- Sân bay Quảng Bình mỗi tuần chỉ có hai chuyến, giảm giá rất nhiều mà vẫn không đắt khách, cán bộ tỉnh được khuyến khích đi máy bay ra Trung ương họp thay cho ô tô để “kích cầu”… Ông Trần Ngọc Hùng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) kể tại buổi tọa đàm của UB Kinh tế Quốc hội để minh họa cho bài học về việc đầu tư tràn lan khiến nền kinh tế tăng trưởng nóng và rơi vào giảm phát.

Để tổng hợp thông tin cho báo cáo kinh tế - xã hội sắp trình Quốc hội tháng 10, UB Kinh tế hôm nay đã tổ chức tọa đàm phân tích tình hình khó khăn và lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp và xây dựng.

Tăng giá xăng, điện… đáng lo ngại

Đại diện các ngành than, thép, xây dựng… ai nấy đều than khó và mong được gỡ các nút thắt về vốn, về đầu ra. Bởi đây là những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Trần Chí Cường mô tả, ngân hàng e sợ nợ xấu, doanh nghiệp thì kêu ca khó tiếp cận vốn. Một vòng luẩn quẩn đòi hỏi phải tìm ra hướng đột phá cho nền kinh tế .

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cảnh báo nguy cơ “bong bóng bất động sản” và những hệ lụy cho ngành tài chính.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cảnh báo nguy cơ bong bóng bất động sản

Ông Hùng cho hay, chỉ cần dạo thử một vòng quanh Thủ đô cũng thấy hàng trăm dự án đắp chiếu. Còn ở TP.HCM, có những DN xây dựng vay gần 3 tỷ USD đổ vào nhà đất nhưng không có người mua. Do điều kiện thành lập DN không mấy khó khăn nên một kỹ sư xây dựng có thể đứng tên lập 5, 7 DN, làm ăn chụp giật, rồi tình trạng "quân xanh, quân đỏ" khiến thị trường xây dựng mấy năm qua càng thiếu minh bạch.

Nhiều ĐB chỉ ra tình trạng đóng băng trong lĩnh vực xây dựng khiến những DN quen làm ăn lớn nay dự án nhỏ cũng phải “vơ vào”. Tình trạng èo uột của những DN thua lỗ cũng tạo mảnh đất vàng cho các DN lớn nước ngoài tìm cách thôn tính.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung cho hay, số DN đã giải thể 8 tháng đầu năm nay đã cao gấp đôi số giải thể bình quân của suốt 12 năm vừa qua. Nền kinh tế có thể chưa xuống đáy nhưng chưa nhìn thấy dấu hiệu sáng sủa và tiềm năng đi lên.

Ngay thống kê sơ bộ của UB Kinh tế Quốc hội cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như Nghị quyết Quốc hội đề ra là rất khó khăn. Dự báo GDP cả năm tăng 5,4% - 5,7%, thấp hơn kế hoạch (6% - 6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng có thể 7-8%. Trong bối cảnh DN đang lao đao, tổng cầu nền kinh tế suy giảm thì việc tăng giá điện, xăng, dầu có thể dẫn tới những hệ lụy đáng lo ngại và là chuyện “bất hợp lý”.

Cho người dân vay mua nhà

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Mai Xuân Hùng khẳng định, một trong những nguy cơ lớn nhất hiện nay là nhóm lợi ích, là câu chuyện các cá nhân thâu tóm dự án, thâu tóm DN, thâu tóm ngân hàng, dẫn đến phá vỡ toàn bộ nền kinh tế.
Rất nhiều ĐB cho rằng, có thể đột phá trong lĩnh vực bất động sản để gỡ khó cho các ngành kinh tế liên quan.

Theo ông Trần Chí Cường, lĩnh vực bất động sản liên quan tới 78 ngành nghề, lại chiếm số nhân công khổng lồ. Chưa kể 80% nợ xấu hiện nay nằm ở đây. Nếu không sớm giải quyết thì vòng xoáy nợ xấu sẽ còn tái diễn.

“Đi từ Nam ra Bắc có hàng ngàn dự án, hàng ngàn tỉ đồng, chủ đầu tư chạy làng, để ngân hàng muốn siết nợ hoặc muốn làm gì thì làm. Ngay những khu đất vàng ở Hà Nội cũng chôn cả nghìn tỷ đồng nhưng cứ quây để đó”, ông Cường phân tích.

Ông Trần Ngọc Hùng lại cho rằng để kích cầu nhà đất, không nên tiếp tục cho DN vay như lâu nay mà nên trực tiếp tạo cơ chế hỗ trợ người dân vay mua nhà.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng mang tới Quốc hội một thông điệp rõ ràng: “Không phải cứu DN mà là cứu nền kinh tế. Phải xử lý các nguyên nhân cơ bản và gốc rễ”. Như vậy, ngay các giải pháp như miễn giảm, giãn thuế cũng chỉ góp phần tháo gỡ được một phần bế tắc trước mắt nhưng khó khăn vốn có của DN vẫn còn đó và sẽ đến lúc chồng chất thêm.

Ông Cung cho rằng, cốt lõi vẫn là đổi mới thể chế kinh tế. Đó là phân bổ lại nguồn lực xã hội trên phạm vi cả nước và trong toàn bộ nền kinh tế. “Đột phá thể chế là cách làm rẻ tiền nhất… nhưng cũng khó nhất”, ông Cung kết luận.

Lê Nhung