp trên bằng nỉ và lớp dưới bằng cao su mềm là loại thường được các hãng xe ô tô khuyến mãi cho người mua xe. Chúng được sản xuất theo từng khuân có sẵn của các mẫu xe thịnh hành. Người dùng cũng có thể mua ngoài thị trường với giá từ 400 ngàn đến 800 ngàn đồng tùy từng loại xe.
Một loại thảm sàn nỉ pha thêm chút giả da |
Ưu điểm của loại thảm này là dễ lau chùi chân, dẫm lên êm ái, tuy nhiên nhược điểm của nó là khi bẩn khó giặt và rất lâu khô. Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, lớp nỉ thường bị phai mầu và cong vênh ở mép nên giảm thẩm mỹ rất nhiều.
Thảm lót sàn khuôn cứng
Đây là loai thảm được sản xuất dựa trên thiết kế của từng loại xe cụ thể bởi bộ khuôn được tạo sẵn phù hợp với kích thước đã biết trước.
Điểm nổi bật của thảm lót sàn là thường thiết kế ôm khít không gian để chân với phần đáy dạng rãnh, nhiều gờ cạnh giúp dễ dàng làm sạch khi dính bẩn. Chất liệu thường sử dụng là cao su dẻo có độ bền cao khi sử dụng, chống thấm và chống dính tuyệt đối. Một số loại cao cấp hơn có thể dùng vật liệu carbon cho độ bền và thẩm mỹ gần như tuyệt đối.
Thảm lót sàn khuôn cứng bền đẹp nhưng ít lựa chọn màu sắc và có giá bán đắt |
Ưu điểm của loại thảm này là dễ vệ sinh, bền đẹp và không có mùi, thường thiết kế móc chốt để chống xê dịch. Nhược điểm lớn nhất là có giá bán đắt và ít màu sắc. Một bộ của WeatherTech hay Goodyear có giá từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng tùy từng loại xe.
Thảm lót sàn ô tô 3D, 4D, 5D, 6D
Đây là dòng sản phẩm đang rất "hot" trên thị trường phụ kiện ô tô hiện nay ở Việt Nam và được nhiều cửa hàng chăm sóc xe quảng cáo rất nhiều. Dựa trên tên gọi, loại thảm này có nhiều loại lớp tạo hình, từ 3 lớp cho đến 6 lớp (3D, 4D, 5D, 6D).
Một loại thảm 3D |
Thảm lót sàn ô tô 3D, 4D có giá rẻ nhất bởi nó vốn là dòng sản phẩm nâng cấp kên từ loại thảm sàn cao su, được bổ sung thêm lớp may viền hoặc lớp nỉ, da tùy thẩm mỹ. Khác với thảm lót sàn cao su thông thường, thảm lót 3D, 4D được đúc theo khuôn mẫu sàn của từng xe. Giá của thảm 3D, 4D dao động từ 600 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/bộ.
Ưu điểm của thảm 3D, 4D là thiết kế đẹp mắt, không thấm nước, dễ dàng tháo rời để vệ sinh, có thể xịt rửa với xà phòng, phơi nhanh khô. Mặt thảm có các dạng vân nổi giúp chống trơn trượt tốt, tăng độ bám. Nhược điểm là dễ bị xô lệch, xê dịch. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khu vực chân ga, chân phanh. Dù thiết kế theo xe nhưng thảm 3D, 4D vẫn không có khả năng phủ kín hoàn toàn sàn xe nên mức độ bảo vệ sàn xe không cao. Bên cạnh đó, thảm mới thường có mùi cao su khá nồng, tuổi thọ sử dụng không cao, dùng lâu dễ bị trầy, sờn, bạc màu, quăn, rách…
Với thảm lót sàn 5D, 6D là loại thảm lót sàn mới trong 2 năm trở lại đây, khắc phục được các nhược điểm của những loại thảm lót sàn 3D, 4D.
Thảm lót sàn ô tô 5D có cấu tạo gồm 5 lớp: da, xốp mật độ cao, lớp liên kết, xốp XPE, và vải lót. Thảm lót sàn ô tô 6D khác với 5D ở việc có thêm một tấm rối cao su ở trên, tấm rối này giúp giữ đất cát, chống nước, chống trượt… Khi vệ sinh chỉ cần tháo các chốt lấy tấm rối ra phủ bụi hoặc xịt rửa trực tiếp dưới vòi nước rất tiện lợi.
Thực tế 2 loại thảm 5D và 6D đem lại cảm giác sang trọng cho không gian nội thất xe, có nhiều hoạ tiết đẹp mắt, màu sắc đa dạng. Người mua có thể dễ dàng lựa chọn phối màu phù hợp với nội thất xe.
Một thiết kế thảm sàn 6D có phần vách gây bó, kẹt chân ga trên xe Mercedes-Benz. |
Nhược điểm thảm lót sàn oto 5D, 6D là giá thành khá cao, từ 1,8 triệu đến trên 4 triệu đồng/bộ tùy loại xe. Bên cạnh đó, do thường được thiết kế ôm hết không gian sàn và vách xe nên nếu thi công ẩu, trong quá trình sử dụng, loại thảm này dễ làm bó, kẹt chân ga kiểu mới.
Trải sàn da giả
Đây là lựa chọn thường thấy với các chủ xe chạy dịch vụ hoặc taxi. Người thợ sẽ dùng vật liệu giả da như PU hay Simili để phủ kín sàn và vách dưới sàn xe. Có 2 lựa chọn gồm: bóc toàn bộ lớp nỉ sàn xe để trải giả da hoặc phủ lớp giả da lên sàn nỉ. Chi phí để trải sàn giả da từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng tùy theo loại xe.
Ưu điểm của trải sàn da xe hơi đó là phủ kín hoàn toàn lòng sàn xe và các gờ, giúp bảo vệ toàn bộ sàn xe khỏi bụi bẩn hay chất lỏng đánh rơi xuống sàn.
Nhược điểm của loại sàn này là thường có bề mặt nhẵn nên đi lại dễ bị trơn trượt. Da được cố định vào sàn nên không thể thao rời để vệ sinh như nhiều loại thảm lót sàn ô tô khác. Người dùng bắt buộc vào lau chùi trực tiếp trên xe, khá bất tiện. Tuổi thọ thảm lót sàn da cũng không cao. Dùng lâu ngày mặt da dễ bị xuống cấp, bạc màu, sờn, nhăn, thậm chí bị bong tróc, đùn, xô lệch… gây mất thẩm mỹ cho nội thất xe.
Sàn của một chiếc Suzuki Ertiga dó dấu hiệu han gỉ, phải tháo bỏ sàn giả da sau 1 năm sử dụng |
Bên cạnh đó sàn xe khi mới bọc da có mùi chất liệu giả da rất nồng. Đặc biệt nhiều chủ xe đã nhận "quả đắng" sau một thời gian dùng sàn giả da vì xe bị ngấm nước không thoát hơi được dẫn đến gỉ sét, nếu không phát hiện sớm sẽ gây mọt sàn xe.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Nguy cơ kẹt chân ga vì món phụ kiện nhiều ô tô tại Việt Nam lắp thêm
Tấm thảm lót sàn, thường được gọi là thảm 5D, 6D giúp chiếc xe đẹp hơn, sạch hơn nhưng có thể là nguyên nhân gây tình trạng kẹt chân ga nếu không được lắp đặt cẩn thận và sử dụng đúng cách.